Tác phẩm, tác giả

Chuyện làng văn qua tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi”

NGUYỄN TAM MỸ 22/09/2024 10:38

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng khá “dũng cảm” khi cho ra đời tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi” (NXB Hội Nhà văn ấn hành), đề cập trực diện giới cầm bút ở một hội văn nghệ địa phương.

ke-nam-nguoi-ngoi.6fde75e4-61e.jpg
Bìa sách của Nguyễn Thế Hùng.

Từ cuốn vở giấy dó…

Tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi” có cấu trúc không theo chương hồi, mà là những phân đoạn tạo nên bức tranh với các mảnh ghép đa dạng, đầy màu sắc về giới văn nghệ sĩ ở một tỉnh lẻ.

Trong tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi”, giọng văn Nguyễn Thế Hùng nhẩn nha chậm rãi, sử dụng vốn văn học dân gian tục mà thanh.

Mận là nhân vật chính. Chuyện bắt đầu khi Mận được mẹ cho phép lau dọn bàn thờ tổ, cô tò mò “mở hộp gia bảo trên bàn thờ và thấy trong đó chỉ đựng duy nhất một cuốn vở giấy dó đã ngả màu thời gian”. Chữ vuông của thánh hiền.

Cụ đồ Khang cho biết, đó không phải là gia phả mà là tiểu thuyết. “Tiểu thuyết là những câu chuyện nhỏ nhặt chép ở đầu đường xó chợ”, cụ đồ Khang giải thích. “Mận muốn danh tiếng họ Đào nhà Mận bay qua lũy tre làng. Ra huyện rồi lên tỉnh”.

Để làm được điều đó, Mận quyết đến với văn chương, nhằm làm người nổi tiếng, làm rạng danh dòng họ Đào có cuốn vở giấy dó viết “tiểu thuyết” là vật gia bảo…

Chen chân vào giới cầm bút với hy vọng nổi danh thiên hạ, Mận được Vũ Lãi - nhà phê bình tên tuổi, cưu mang đùm bọc, dìu dắt trên con đường đến với văn chương.

Vũ Lãi là người viết bài lăng xê thơ Lê Vinh - thầy giáo dạy văn, thời Mận học cấp 3 trường huyện. Nhờ vậy, “Không những thầy nổi tiếng trong tỉnh, trong tổng, mà tiếng tăm bay khắp cả nước, thậm chí còn vượt biên ra nước ngoài bởi đã không dưới một lần thầy được nhà phê bình lừng danh Vũ Lãi giới thiệu trên báo lớn với những câu nghe như có tiếng chuông, tiếng khánh”.

Khi tiếp xúc với Vũ Lãi, Mận mới hay, thầy giáo dạy văn của mình là “thằng đui làm vua xứ mù”. Vũ Lãi bảo: “Thơ với thẩn gì nó, mấy bài vè. Lúc đi thực tế về quê em, nói là từ tỉnh xuống huyện, nhưng em thấy đấy, xa cả ngàn trùng vạn lý chứ đâu có giỡn chơi.

Gặp bạn gặp bè, gặp gái bản váy áo xúng xính, thế là tiêu hết tiền. Đang bí thì thằng Vinh cho cái vé xe, về nhà tôi viết một bài ca ngợi nó trên báo coi như là trả nợ”.

Cao ngạo, coi trời bằng vung, Vũ Lãi cũng là kẻ ma cô chăn dắt gái. Ông ta vẽ ra chuyến đi Tây với Mận, bày tiệc rượu chiêu đãi, khiến Mận say ngất ngây để bán đứng nàng cho Bop Bi. May mà Mận kịp “sử dụng chiêu khẩn cấp mẹ đã truyền cho” mới thoát khỏi gã Bop Bi dê xồm. Giấc mơ đi Tây tan thành mây khói.

…đến cái giá phải trả của sự nổi tiếng!

Không thể vác mặt về quê, Mận bám trụ ở phố, nhờ bạn bè giúp đỡ nơi ăn chốn ở, kiếm ở “chợ giời” mảnh bằng tốt nghiệp cấp 3. Mận thi đỗ vào đại học. Một trang mới với đời Mận được mở ra.

Vẫn ôm mộng văn chương để thành người nổi tiếng, Mận viết văn và ký bút danh Lâm Oanh. Văn Lâm Oanh chẳng ra gì nhưng người Lâm Oanh lại có giá bởi đẹp gái. Lâm Oanh đem “vốn tự có” ra kinh doanh như một món hàng. Nhờ thế, Lâm Oanh “nắm thóp” Lợi “cá tràu”, Thuận “lờ đờ” và Tổng; là những người ở cơ quan hội văn nghệ tỉnh.

Cả ba đã chung tay góp sức khoác lên Lâm Oanh ánh hào quang rực rỡ bằng cách mở cuộc thi truyện ngắn và trao giải cao cho người đẹp. Ngưu tầm ngưu. Mã tầm mã. Tất cả lợi dụng lẫn nhau.

Cô Mận ngày nào đã trở thành nữ nhà văn Lâm Oanh và “lãi to” đúng như lời người đàn ông “mặt quát tai dơi” tiên đoán. Người đẹp có nhà cửa ở phố, có danh tiếng, có địa vị xã hội. Đưa mẹ ra phố chung sống, Mận đoạn tuyệt với “chiếc cổng tre của quá khứ để đi về hướng tương lai”.

Để có được những thứ ấy, cái giá mà Mận phải trả khá đắt nhưng nàng lại không nhận ra. Chỉ có người mẹ nhìn thấy.

Điều khiến người đọc băn khoăn trăn trở là ngoài những mảnh ghép về Mận, tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi” còn có những mảnh ghép khác với các sắc màu đậm nhạt làm cho bức tranh toàn cảnh đen xám đến độ ám ảnh.

Thói lừa lọc gian manh xảo trá và hợm hĩnh theo kiểu “thùng rỗng kêu to”; thói xun xoe nịnh bợ nhằm mưu cầu chức quyền lợi lộc…, tất cả được khắc họa sinh động và chân thực trong tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi”.

Chỉ với những nét vẽ bằng ngôn từ, nhà văn Nguyễn Thế Hùng đã tạo nên những khuôn mặt người trong giới cầm bút. Hội văn nghệ tỉnh - nơi quy tụ giới cầm bút của tỉnh, không khác gì một sân khấu lớn để bọn họ diễn đủ trò sân si hỉ nộ ái ố.

Điều dễ nhận thấy nhất và tạo nên sự ám ảnh nhất đối với người đọc, theo tôi nghĩ, là trong tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi”, nhà văn Nguyễn Thế Hùng sử dụng vốn văn nghệ dân gian đậm đặc thông qua “lời mẹ hát hằng đêm”.

Nhiều, nhưng đúng lúc đúng nơi nên đắc địa và đặc sắc. “Lời mẹ hát hằng đêm” đôi khi lại hóa thành lời tiên tri về số phận của Mận trên con đường đến với văn chương để thành người nổi tiếng. Tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi” hấp dẫn người đọc bởi giọng văn thâm trầm trào lộng. Và tôi nghĩ, đó cũng là thành công của nhà văn Nguyễn Thế Hùng qua tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi”.

NGUYỄN TAM MỸ