Thế giới

Ngành công nghiệp ô tô châu Âu "rơi tự do"

QUỐC HƯNG 24/09/2024 17:16

(QNO) - Volkswagen cùng nhiều thương hiệu ô tô lừng danh của châu Âu đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy. Chính phủ Đức ngày 23/9 tổ chức một cuộc họp khẩn để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô của nước này vượt qua khó khăn.

reuters.jpg
Nhà máy sản xuất Volkswagen tại Đức. Ảnh: Reuters

Doanh số bán ra giảm mạnh

Kênh truyền hình DW (Đức) cho biết, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang bán ít sản phẩm hơn dự kiến ​​trong khi các mẫu xe điện phải vật lộn để giành ủng hộ của khách hàng.

Không chỉ thương hiệu ô tô Volkswagen, ngay cả nhà máy của hãng xe hơi hạng sang Audi tại Bỉ cũng đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa; nhà sản xuất ô tô Pháp Renault và tập đoàn ô tô Stellantis gồm 14 thương hiệu khác nhau của Italia gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Dữ liệu từ Bloomberg Intelligence, 1/3 số nhà máy của các hãng sản xuất ô tô lớn tại châu Âu như BMW, Mercedes, Stellantis, Renault và Volkswagen đang hoạt động dưới công suất. Tình hình đặc biệt tồi tệ tại nhà máy Stellantis ở Mirafiori (Italia) nơi sản xuất xe Fiat 500e chạy hoàn toàn bằng điện, sản lượng giảm hơn 60% trong nửa đầu năm 2024.

Các vấn đề về doanh số cũng đang làm giảm tâm trạng tại nhà máy Renault ở Douai thuộc miền Bắc nước Pháp và tại Volkswagen ở Dresden của Đức. Những chiếc xe điện sản xuất tại đó đang phải vật lộn để tìm người mua trong khi các nhà sản xuất chịu lỗ.

Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ING của Hà Lan - ông Carsten Brzeski nói: "Chúng tôi thấy rõ ràng xu hướng toàn cầu hướng tới khả năng di chuyển bằng điện nhiều hơn đang dẫn đến nhiều sự cạnh tranh hơn".

Cạnh tranh khốc liệt

Để tránh thuế cao hơn, các nhà sản xuất như Geely, Chery, Great Wall Motor và BYD của Trung Quốc thậm chí có kế hoạch sản xuất ô tô điện tại các nhà máy riêng ở châu Âu.

z5862590084039_8fda9d64b196c135844d30e57a82e2c9.jpg
Triển lãm ô tô Paris, Pháp. Ảnh: Renault Group

Nhà kinh tế học Hans-Werner Sinn của Đức lập luận, các chính sách như thỏa thuận xanh của EU, lệnh cấm động cơ đốt trong của EU từ năm 2035 và các tiêu chuẩn khí thải ngày càng nghiêm ngặt làm đảo lộn hoàn toàn các điều kiện thị trường trong một thời gian tương đối ngắn. Hơn nữa, vụ bê bối khí thải diesel của Volkswagen khiến toàn bộ ngành công nghiệp phải vào thế phòng thủ.

Theo nhà kinh tế trưởng Brzeski của ING, sự suy giảm của ngành công nghiệp ô tô ở Đức và châu Âu sẽ đe dọa đến sự thịnh vượng của khu vực. Chỉ riêng tại Đức, ngành ô tô gồm các nhà cung cấp, nhà bán lẻ và công ty khác phụ thuộc vào ngành chiếm 7-8% sản lượng kinh tế hằng năm của Đức.

Để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô châu Âu với hàng triệu việc làm, ông Hans-Werner Sinn đề xuất về "câu lạc bộ khí hậu" nhằm cân bằng sân chơi cho tất cả nhà sản xuất ô tô hoạt động trên thị trường ô tô toàn cầu.

QUỐC HƯNG