Xây dựng Đảng

Chăm lo công tác cán bộ

ĐĂNG NGUYÊN 23/09/2024 08:30

Những “khoảng trống” trong công tác cán bộ miền núi đang dần được khỏa lấp bằng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, giúp đội ngũ kế cận phát huy năng lực sáng tạo, tự tin hoàn thành công việc phục vụ nhân dân.

977a4921(1).jpg
Ở nhiều địa phương miền núi, cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chăm lo. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

“Người kết nối” ở rừng

Sau nhiều năm miệt mài với công việc “giữ hồn” văn hóa truyền thống, năm 2023 anh Pơloong Plênh (SN1986) được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang.

Với nhiều du khách, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Pơloong Plênh chừng như trở thành người bạn đồng hành, giúp kết nối trong suốt hành trình đặt chân đến vùng đất Tây Giang để tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Cơ Tu bản địa.

Là một người trẻ nhưng anh Plênh rất am hiểu văn hóa truyền thống. Sau thời gian học tập tại Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, anh quyết định trở về quê, góp sức bảo tồn, gìn giữ văn hóa.

Đó là năm 2013, thời điểm chính quyền địa phương nỗ lực phục hồi gươl, moong truyền thống Cơ Tu trong cộng đồng, mở hướng cho phát triển du lịch. Vậy là đi.

Những cuộc ngược núi của Plênh nhiều hơn thời gian ở nhà. Những ngày nghỉ, anh rong ruổi khắp bản làng vùng cao, vừa tuyên truyền nhận thức cộng đồng, vừa là dịp để tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống vốn đang đứng trước nguy cơ mai một.

z4666058788140_17876e46c497db9c9c2255a2088b67c6(1).jpg
Pơloong Plênh (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến dẫn đoàn du khách trải nghiệm quần thể di sản pơmu. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Từ kinh nghiệm tích lũy, Pơloong Plênh cho thấy sự nhạy bén của bản thân sau nhiều năm công tác, trở thành người kế cận được chọn làm nhiệm vụ “gác đền” nhằm thúc đẩy văn hóa - du lịch phát triển. Đây cũng là cơ duyên để anh Plênh hình thành nên các tour du lịch xuyên núi, cùng du khách khám phá trải nghiệm văn hóa Cơ Tu gắn với rừng cây di sản.

Công việc kết nối giúp Plênh quảng bá thành công du lịch địa phương, tạo thu nhập cho người dân bằng chính câu chuyện văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, những nỗ lực của thanh niên Cơ Tu này bị ảnh hưởng và tác động bởi đại dịch COVID-19 nên những chuyến đi của du khách cũng thưa dần.

“Những phục hồi sau đại dịch đang tiếp tục được triển khai, với sự hưởng ứng của cộng đồng. Bắt đầu từ việc xác lập lại các đội trống chiêng Cơ Tu ở từng thôn, xã gắn với phục dựng khu lưu trú.

Nhận thấy lợi ích từ câu chuyện văn hóa du lịch, nhiều người dân tham gia kết nối, trở thành hướng dẫn viên cho du khách trên hành trình khám phá, trải nghiệm không gian văn hóa cộng đồng, đặc biệt là các điểm làng truyền thống Cơ Tu và rừng cây di sản quý hiếm như pơmu, đỗ quyên, cây đa, lim xanh... còn được lưu giữ nguyên vẹn ở cánh rừng Đông Trường Sơn” - Pơloong Plênh chia sẻ.

Ở vùng cao, những người kết nối như anh Plênh không nhiều. Nhưng điều đáng mừng, sự nối gót đang lặng lẽ được chuyển hóa trong cán bộ địa phương.

Điển hình như Ríah Dung - Bí thư Đoàn xã Ga Ry (Tây Giang) đang bước đầu hình thành nên ý tưởng du lịch khởi nghiệp thông qua loại hình nông trại, lấy sản phẩm đặc trưng của địa hương làm nòng cốt. Hay như các điểm du lịch vườn sâm Ngọc Linh của nhiều cán bộ trẻ ở huyện Nam Trà My, tạo lợi ích “kép” giúp kết nối du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế dược liệu dưới tán rừng...

ba6db6c399da3f8466cb.jpg
Nhiều cán bộ DTTS rất sâu sát và quan tâm đến cuộc sống của người dân địa phương. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Quảng Nam hiện có 3.751 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm tỷ lệ 10,5%; trong đó cấp tỉnh 34 người, cấp huyện 185 người và cấp xã 1.070 người, riêng viên chức có 2.462 người.

Đến năm 2023, toàn tỉnh có 658 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS công tác tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh/10.215 biên chế được giao, đạt 6,4%. Cán bộ, công chức người DTTS là đại biểu HĐND các cấp 1.243 người, chiếm tỷ lệ 21%.

“Trui rèn” bản lĩnh

Những cán bộ trẻ ở vùng cao bây giờ đang cho thấy bản lĩnh sau quá trình “trui rèn” ở cơ sở. Như Nguyễn Xuân Nghiêm (SN1986, người Cơ Tu), sau thời gian điều động về làm Chủ tịch UBND xã Ba (Đông Giang) đã được “đón” về huyện.

Phát huy năng lực chuyên môn ở vai trò Chánh Văn phòng Huyện ủy, đầu năm 2024, Nguyễn Xuân Nghiêm được bổ nhiệm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đông Giang ở tuổi 38.

Ông Lê Duy Thắng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết, địa phương đang “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở cấp xã. Trên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhiều cán bộ phát huy năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng nhiệm vụ công việc phục vụ nhân dân. Theo ông Thắng, quá trình rèn luyện ở cơ sở giúp cán bộ kế cận phát huy tinh thần sáng tạo, tư duy nhạy bén, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Ở Đông Giang, ngoài Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Xuân Nghiêm, thời gian qua, địa phương bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ người Cơ Tu có năng lực thực tiễn đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

56cf48fe61e7c7b99ef6.jpg
Cán bộ người DTTS đóng góp vai trò rất lớn trong công tác bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Tiêu biểu như: Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Hữu Tùng (SN1984); Trưởng phòng TN-MT Coor Le (SN1985); Bí thư Đảng ủy xã Kà Dăng - Lê Văn Tư (SN1987); Phó Bí thư Huyện đoàn Ating Toàn (SN1994)...

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang - Lalim Hậu, qua đánh giá, công tác bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ và cán bộ nữ.

Để “cọ xát” môi trường làm việc nhằm tăng khả năng “trui rèn” ở cơ sở, thời gian qua, Nam Giang quan tâm điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và ngược lại nhằm đảm bảo tăng cường nhân lực cho các địa bàn, lĩnh vực cần thiết.

“Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nam Giang có 24 cán bộ người DTTS tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, trong đó 6 cán bộ tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy, chiếm tỷ lệ 46,15%. Qua rèn luyện và trưởng thành, nhiều cán bộ phát triển năng lực rất tốt, đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tiễn” - ông Lalim Hậu nói.

ĐĂNG NGUYÊN