Góp ý Luật Công chứng (sửa đổi): Có nên giữ nguyên mô hình công ty hợp danh?
(QNO) - Nhiều ý kiến góp ý sôi nổi về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã được ghi nhận tại hội nghị do Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức vào chiều nay 25/9.
Hội nghị được tổ chức theo chương trình lấy ý kiến xây dựng pháp luật năm 2024 của Đoàn ĐBQH tỉnh và nhằm chuẩn bị nội dung tham gia Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước cùng ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn chủ trì hội nghị.
Phương án nào cho mô hình văn phòng công chứng
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
Góp ý tại hội nghị, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành dự án luật, đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung liên quan. Trong đó nhiều ý kiến quan tâm đến điều 20 dự thảo luật, trong đó quy định thêm phương án 2 về "Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân".
Hiện nay, có nhiều ý kiến xung quanh về mô hình của văn phòng công chứng. Theo đó, nội dung ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng là công ty hợp danh.
Nội dung ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung vào dự thảo luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân.
Góp ý về nội dung này, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Văn phòng Công chứng Hội An đề nghị chỉ thống nhất một loại hình văn phòng công chứng là công ty hợp danh, bởi nó đã ổn định, có quy định chặt chẽ.
Ông Đặng Văn Đào - Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Nam cho, hiện nay thành lập văn phòng công chứng hầu như chỉ ở đồng bằng còn miền núi "trắng" văn phòng công chứng, do nguồn thu không đủ chi.
[Video] - Ông Đặng Văn Đào - Giám đốc Sở Tư pháp góp ý kiến về mô hình văn phòng công chứng:
Cho nên trong quá trình xây dựng dự thảo, các nhà làm luật muốn thiết kế ở những vùng khó khăn thì cho phép thành lập văn phòng công chứng một thành viên. Nhưng hiện nay, giữa 2 luồng ý kiến, kể cả Bộ Tư pháp và các đại biểu hầu như thiên theo hướng hợp danh.
Tuy nhiên, theo ông Đào, khi góp ý về dự thảo luật, Sở chọn phương án 2, bởi về dài hơi, luật phải tính đến vùng khó khăn.
Băn khoăn quy định tuổi hành nghề công chứng viên
Để nâng cao chất lượng công chứng, dự thảo luật bổ sung quy định về độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên là không quá 70 tuổi.
Theo một số ý kiến, công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng. Cho nên, việc dự thảo luật giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 tuổi sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội. Theo đó không nên giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà chỉ nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe...
[Video] - Ông Nguyễn Văn Hải góp ý kiến về tuổi hành nghề công chứng viên:
Còn ông Lê Đạo - Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, Trưởng Văn phòng Công chứng Lê Đạo cho rằng quy định tuổi hành nghề không quá 70 tuổi là không đủ cơ sở. Đồng ý kiến, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Văn phòng Công chứng Hội An cho rằng không nên quy định tuổi hành nghề công chứng viên mà chỉ nên quy định độ tuổi bổ nhiệm.
Tại hội nghị, các đại biểu quan tâm góp ý đến các nội dung về cơ sở dữ liệu công chứng, chủ trương thực hiện công chứng điện tử. Trong đó cho rằng việc công chứng điện tử là xu hướng, luật có thể đưa vào nhưng nhưng cần lộ trình để thực hiện, bởi hiện nay Việt Nam chưa đảm bảo về hạ tầng, công nghệ, dữ liệu, con người...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu, Văn phòng Đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp báo cáo ý kiến góp ý gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hoàn chỉnh dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).