Giảm nghèo - An sinh

Tín dụng chính sách góp sức giảm nghèo

DIỄM LỆ 24/09/2024 09:47

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng tạo sinh kế ổn định, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

anh-1-(1).jpg
Nguồn vốn vay chính sách giúp nhiều gia đình có con đi học đại học yên tâm học tập. Ảnh: D.L

Tiếp sức giảm nghèo

Bà Lê Thị Hồng ở thôn 1 (xã Trà Giang, Bắc Trà My) trước kia thuộc diện hộ nghèo của xã. Bà Hồng có đất nhưng thiếu vốn nên không thể đầu tư trồng trọt. Sau khi đối thoại với hộ nghèo, xã Trà Giang hỗ trợ bà Hồng vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bắc Trà My.

Bà Hồng đã mạnh dạn đăng ký vay 100 triệu đồng để mua keo giống về trồng. Sau một mùa trồng keo, bà Hồng đã trả được vốn vay đúng hạn, thoát khỏi diện nghèo. Bà Hồng có thêm nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng, kinh tế gia đình ngày càng phát triển ổn định.

Bà Hồng nói: “Khi được nhà nước hỗ trợ vay vốn, gia đình tôi có điều kiện trồng keo. Sau khi thu hoạch, bán rừng keo tôi có tiền trả ngân hàng, phần còn dư tôi tiếp tục mua giống gà, heo về nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đồng vốn này lãi suất nhẹ, phù hợp với điều kiện của những gia đình còn khó khăn để làm ăn, phát triển kinh tế”.

Theo thống kê, tổng nguồn vốn cho vay tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My là 589 tỷ đồng với 8.358 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác tiếp cận, trong đó có 17 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đang được thực hiện.

Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My cho biết: “Với huyện miền núi, nguồn vốn chính sách được hộ nghèo quan tâm trong những năm gần đây, hỗ trợ phát triển kinh tế rất hiệu quả. Chi nhánh luôn đảm bảo nguồn vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu đều được tiếp cận vốn”.

Tại huyện Hiệp Đức, để tạo đòn bẩy giúp hội viên nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từ nguồn vốn chính sách, Hội Nông dân (HND) huyện đứng ra ủy thác cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất.

Đến nay, HND huyện quản lý 41 tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.577 thành viên, dư nợ hơn 95 tỷ đồng. Như hộ ông Đoàn Long Hải (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) nhờ được vay vốn chính sách đã đầu tư trồng keo, đẩy mạnh mô hình chăn nuôi bò và trồng 2ha cao su.

Ông Hải nói: “Tôi kết hợp lấy ngắn nuôi dài và phát triển kinh tế gia đình. Đến nay kinh tế gia đình tương đối ổn định, từ hộ cận nghèo nay đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, con cái ăn học đến nơi đến chốn”.

Huyện Hiệp Đức hiện có 141 tổ tiết kiệm và vay vốn được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện ủy thác qua các kênh HND, phụ nữ, đoàn thanh niên... được xem là những cánh tay nối dài của Ngân hàng CSXH. Nhờ đó, đồng vốn tín dụng được phân bổ đến tất cả 46 thôn, khối phố trên địa bàn và được tập trung đầu tư vào những ngành nghề, cây trồng, con vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua đó đáp ứng nhu cầu vốn cho 1.124 lượt hộ gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch... Tính đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức triển khai 18 chương trình cho vay và có đến 5.883 hộ được tiếp cận với tổng nguồn vốn hơn 383,7 tỷ đồng.

Tiếp sức sinh viên khó khăn

Gia đình ông Nguyễn Văn Vân (thôn Tất Viên, xã Bình Phục, Thăng Bình), nếu không có nguồn vốn ưu đãi cho sinh viên ông sẽ không có điều kiện cho con cái học hành. Ông Vân làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh, vợ ông làm công nhân, lương cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống thường ngày.

anhbtm.jpg
Người dân miền núi được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm ăn thoát nghèo. Ảnh: D.L

Thế nên những khoản học phí đầu năm học của 3 người con gồm 2 sinh viên đại học và 1 học sinh phổ thông trở thành gánh nặng lên đôi vai vợ chồng nghèo này. Trong 6 năm học tại Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh của cô con gái lớn, ông Vân đều vay vốn cho con ăn học. Nay con gái lớn đã tốt nghiệp, đi làm, phụ giúp cha mẹ trả nợ vay và hỗ trợ nuôi 2 người em.

Hay như ông Phan Ngọc Hoàng (khối phố 3, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) là một trong những hoàn cảnh khó khăn của thị trấn. Vợ không may mất sớm, một mình ông Hoàng vừa chăm mẹ già, vừa nuôi 2 cậu con trai học đại học.

Được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình hỗ trợ làm thủ tục vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên, ông Hoàng mới có điều kiện cho 2 con trai tiếp tục theo đuổi ước mơ giảng đường.

Ông Hoàng nói rằng nguồn vốn vay chính sách như phao cứu sinh đối với cha con ông, đặc biệt là hai người con đã có thể đi học đại học. Các con vẫn còn đang học tập, vừa học vừa làm, phụ giúp cha bớt những khoản sinh hoạt phí khi đi học.

Bà Nguyễn Thị Bá Trinh - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình cho hay, đến cuối tháng 8/2024, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đang quản lý dư nợ gần 55,5 tỷ đồng, có 1.271 hộ gia đình với 1.383 sinh viên được tiếp cận vay vốn.

Đơn vị phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể và chính quyền của 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, thông tin tuyên truyền, thẩm định kỹ, ký kết hợp đồng cho vay sinh viên, giải ngân vốn, thu nợ định kỳ đúng hạn nên chất lượng tín dụng đảm bảo.

DIỄM LỆ