Giảm nghèo - An sinh

Nam Trà My tổng lực tiếp sức hộ nghèo

LÊ DIỄM 26/09/2024 08:10

Công cuộc giảm nghèo bền vững tại huyện Nam Trà My đòi hỏi sự vào cuộc tổng lực từ chính quyền đến người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ này. Thêm nguồn lực từ vốn vay càng giúp hộ nghèo biết cách làm ăn để vươn lên.

20240513_161601.jpg
Lao động mạnh dạn vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ảnh: D.L

Vươn lên từ vốn vay

Huyện Nam Trà My đã vận dụng tất cả các chính sách với mong muốn có được nguồn lực tốt nhất để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo hiệu quả.

Cụ thể, người dân tộc thiểu số nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn qua nhiều kênh khác nhau; được đào tạo nghề nông nghiệp, nghề may và tạo việc làm cho lao động sau khi đào tạo, tư vấn về xuất khẩu lao động.

Đây là cơ sở để người dân có thể tiếp cận với các thị trường lao động có thu nhập cao. Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí khai hoang; tập huấn về quy trình thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác…

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Trà My phối hợp với Hội LHPN huyện triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ hội viên phụ nữ khó khăn, vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế.

Như trường hợp bà Hồ Thị Giang (người đồng bào Ca Dong ở xã Trà Vân) vay 50 triệu đồng để mua bò giống về nuôi. Tận dụng lợi thế nguồn thức ăn sẵn có với hơn 5ha đồng cỏ tự nhiên và 3 tạ sắn thu hoạch mỗi năm, bà Giang dùng cho bò ăn. Được chăm sóc chu đáo, đàn bò phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế ổn định.

Bà Giang nói: “Trước đây tôi không dám vay tiền vì sợ không biết sử dụng nguồn vốn ra sao, có trả được nợ vay hay không. Từ sự động viên, hỗ trợ của huyện, xã, tôi được vay vốn, chỉ cách làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng tránh dịch bệnh trên vật nuôi hiệu quả. Nhờ đó, gia đình tôi trả được nợ, tích lũy sửa nhà...”.

anh(1).jpg
Lao động Nam Trà My đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc được hỗ trợ nguồn vốn vay từ chính sách của tỉnh. Ảnh: D.L

Theo bà Lê Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My, qua nguồn vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện ở các tổ tiết kiệm & vay vốn của phụ nữ, chị em được tiếp cận nguồn vốn và có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN huyện cũng hướng dẫn chị em biết cách làm ăn, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn để họ có sinh kế.

“Hiện nay công việc của chị em phụ nữ tại huyện Nam Trà My gắn với các đề án trồng trọt, chăn nuôi, phát triển dược liệu, phát triển cây sâm Ngọc Linh nên khi vay vốn đều có kế hoạch trước nhằm phát huy hiệu quả tốt hơn. Đồng thời, hàng tháng, các tổ tiết kiệm & vay vốn cũng vận động chị em gửi tiết kiệm, để dành cho việc trả gốc vay khi đến hạn” - bà Thúy nói.

Vay vốn đi làm việc ở nước ngoài

Công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được huyện Nam Trà My triển khai mạnh từ năm 2019. Trong khoảng thời gian này, có gần 400 người tham gia đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Liên bang Nga.

Theo thông tin từ chính quyền địa phương, trong số này có rất nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên bàn huyện. Sau khi kết thúc hợp đồng lao động về địa phương, những trường hợp này không những thoát nghèo mà còn thay đổi được tư duy, có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế bền vững. Đây được xem là hướng giảm nghèo mới, hiệu quả đối với huyện miền núi cao này.

phunu.jpg
Nhiều mô hình chăn nuôi của phụ nữ được hỗ trợ vay vốn chính sách để làm kinh tế. Ảnh: D.L

Như trường hợp vợ chồng anh Hồ Văn Kao và chị Hồ Thị Nhiều tham gia làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc nên sắp xếp gửi các con cho người thân chăm sóc.

Theo lời chị Nhiều, đi làm Hàn Quốc thì không tốn chi phí nhiều, nhưng do điều kiện khó khăn nên anh chị phải vay vốn để lo các thủ tục. Chỉ sau 5 tháng đi làm ở Hàn Quốc về, vợ chồng anh chị đã trả nợ nguồn vốn vay.

Ông Đặng Duy Ba - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết, huyện tập trung vào những thị trường ít tốn phí vì điều kiện của người lao động còn khó khăn. Tuy thu nhập không cao nhưng khả năng tham gia của người lao động dễ dàng hơn so với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Lao động có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo đều được huyện giúp đỡ các thủ tục để làm hồ sơ, vay vốn ban đầu để đi làm. Khi lao động đi làm, tiền lương hàng tháng đều gửi về tài khoản họ đã mở tại các chi nhánh ngân hàng ở huyện, có sự kiểm soát để sau này lao động về trả được nguồn vốn vay, không để nợ xấu.

Qua rà soát, các lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đều trả nợ vốn vay đúng hạn, hộ nghèo có lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm đều thoát nghèo so với tiêu chí đánh giá đa chiều của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My, đơn vị đang phối hợp với các địa phương, phòng LĐ-TB&XH huyện rà soát, kiểm tra thực tế các hộ dân có nhu cầu vay vốn, đặc biệt là mục đích sử dụng vốn vay. Đồng thời nhắc nhở các tổ tiết kiệm & vay vốn thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình hộ vay vốn để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay tốt.

Ông Hiền cho biết: “Việc cho vay đối với lao động đi làm có thời vụ tại Hàn Quốc theo chính sách của tỉnh thì Nam Trà My đang thực hiện tốt. Trong thời gian qua, rất nhiều trường hợp sau khi hoàn thành thời hạn xuất khẩu lao động đã trả nợ vay, có thêm điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây cũng là những gương điển hình để nhân rộng cho lao động có nhu cầu sắp tới tiếp tục thực hiện chương trình tốt hơn”.

LÊ DIỄM