Đời sống

Đêm nằm nghe đất nổ

Ghi chép của THÀNH CÔNG 24/09/2024 08:00

Mọi thứ xáo trộn chỉ sau một tiếng nổ, từ lòng đất. Làng Tăk Chay (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), 33 hộ cùng 175 nhân khẩu rời làng, ở tạm tại trường học, nhà những người thân làng bên cạnh. Một cuộc rời đi tự giác, chấp nhận phải làm lại từ đầu, chấp nhận những ngày sống tạm phía trước. Ám ảnh sạt lở trở lại, những gì họ đã từng nghe, nay hiển hiện trước mắt mình...

dji_0450.jpg
Làng Tăk Chay, nơi vừa xuất hiện vết nứt lớn khiến 33 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ảnh: T.C

Sấp ngửa rời làng

Hồ Văn Nỏ trở ngược lên sườn dốc, đi về phía trường mẫu giáo. Buổi sáng, Nỏ nhờ bà con đến nhận thay suất quà từ chính quyền, còn anh ở lại với căn nhà cũ, lọ mọ nhặt nhạnh những thứ còn sót lại. Căn nhà đã hạ giải, đống ván cũ, cột kèo được xếp gọn chờ dân quân hỗ trợ đưa ra khỏi làng.

Bốn giờ sáng 18/9, Nỏ đang ngủ thì nghe trong lòng đất có tiếng nổ. Có thứ gì đó bục vỡ, từ nơi anh nằm. Không lâu sau đó là tiếng gọi của ông Yên, chị Liên, những người hàng xóm của Nỏ trong làng. Đất sạt.

Thông tin được phát đi ngắn gọn, Nỏ chỉ có trong tay cây đèn pin, vơ vội vài bộ áo quần rồi cùng vợ con chạy lên phía trường mẫu giáo làng Tăk Cui, cách chừng một cây số. Đó là chỗ trú an toàn nhất, dưới cơn mưa nặng hạt dai dẳng trút xuống xã Trà Cang từ ngày hôm trước. Sau lưng, là toàn bộ gia sản tích cóp của đôi vợ chồng, bên vết nứt dài hàng chục mét nơi sườn đồi.

Vết nứt đó xuyên qua căn nhà vệ sinh mà Nỏ đang xây dang dở, chỉ còn chờ lắp vài thiết bị. “Chưa bao giờ nghĩ là chỗ làng này có thể sạt. Ở đây hàng chục năm rồi, mưa gió miết, mà có bị chi đâu. Nhưng lần này thì đất nứt ra rồi. Không ở được nữa. Trên ti vi chiếu mấy xã ở miền Bắc, sạt lở quét cả làng. Mấy năm trước, Trà Vân, Trà Leng, bao nhiêu người chết rồi, nên nghe tới sạt lở là sợ. Sợ lắm. Không dám ở lại” - Nỏ nói.

z5855756661184_fb474045f8725a53893aef27b0adcb19.jpg
Chính quyền xã Trà Cang giăng dây, cắm biển cảnh báo sạt lở ở Tăk Chay. Ảnh: T.C

Anh chỉ về phía cuối làng, nói giá như biết trước thì đã không phải tốn tiền để xây nhà vệ sinh rồi bỏ đó. Mọi thứ xảy đến quá nhanh, người đàn ông Xơ Đăng có khuôn mặt già sạm trước tuổi ấy còn chưa kịp nghĩ đến thứ lớn hơn là cả căn nhà, giờ chỉ còn lại đống cột kèo. Phía trước, là chuỗi ngày sống tạm ở nhà bà con chờ tìm một nơi khác. Một nơi nào đó an toàn.

Chính quyền xã đã căng dây, cắm biển dọc theo vết nứt dài xuyên qua Tăk Chay. Số điện thoại tiếp nhận thông tin của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã được in trên tấm biển lớn. “Gọi khi có tình huống nguy hiểm”. Hồ Thị Lụa, mẹ của hai đứa trẻ ở Tăk Chay đã gọi vào số điện thoại đó. “Bây giờ, chỉ mong sớm được dựng lại nhà để ở. Chỗ nào đó thật an toàn” - Lụa nói.

Dân quân, Xã đội, thanh niên... có mặt từ sáng sớm. Không chỉ gia đình của Lụa, mà hơn 20 hộ đã được di dời nhanh chóng trong ngày 19/9. Số còn lại được khẩn cấp sơ tán trong 2 ngày tiếp theo. Cả làng Tăk Chay sấp ngửa rời làng sau tiếng nổ. Rời bỏ căn nhà, nơi cư trú của mình để chuyển ra sống trong một căn lán tạm, một quyết định khó khăn được đưa ra. Họ, không có thời gian, không có một phương án nào khác, để chọn.

An từ trong dân

Trong số đoàn người trở ra rồi lại tất tả ngược vào Tăk Chay từ ngày 19/9 đến hiện tại, có hơn 80 người là dân của hai làng bên cạnh: Tu Prong và Tu Lũy. Họ dừng mọi việc, có mặt ở Tăk Chay, cùng với dân làng dỡ từng tấm tôn, gỡ từng mảnh ván. Thứ gì có thể tận dụng được, đội quân tình nguyện ấy đều nhặt nhạnh lại giúp cho chủ nhà. Một đội quân thầm lặng, nhiệt thành và tận tụy.

