Y tế

Nâng cao năng lực cộng đồng về sơ cấp cứu

LÊ QUÂN 25/09/2024 15:11

(QNO) - Trong các tình huống tai nạn khẩn cấp, kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu vô cùng quan trọng. Vì vậy, nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu để xử lý an toàn các tình huống thiên tai, thảm họa là rất cần thiết.

Đây cũng là mục tiêu Đề án “Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030” do Bộ Y tế phối hợp cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng, đang được góp ý để ban hành.

z5779008191339_a8fe7151ac11950970144dfe20d3c130.jpg
Nâng cao năng lực y tế các tuyến, đặc biệt tại miền núi để thực hiện tốt việc sơ cấp cứu ban đầu.

Nguy cơ cao

Năm 2020, người dân Quảng Nam bàng hoàng khi nghe tin sạt lở tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) với hàng chục người chết và mất tích. Lực lượng quân dân y cùng y tế địa phương trắng đêm mở đường tiếp cận và tổ chức sơ cấp cứu ban đầu.

Tháng 9 năm này, câu chuyện về sơ cấp cứu ban đầu trong các tình huống thiên tai lại tiếp tục được xới lên, khi gần 100 người mất tích và thương vong trong vụ sạt lở Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Năng lực sơ cấp cứu ban đầu tiếp tục được đặt ra với cộng đồng, khi các tình huống thiên tai, nguy cấp ngày càng tăng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023 tại 61 tỉnh, thành phố có hơn 1,1 triệu trường hợp tai nạn thương tích ghi nhận tại các cơ sở y tế với tỷ suất là 1.144,8/100.000 người, trong đó có 9.815 trường hợp tử vong, chiếm 0,89%. Tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ghi nhận tại các cơ sở y tế là 10,15/100.000 người. Nếu ai cũng được học và thực hành kỹ năng sơ cấp cứu thì sẽ giảm thiểu được số ca tử vong do tai nạn.

Chưa kể, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, làm gia tăng các hiện tượng thiên tai, thảm họa. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tử vong và thương tích đối với người dân.

Trong khi đó, các hoạt động sơ cấp cứu của ngành y tế sau khi xảy ra tai nạn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực được huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản, thiếu trang thiết bị tối thiểu phục vụ hoạt động sơ cấp cứu, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2020-10-29-94680-_7.png
Lực lượng y tế tại chỗ cấp cứu cho nạn nhân trong vụ sạt lở Trà Leng hồi năm 2020. Ảnh: Đ.Đ

Sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng

Thông tin từ hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2023, trung bình mỗi năm sơ cấp cứu khoảng 50.000 nạn nhân trước khi chuyển đến cơ sở y tế. Con số này chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng số nạn nhân tai nạn thương tích trên cả nước.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cho biết, nhân lực tại các trung tâm y tế tuyến xã hiện nay đang thiếu, do vậy, nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho người dân cũng như triển khai hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng là vô cùng cần thiết, đặc biệt ở các khu vực miền núi, hải đảo...

Theo ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế, cấp cứu đóng vai trò quyết định trong việc cứu sống người bệnh. Đặc biệt, trong những tình huống nguy kịch, việc sơ cấp cứu ban đầu đúng cách giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực cấp cứu là mục tiêu hàng đầu mà cơ sở y tế các tuyến hướng đến, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

430936586_794050262757427_7695006587083327220_n.jpg
Tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Ảnh: V.Đ

Tai nạn, thương tích có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, do vậy việc sơ cấp cứu ban đầu là vô cùng quan trọng. Nếu sơ cấp cứu đúng cách, có thể cứu được mạng người trong các trường hợp khẩn cấp hoặc giúp nạn nhân giảm bớt lo sợ, giảm chấn thương tâm lý, giảm mất máu, giảm đau đớn và giảm những biến chứng sau này...

Đó là các lý do để Đề án "Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030” do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Hội Chữ Thập đỏ nhận được hưởng ứng tích cực từ công luận.

Đề án xây dựng với ba mục tiêu căn bản: Nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động sơ cấp cứu; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chữ thập đỏ đạt chuẩn, đủ khả năng tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân và cộng đồng; phát triển hệ thống các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ theo chuẩn của Bộ Y tế và thành lập các đội tình nguyện viên sơ cấp ứng cứu kịp thời khi có tai nạn, thương tích xảy ra.

Dự kiến đề án sẽ triển khai tại 15 tỉnh với 60 điểm sơ cấp cứu, tổng kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Hiện Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ hoàn thiện đề án về mặt chuyên môn...

LÊ QUÂN