Giáo dục - Việc làm

Cẩm Nhung, nữ sinh Núi Thành thủ khoa đầu ra ngành Tâm lý học VNU-USSH

THÚY HIỀN 22/09/2024 14:54

(QNO) - Nỗ lực suốt 4 năm đại học, cô sinh viên ngành Tâm lý học Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội (VNU-USSH), Nguyễn Mai Cẩm Nhung quê xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành) đã tốt nghiệp loại Xuất sắc với GPA 3.83/4.0.

Tốt nghiệp thủ khoa
Nguyễn Mai Cẩm Nhung tốt nghiệp thủ khoa ngành Tâm lý học. Ảnh: THÚY HIỀN

Bén duyên với tâm lý học

Sau một ngày làm việc hăng say tại Hệ thống giáo dục Alpha School (cơ sở An Khánh, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội), Nhung trở về căn trọ nhỏ giữa lòng thủ đô. Cô gái đến từ Quảng Nam này hiện là chuyên viên tâm lý học đường cấp THCS - THPT, giảng dạy môn Giáo dục cảm xúc - xã hội, hỗ trợ tham vấn tâm lý và thiết kế/tổ chức các chương trình phòng ngừa để nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm lý cho học sinh.

Làm việc
Nhung viết tiếp đam mê tâm lý học với công việc đúng chuyên ngành. Ảnh: THÚY HIỀN

4 năm trước, với 27,2 điểm khối D, Cẩm Nhung đỗ chuyên ngành Tâm lý học tham vấn vào ngôi trường đào tạo tâm lý học hàng đầu Việt Nam - VNU-USSH.

Nhắc về cơ duyên đến với tâm lý học, Nhung hồi tưởng: “Đầu năm cấp 3, mình vẫn chưa biết tâm lý học là gì. Nhờ có một bạn chung lớp theo đuổi đam mê tâm lý từ rất sớm truyền cảm hứng. Và mình cũng dần nhận ra bản thân có tố chất lắng nghe, dễ thấu cảm và tạo không gian ấm áp để những người xung quanh có thể tin tưởng, chia sẻ câu chuyện riêng của mình. Đồng thời, tâm lý học giúp hiểu bản thân hơn, hiểu mọi người hơn nên mình bắt đầu theo đuổi nó”.

clb.jpg
Nhung là Phó Chủ nhiệm - Trưởng ban chuyên môn CLB học thuật về tâm lý PSYSEEING. Ảnh: THÚY HIỀN

Mặc dù khá phù hợp với tính cách của cô gái xứ Quảng nhưng theo Nhung, trong suốt thời gian gắn bó với ngành Tâm lý học, em cũng gặp không ít thách thức. Đây là chuyên ngành yêu cầu kiến thức và kỹ năng rất cao để có thể hỗ trợ tốt nhất về mặt tinh thần cho con người, do đó, đòi hỏi người học phải đọc nhiều, nghiên cứu sâu những kiến thức hàn lâm. Mà Nhung không phải là một người giỏi ghi nhớ...

Nhung cũng cho biết thêm, để hành nghề thực hành tham vấn - trị liệu tâm lý, cần ít nhất là bằng cao học về tâm lý học lâm sàng. Đồng thời yêu cầu có đủ số giờ thực hành, giám sát theo quy định của Hiệp hội Tâm lý học. Cho nên tốt nghiệp cử nhân chỉ là một bước đệm để cô gái nhỏ theo đuổi con đường trở thành nhà tham vấn - trị liệu tâm lý chuyên nghiệp.