441a4657.jpg
Lực lượng chức năng được huy động để di dời nhà cửa cho người dân. Ảnh: T.C

Ông Nguyễn Đỗ Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang nói, từ khi nhận tin về bão số 4 sắp ảnh hưởng, ông cùng anh em cán bộ xã đã đến từng làng, khảo sát từng vị trí có nguy cơ. Hai hộ với 13 nhân khẩu ở vị trí có nguy cơ được vận động sơ tán đến nơi an toàn. Nhưng rồi chỉ sau một ngày mưa lớn, đã xuất hiện ngay vết nứt, đe dọa cả làng.

Quá trưa, ông Nguyễn Đỗ Trí vẫn còn ở lại Tăk Chay. Một tập tài liệu thống kê số hộ, các địa điểm bố trí ở tạm, cùng chiếc áo khoác vắt trên xe máy, ông Trí ngược xuôi tất tả kiểm tra từng hộ, chỉ đạo lực lượng tình nguyện vận chuyển những khung nhà cũ của dân đến địa điểm tập kết.

“Vết nứt, rõ ràng lớn hơn tất cả mọi lời cảnh báo. May mắn là người dân đã rất chủ động trong việc sơ tán. May mắn thứ hai là mưa đã ngớt. Nếu thêm một ngày mưa nữa, chắc chắn việc di dời nhà cửa, tài sản của người dân sẽ rất vất vả. Chúng tôi có mặt ngay sau khi nhận tin báo từ người trong làng. Vào đến nơi, người đã được di chuyển tới nơi an toàn. Xã lập tức trích gạo từ kho, bố trí chỗ ở xen ghép, trường học để người dân ở tạm, trích quỹ cho mỗi hộ 1 triệu đồng. Phải lo sớm chuyện ăn ở cho bà con” - ông Trí thông tin.

dji_0440.jpg
Hàng chục căn nhà đã được tháo dỡ để di dời. Ảnh: T.C

Giữa làng Tăk Chay, là bãi đất trống với ngổn ngang vật liệu hạ giải. Sót lại những hàng cau, vệt cây xanh làm rào ngăn giữa các nhà và xanh um cây trái. Đó sẽ là dấu tích của một ngôi làng từng rất yên bình. Khái niệm an toàn bị xô đổ, khi lần lượt những ngôi làng, vốn được chọn từ kinh nghiệm của bao đời người ở núi, lần lượt “chảy”.

Đất chảy. Những vết nứt xuất hiện sau tiếng nổ ngày một nhiều. Sau mỗi đợt mưa bão, núi rừng lại xuất hiện hàng trăm vết xước khổng lồ, loang lổ trên màu xanh tưởng chừng miên viễn của rừng.

“NTM - 10” là ký hiệu của thôn 5 xã Trà Cang, nằm trong 60 điểm sạt lở được cảnh báo dựa theo sản phẩm “Một số giải pháp dự báo, cảnh báo sớm và phòng chống sạt lở đất phục vụ bố trí dân cư ở 3 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn”. Mức độ ưu tiên số 1. Bản đồ sạt lở được chuyển giao cho các địa phương, phần nào giúp chủ động phương án ứng phó khi mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu.

Theo ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang, với địa hình đất dốc, rất khó để tìm được mặt bằng bố trí tái định cư cho dân. Một số điểm có vị trí cơ bản ổn định, thì lại vấp phải những lo ngại về mặt luật tục.

“Chúng tôi một mặt sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, mặt khác sẽ tích cực tìm kiếm, vận dụng cơ chế chính sách để có nguồn lực hỗ trợ cho nhân dân tái định cư, đảm bảo cuộc sống lâu dài cho bà con” - ông Lạc nói.

z5855769705775_1425d0c9df88ebcf7c565c9e988e4e1f.jpg
Chị Hồ Thị Lụa đun bếp nấu ăn bên dãy phòng học được bố trí làm nơi ở tạm. Ảnh: T.C

Quảng Nam chỉ mới đối diện với những tác động đầu tiên của mùa mưa bão. Những chỉ đạo liên tục được phát đi, với yêu cầu tiên quyết: an toàn tính mạng của người dân là trên hết. Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, những vết nứt xuất hiện, hàng chục hộ dân được sơ tán, các địa phương vẫn đang khẩn trương rà soát vị trí có nguy cơ cao về sạt lở theo bản đồ cảnh báo lẫn trong điều kiện thực tiễn.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, sạt lở là nguy cơ lớn nhất của địa phương trong mỗi mùa mưa bão.

“Người dân và chính quyền đều chủ động và những gì đang diễn ra ở Tăk Chay cho thấy di dời, sơ tán dân khi có nguy cơ là yếu tố tiên quyết để giữ an toàn. Từng khu dân cư, từng khe sông khe suối đều được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố nguy cơ để có giải pháp ứng phó cần thiết. Câu chuyện tái định cư cho dân sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo đời sống ổn định, an toàn cho từng người, từng nhà” - ông Trần Duy Dũng thông tin.

Tôi đi vào điểm trường mầm non, nơi các hộ dân Tăk Chay đang được bố trí ở tạm. Bếp đã nổi lửa bên hông dãy phòng học. Chỗ đặt sách vở của các con, trở thành nơi tập kết gạo, mì tôm. Một “vùng an toàn” được thiết lập, nơi chính quyền sát cánh cùng bà con, lo lắng cho họ từ cái ăn, chốn ở, dẫu họ đang vẫn phải trải qua nhiều ngày sống tạm phía trước.

Mùa mưa chỉ mới bắt đầu...

Ghi chép của THÀNH CÔNG