Môi trường

Hiệu quả từ dự án túi lưới tái chế bảo vệ môi trường

PHAN VINH 23/09/2024 09:01

(QNO) - Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp và nhanh chóng, đặc biệt là vấn đề môi trường tác động đến hiệu ứng nhà kính, Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech (TP.Tam Kỳ) đã đầu tư phát triển dự án túi tái chế từ lưới đánh bắt của ngư dân. Dự án bước đầu đã lan tỏa rộng rãi và mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Niềm vui lan toả khi túi tái chế từ lưới đánh bắt của ngư dân được sử dụng ngày càng rộng rãi
Niềm vui lan toả khi túi tái chế từ lưới đánh bắt của ngư dân được sử dụng ngày càng rộng rãi. Ảnh: PHAN VINH

Hạn chế túi nilon

Trước đây, bà Phan Thị Nguyệt Nga (thôn Hoà Thượng, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) mỗi ngày sử dụng gần 20 túi nion các loại. Buổi sáng, bà đi mua thức ăn sáng cho gia đình, mỗi thứ một túi, hầu như tất cả các cửa tiệm bán mỳ, bún, bánh... đều sử dụng túi nilon như một lẽ thường đi kèm với sản phẩm. Tuy nhiên, việc lạm dụng túi nilon còn nhiều hơn khi bà Nga đi chợ.

"Tất cả mọi thứ, tôi mua món nào thì món đó sẽ đựng trong một túi nilon. Đồ la-ghim cũng chia đều, nén 1 túi, tiêu 1 túi, tỏi 1 túi... Riêng cá, thịt hay những thực phẩm nào có mùi tanh thì họ khuyến mãi tận 2 - 3 túi. Cuối buổi chợ, tôi về nhà soạn hết đồ ra, có khi dư ra gần 20 túi nilon, đủ màu sắc, đủ kích thước. Nhưng loại này cũng bị cho vào thùng rác chứ không tận dụng lại được" - bà Nga nói.

Nhóm cộng đồng ở Tam Thanh chia sẻ về hiệu quả của việc sử dụng túi lười hằng ngày
Nhóm cộng đồng ở Tam Thanh chia sẻ về hiệu quả của việc sử dụng túi lưới hằng ngày. Ảnh: PHAN VINH

Thế nhưng, vấn đề sử dụng túi nilon bắt đầu hạn chế khi xã Tam Thanh triển khai mô hình "Giảm thiểu rác thải năm 2024" và Hội LHPN xã Tam Thanh đã thành lập Câu lạc bộ "Đi chợ không túi nilon" với mục tiêu giảm 80% lượng túi nilon được sử dụng hằng ngày trong 40 phụ nữ tham gia câu lạc bộ. Bà Nga là 1 trong 40 thành viên trên.

Theo đó, bà Nga cùng các thành viên còn lại sử dụng túi tái chế từ lưới đánh bắt của ngư dân vùng biển Quảng Nam để đi chợ hoặc mua sắm. Thay vì tất cả cho vào từng túi nilon lông nhỏ thì nay, từng món được cho vào túi lưới, đối với những thực phẩm có mùi, mọi người chuẩn bị thêm hộp nhựa tái sử dụng. Sản phẩm túi lưới tái chế này được tài trợ bởi Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech - đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững.

Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech trao túi lưới Echobag tại thị xã Điện Bàn
Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech trao túi lưới Echobag tại thị xã Điện Bàn. Ảnh: PHAN VINH

"Chúng tôi có một nhóm Zalo, mỗi ngày, các thành viên câu lạc bộ sẽ chụp hình và báo cáo việc sử dụng túi lưới để đi chợ, hạn chế được bao nhiêu túi nilon. Hiệu quả thấy rất rõ, mỗi ngày hạn chế gần 10 túi nilon, tức là cả câu lạc bộ hạn chế được gần 400 túi, nếu nhân lên cho cả tháng và tăng về số lượng thành viên thì con số này rất lớn. Hơn hết, ý thức của chị em phụ nữ về việc bảo vệ môi trường cũng được nâng cao" - bà Nga chia sẻ.

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Theo bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Dự án phát triển túi lưới Echobag - Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech cho biết, thời gian gần đây, nhiều hiện tượng thiên tai, bão lũ xuất hiện ở hầu hết các khu vực chứ không chỉ ở miền Trung như trước. Điều này chứng tỏ, vấn đề biến đổi khí hậu theo hướng tiêu cực đang ngày một phức tạp và vượt quá sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong nước, thậm chí là trên toàn thế giới.

Thời gian tới, Echotech cần nhiều nguồn cung cấp lưới cũ của ngư dân
Thời gian tới, Echotech cần nhiều nguồn cung cấp lưới cũ của ngư dân. Ảnh: PHAN VINH

Ngoài việc đưa ra cảnh báo về tình hình thiên tai, để làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã triển khai các hoạt động hạn chế phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Ở Việt Nam, nhiều chương trình, dự án, phong trào, hoạt động... về vấn đề này được triển khai ở hầu hết các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, sức lan tỏa vẫn còn hạn chế và chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

[VIDEO] - Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Dự án phát triển túi lưới Echobag - Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech chia sẻ về mục tiêu của dự án:

Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech hoạt động ở lĩnh vực chuyển đổi xanh, phát triển bền vững nên rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, từ đó, dự án túi lưới tái chế từ lưới đánh bắt của ngư dân được hình thành. Thời gian qua, bên cạnh việc truyền thông, quảng bá, lan tỏa giá trị của dự án túi lưới, Echotech cũng đồng hành với một số địa phương, tài trợ sản phẩm để người dân có công cụ thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường như với phụ nữ xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) và phụ nữ thị xã Điện Bàn.

Vật liệu chính để sản xuất túi lưới là lưới đánh bắt đã hư hỏng của ngư dân
Vật liệu chính để sản xuất túi lưới là lưới đánh bắt đã hư hỏng của ngư dân. Ảnh: PHAN VINH

"Ngoài việc sử dụng nguyên liệu chính từ lưới đánh bắt đã qua sử dụng của ngư dân, hạn chế rác thải ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển, túi lưới Echobag còn cho thấy sự tiện dụng khi có thể gấp gọn cho vào cốp xe và hợp thời trang khi phối với các phụ kiện tinh tế khác. Echotech cũng đang triển khai chương trình thu túi cũ đổi túi mới, giúp khách hàng tiết kiệm được 30% giá thành" - bà Hạnh chia sẻ.

Tất cả những lợi ích trên, đều dẫn đến mục đích duy nhất của chúng tôi là làm sao lan toả được thông điệp bảo vệ môi trường, trân trọng mẹ thiên nhiên và hạn chế vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay

Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh

Dù mới ra mắt dự án song Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech đã đưa hơn 1.000 túi lưới tái chế đến tay khách hàng dưới nhiều hình thức.

Thời gian tới, cong ty tiếp tục mở rộng quy mô ra khắp các tỉnh miền Trung để thu mua lưới cũ của ngư dân làm nguyên liệu sản xuất. Ước tính mỗi năm, Echotech sẽ cho ra thị trường hơn 5.000 túi lưới, tương đương với việc xử lý hơn 500kg lưới đánh bắt cũ của ngư dân.

PHAN VINH