Chính quyền - đoàn thể

Phụ nữ Hội An với "Ngôi nhà xanh - Đồng hành vượt khó"

QUỐC HẢI 24/09/2024 09:36

“Ngôi nhà xanh - Đồng hành vượt khó”, một trong những mô hình tiêu biểu của Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hội An được Ban Dân vận Thành ủy Hội An đề nghị UBND tỉnh khen thưởng nhân tổng kết 15 năm phong trào “Dân vận khéo”.

ngoi-nha-xanh-2(1).jpg
“Ngôi nhà xanh” gây quỹ đồng hành vượt khó. Ảnh: QUỐC HẢI

Biến rác thành tiền

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Thanh Hà cho biết, ngay từ năm 2010, hội đã triển khai mô hình “Sọt rác nhà ta”, kêu gọi phụ nữ tham gia phân loại rác thải tại nguồn.

Từ hiệu quả mô hình này, Hội LHPN thành phố đã xây dựng 13 “Câu lạc bộ phụ nữ sống xanh” ở 13/13 xã, phường thông qua nhiều hình thức như: tổ phụ nữ phân loại rác tại nguồn, chi hội phụ nữ xách giỏ đi chợ, tổ phụ nữ rau hữu cơ... với hơn 1.300 thành viên.

“Các chị là những tuyên truyền viên tích cực trong hướng dẫn, vận động người dân phân loại rác tại nguồn, sử dụng điện, nước tiết kiệm, tận dụng các vật dụng bỏ đi để tái sử dụng trồng hoa, trồng rau, làm đồ chơi... Thông qua mô hình, nhiều chi, tổ phụ nữ đã sử dụng rác tái chế bán gây quỹ hoạt động và tặng quà hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” - bà Trang nói.

NGOI NHA XANH 3
Một trong những “Ngôi nhà xanh” của phụ nữ Cẩm Châu. Ảnh: QUỐC HẢI

Đến năm 2018, các cấp hội tại Hội An đồng loạt ra mắt mô hình “Tổ thu gom rác tái chế”. Hàng tuần, tổ đến từng hộ gia đình để thu gom vỏ lon, chai nhựa… gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn.

Năm 2022, hội tiếp tục xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh - Đồng hành vượt khó” với tổng trị giá hơn 250 triệu đồng, đặt tại 54 địa điểm của 12 xã, phường. Với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh - GreenHub, mô hình kết nối chuỗi giá trị cho tái chế nhựa giá trị thấp ngay tại Hội An, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ và người dân tham gia.

Bà Ngô Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An cho hay, với mục đích “biến rác thành tiền”, trong 15 năm qua, các cơ sở hội tại TP.Hội An đã xây dựng được nguồn quỹ hơn 750 triệu đồng, trao tặng hơn 2.000 suất quà, 58 thẻ bảo hiểm y tế, nhận đỡ đầu 12 trẻ em và trao sinh kế cho 5 phụ nữ khó khăn.

Đồng hành vượt khó

Thực tế, “Ngôi nhà xanh - Đồng hành vượt khó” là bước phát triển mới từ các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương, hướng đến phân loại rác tại nguồn, tuyên truyền người dân giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần, giảm áp lực cho môi trường.

ME DO DAU
Gây quỹ nhận đỡ đầu trẻ em. Ảnh: QUỐC HẢI

Cán bộ Hội LHPN 12 xã phường được Công ty Reform (đơn vị thu mua) hướng dẫn cách phân loại và thu gom rác thải giá trị thấp; thống nhất giá thành thu mua, hướng dẫn phương thức vận chuyển; theo dõi, ghi chép, kiểm toán và vận chuyển rác đến cơ sở tái chế. Cả 54 “ngôi nhà xanh” được định vị trên bản đồ; 12 tình nguyện viên của Câu lạc bộ Vì môi trường hỗ trợ kiểm toán, ghi chép số liệu và vận chuyển rác đến đơn vị thu mua 3 ngày/lần.

Các cấp hội đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách thức, quy trình và chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành mô hình; xây dựng tiểu phẩm “Nói không với rác thải nhựa - Là cánh cửa bình an” để truyền thông.

“Đặc điểm của mô hình là tập trung thu góp rác “refome”, tức là rác khó phân hủy, cụ thể là túi ny lon, hộp xốp, hộp kẹo, hộp sữa… nhằm giảm áp lực cho thành phố trong bảo vệ môi trường, tạo nguồn quỹ đồng hành vượt khó” - bà Ngô Thị Tuyết Nhung chia sẻ.

Trong năm 2023, các “ngôi nhà xanh” đã thu gom hơn 2,7 tấn rác tái chế gồm chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt, giấy, sắt vụn, túi ny lon, hộp xốp, hộp sữa…, gây quỹ hơn 100 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này đã tặng 244 suất quà, 2 thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ bị bệnh nặng và có hoàn cảnh khó khăn, đỡ đầu 6 trẻ em mồ côi.

Theo bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hội An, mô hình hiệu quả từ trong từng khối phố, gia đình, ngõ xóm vì không chỉ “hồi sinh” rác thải mà còn huy động được sự chung tay của cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân và cả cộng đồng doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

“Điều quan trọng nhất là từ hoạt động của những “ngôi nhà xanh” đã hỗ trợ chị em cùng nhau vượt khó và nâng cao ý thức của nhân dân trong phân loại rác thải tại nguồn. Sức lan tỏa của mô hình là do phát huy được vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội trong việc xây dựng các mô hình phù hợp; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên” bà Vân nói.

Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”

QUỐC HẢI