Môi trường

Tham vấn người dân xã Tam Thanh về mô hình “Vườn cộng đồng”

PHAN VINH 23/09/2024 18:37

(QNO) - Trong khuôn khổ dự án ISCB của UN-Habitat Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vừa phối hợp UBND xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) và các hội đoàn thể tổ chức buổi tham vấn cộng đồng về mô hình “Vườn cộng đồng”.

Buổi tham vấn nhằm lấy ý kiến của người dân đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường
Buổi tham vấn nhằm lấy ý kiến người dân và tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Ảnh: PHAN VINH

Mô hình “Vườn cộng đồng” liên quan đến giải pháp bảo vệ môi trường sẽ được triển khai thí điểm ở xã Tam Thanh trong thời gian tới.

Buổi tham vấn nằm trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị tại Việt Nam” (dự án ISCB) và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam về nhân rộng mô hình thực hành không rác tại một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Dự án ISCB được Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ thông qua Tổng cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ, do Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) triển khai.

Từ cuối năm 2023, UN-Habitat và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã tổ chức 2 đợt khảo sát hiện trạng rác thải tại xã Tam Thanh; cùng chính quyền địa phương thảo luận và tư vấn triển khai một số giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa như: homestay không rác thải nhựa, câu lạc bộ phụ nữ đi chợ không túi ni lông.

Giai đoạn này, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tập trung tư vấn giải pháp xử lý rác hữu cơ tại cộng đồng bằng mô hình thí điểm “Vườn cộng đồng” trên địa bàn thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh.

Hơn 100 người dân thôn Hoà Trung được nghe về những giải pháp của mô hình Vườn cộng đồng
Hơn 100 người dân thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh được nghe giải pháp của mô hình “Vườn cộng đồng”. Ảnh: PHAN VINH

Với sự tham gia của hơn 100 hộ dân, hộ kinh doanh thôn Hòa Trung, các hội đoàn thể, đại diện 2 trường học, buổi tham vấn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của phân loại và xử lý rác đúng cách; qua đó vận động người dân tự nguyện tham gia mô hình thí điểm, cùng thảo luận cơ chế vận hành cho mô hình.

Theo nhóm chuyên gia tư vấn, “Vườn cộng đồng” không chỉ là nơi tập kết và xử lý rác hữu cơ chung của các hộ gia đình mà còn là khu vườn chung nơi người già, phụ nữ, trẻ con trong làng cùng nhau ươm cây, trồng rau, trao truyền kỹ năng trồng trọt, vun đắp tình làng nghĩa xóm.

Với Tam Thanh, “Vườn cộng đồng” là một giải pháp tổng hợp, giúp xử lý rác hữu cơ hiệu quả, gắn kết cộng đồng; đồng thời tạo thêm điểm check-in thú vị để du khách ghé thăm và cảm nhận những câu chuyện, giá trị mới do cộng đồng vun đắp.

PHAN VINH