Tốt nghiệp xuất sắc
Cẩm Nhung tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc. Ảnh: THÚY HIỀN

“Khi học môn chuyên ngành, được giảng viên chia sẻ những kiến thức tâm lý, mình khám phá thêm bản thân, biết cách lý giải cho những vấn đề riêng của con người. Mình vô cùng hứng thú! Thông qua trải nghiệm thực hành, tham gia các dự án xã hội hoặc thực tập thực tế, mình có cơ hội đào sâu vào từng ngóc ngách của ngành học này hơn. Kết quả Thủ khoa đầu ra ngành Tâm lý học chính là động lực lớn để mình viết tiếp ước mơ học thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trong tương lai” - Nhung nói.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Để biến ước mơ thành hiện thực, Cẩm Nhung bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm 2 đại học. Bởi quan tâm đến các chủ đề về sự phát triển bản sắc của người trẻ (nhất là thanh thiếu niên) và các mối quan hệ liên cá nhân (với gia đình, bạn bè, hay yêu đương), nên đề tài nghiên cứu khoa học của em chuyên sâu vào những vấn đề đó.

z5850540887583_ec60eeab468721532df067b4fb076680.jpg
Sản phẩm nghiên cứu khoa học của Cẩm Nhung được công bố trên Tạp chí Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: THÚY HIỀN

Hào hứng chia sẻ về sản phẩm nghiên cứu khoa học tâm đắc nhất của mình, Nhung cho biết em đã dành rất nhiều thời gian đầu tư: “Đó là sản phẩm gần nhất của mình được công bố trên tạp chí - “Sự rõ ràng về khái niệm bản thân và chất lượng mối quan hệ bạn bè ở thanh thiếu niên - vai trò điều tiết của tự bộc lộ bản thân”.

Hàm ý, nếu thanh thiếu niên có mức độ rõ ràng, thống nhất về những đặc điểm của bản thân (ít mơ hồ về chính mình) thì chất lượng các mối quan hệ xung quanh sẽ tốt hơn. Và nếu một người vừa hiểu rõ, vừa biết cách bộc lộ bản thân thì họ ít có trải nghiệm tương tác tiêu cực với bạn bè hơn. Sự gắn kết lành mạnh trong các mối quan hệ xã hội là yếu tố cực kỳ cần thiết để con người có sức khỏe tinh thần khỏe mạnh, hạnh phúc trong cuộc sống”.

[VIDEO] - Cẩm Nhung chia sẻ lợi ích của việc nghiên cứu khoa học

Tuy nhiên, Nhung cho biết, quá trình hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khoa học rất kỳ công. Việc tổng hợp quá nhiều tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước thành cơ sở lý luận lắm lúc khiến cô gái chán nản. Nhất là khi mới bắt đầu nghiên cứu khoa học, chưa tiếp cận môn Phương pháp nghiên cứu trong tâm lý học và các kỹ thuật phân tích số liệu, em vô cùng hoang mang.

1726804853464.jpg
Nhung bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học tâm đắc của mình. Ảnh: THÚY HIỀN

“Nhưng chỉ cần có niềm yêu thích với tri thức khoa học, việc nghiên cứu khoa học sẽ mở ra nhiều góc nhìn thú vị hơn về lĩnh vực/chuyên ngành và cuộc sống cho mỗi người. Hãy bắt đầu từng bước nhỏ, mày mò trên mạng, đăng kí các lớp bồi dưỡng kĩ năng về nghiên cứu, thực hiện những đề tài đơn giản, phạm vi nghiên cứu hẹp. Đến khi có nhiều kinh nghiệm, chúng ta có thể tự tin phát triển, mở rộng thêm. Điều quan trọng là người nghiên cứu thấy được ý nghĩa của việc nghiên cứu khoa học, cũng như giá trị mà đề tài của họ mang lại” - Nhung chia sẻ.

Một số thành tích nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Nguyễn Mai Cẩm Nhung:

- Giải Nhì cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm học 2021-2022.

- Giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm học 2022-2023.

- Công bố sản phẩm khoa học có tên “Phân biệt giới nước đôi và tác động của nó đến tâm lý của người trưởng thành”, đăng số 3-2023, Tạp chí Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

- Công bố sản phẩm khoa học có tên “Sự rõ ràng về khái niệm bản thân và chất lượng mối quan hệ bạn bè ở thanh thiếu niên, vai trò điều tiết của tự bộc lộ bản thân”, đăng số 6-2024, Tạp chí Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

THÚY HIỀN