Xã hội

Quảng Nam tăng cường kiểm tra giám sát đảm bảo an toàn đường thủy

NGỌC BÍCH 26/09/2024 07:48

Mùa mưa bão đã đến, ngành chức năng đang đẩy mạnh kiểm tra, nâng cao ý thức chấp hành giao thông đường thủy nội địa, nhất là tại các bến đò ngang, phương tiện vận chuyển khách du lịch... nhằm đảm bảo an toàn đường thủy.

Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, chủ ghe bến đò Duy Tân (Duy Xuyên) mới giao áo phao cho hành khách mặc. Ảnh: N.B
Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, chủ ghe bến đò Duy Tân (Duy Xuyên) mới giao áo phao cho hành khách mặc. Ảnh: N.B

Vi phạm quy định

Trên tuyến sông Vu Gia hay Thu Bồn, những con tàu chở cát hối hả di chuyển về bến tập kết đã trở nên quen thuộc. Nước sông bắn tung tóe vào cả bề mặt trên của khoang tàu, còn dấu vạch mớn nước an toàn được kẻ đã chìm dưới mặt nước.

Hình ảnh này cho thấy, chủ phương tiện đã chở quá dấu vạch mớn nước an toàn, đồng nghĩa vận chuyển quá tải trọng cho phép trên đường thủy nội địa (ĐTNĐ).

Còn ở các lòng hồ thủy lợi, thủy điện, ghe thô sơ được người dân sử dụng để đi lại đánh bắt cá, làm nương rẫy rất nhiều. Quãng đường di chuyển xa, khu vực dễ xảy ra giông lốc nhưng người dân lại không mặc áo phao, thậm chí có phương tiện không trang bị phao cứu sinh.

z5787442580089_3659bb9b15fe77255a50ccd560f3e16f.jpg
Thanh tra Sở GTVT làm việc với một bến đò ngang chở khách. Ảnh: N.B

Tại một bến đò ngang, một thanh tra viên của Thanh tra Sở GTVT cho biết, khi phát hiện có lực lượng chức năng đến kiểm tra, chủ phương tiện hoặc người lái mới nhanh chóng phát áo phao cho hành khách. Chưa kể nhiều hành khách chủ quan không mặc áo phao.

“Vấn đề này thuộc về ý thức của người tham gia giao thông. Nếu không có lực lượng chức năng đến kiểm tra, nhiều hành khách không tuân thủ quy định mặc áo phao” - người lái đò chia sẻ.

Lực lượng chức năng cho biết, ngoài tình trạng ghe chở khoáng sản, chở khách ngang sông hay đi lại mưu sinh trong lòng hồ vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) nêu trên, việc chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp đang hoạt động tại bến phà, bến du lịch cũng từng bị phát hiện, xử lý.

Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn cảnh báo, vi phạm ATGT trên ĐTNĐ khiến nguy cơ xảy ra tai nạn luôn tiềm ẩn. Các vụ tai nạn xảy ra những năm trước đây trên sông Thu Bồn, sông Vu Gia hay biển Cửa Đại hậu quả vô cùng thảm khốc.

Tăng cường kiểm tra

Lực lượng chức năng khuyến cáo, mùa mưa bão đã đến, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông ĐTNĐ không chỉ tìm ẩn nơi những chuyến đò ngang, ghe chở khách du lịch, phương tiện thủy gia dụng đưa người đi đánh bắt cá hay làm rẫy, mà còn đối với trường hợp người dân dùng ghe đi vớt củi, bắt dế... khi nước lụt lớn. Đáng lo hơn, nhiều người còn tự kết bè, lấy ghe nhỏ chở con cháu đi chơi khi nước lụt tràn khu dân cư rất nguy hiểm.

20240830_085410.jpg
Tổ công tác liên ngành ĐTNĐ cấp tỉnh kiểm tra điều kiện người lái ca nô cao tốc tại bến Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: N.B

Ngoài tuần tra kiểm soát thường xuyên, các lực lượng chức năng còn tham gia Tổ công tác liên ngành đường thủy nội địa cấp tỉnh nhằm nâng cao ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, kể cả chủ bến, chủ phương tiện và người lái trong chấp hành quy định về ATGT.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Phan Đức Tiễn cho biết, thông qua đợt công tác, lực lượng liên ngành tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông ĐTNĐ.

Vận động chủ phương tiện, chủ bến, người tham gia giao thông về trang bị, sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh; chở hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, đúng vạch dấu mớn nước an toàn, chở đúng số người quy định; phương tiện tham gia giao thông đảm bảo điều kiện hoạt động.

Từ cuối tháng 8/2024 đến nay, tổ liên ngành đã thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn Phú Ninh, Núi Thành, Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Tam Kỳ để kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo, vùng lòng hồ, trong khu vực du lịch, bến khách ngang sông, bến hành khách, phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội.

Lực lượng chức năng còn kiểm tra, xử lý vi phạm về điều kiện hoạt động của phương tiện liên quan đến đăng ký, đăng kiểm; giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển; quy định về định biên thuyền viên; trang bị phao cứu sinh; phòng cháy, chữa cháy; điều kiện hoạt động của nhà hàng nổi.

Cũng theo ông Phan Đức Tiễn, công tác quản lý nhà nước về an toàn luồng tuyến, hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa, công tác tổ chức quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ cũng là nội dung được tổ liên ngành kiểm tra để nắm bắt tình hình thực tế, tham mưu cho cấp thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm.

Ngoài ra, các công trình thi công vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy; lấn chiếm hành lang an toàn và luồng chạy tàu, thuyền để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT trên ĐTNĐ cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

NGỌC BÍCH