Người lính già và ký ức những năm tháng hoạt động cách mạng
(QNO) - 84 tuổi đời, 57 tuổi Đảng, ông Nguyễn Hoàng Ngọc (SN 1940, quê xã Quế Phú, Quế Sơn, nay sống tại quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) vẫn luôn nhớ về những tháng năm hoạt động cách mạng. Kỷ niệm thời trai trẻ như mạch nguồn ký ức thấm đẫm mỗi khi nhắc đến.
1. Ngày 20/7/1954 khi Hiệp định Genève được ký kết cũng là lúc ông Nguyễn Hoàng Ngọc thoát ly tham gia cách mạng. Ban đầu ông làm giao liên đội công tác vùng đông Quế Sơn, sau ra Đà Nẵng học trường Bồ Đề, hoạt động tình báo trong chùa.
Cuối năm 1964, ông Ngọc trở về làm cán bộ Phòng Giáo dục huyện Quế Sơn đóng tại Sơn Thạch (vùng trung Quế Sơn). Tháng 6/1966 ông được tổ chức điều làm Hiệu trưởng kiêm giáo viên Trường cấp 1 Sơn Tân xã Quế Tân (nay là xã Hiệp Thuận và Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức). Học sinh là con em của người dân thuộc 4 thôn Trà Linh, Bình Kiều trên, Bình Kiều dưới, Tân Thuận. Thời điểm này chiến tranh ác liệt, máy bay giặc thả bom liên tục. Trước khi ông Ngọc lên làm hiệu trưởng, hai hiệu trưởng trường này đều đã chiêu hồi.
Lớp học ông Ngọc gồm trẻ từ vỡ lòng đến lớp 4. Để tránh địch có khi 5,6 giờ tối mới thắp đèn dạy. Học sinh của ông nay nhiều người đã hy sinh, còn lại Thiếu tướng Phan Như Thạch – nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam.
Giữa tháng 8/1968 ông về làm Phó ban Tổ chức chuyên trách Huyện ủy đóng tại Hòn Tàu. Đầu năm 1971, ông Nguyễn Hoàng Ngọc về Ban Dân vận Mặt trận Quảng Nam đóng tại Sơn Cẩm Hà mãi đến năm 1975. Đây cũng là khoảng thời gian ghi nhớ nhiều kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động của người lão thành cách mạng này.
Ông Ngọc kể, trước năm 1975, vùng Đông Quế Sơn địch xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc. Riêng địa bàn 2 xã Phú Hương và Phú Phong (nay là xã Quế Phú, Quế Sơn) đã có trên 20 chốt điểm của địch, trong đó xã Phú Hương khoảng 10 chốt điểm. Từ những chốt điểm này địch làm bàn đạp phong tỏa các vùng giải phóng, tạo ngăn cách, cắt đứt liên lạc giữa bộ đội, cán bộ với nhân dân.
Cùng hệ thống đồn bốt, địch còn dùng thủ đoạn dồn dân vào khu dồn để quản lý, đàn áp, gây ra bao căm thù trong nhân dân. Trước sự khống chế của địch, cán bộ, nhân dân Phú Hương (cũ) không cam chịu và quyết tâm tấn công địch.
2. Thấm nhuần phương châm lãnh đạo của Đảng, tiến hành hai chân ba mũi giáp công; phối hợp chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, đặc biệt chú trọng trong khối “nổi dậy” (binh vận, đấu tranh chính trị, mặt trận và các đoàn thể). Trong đó, công tác binh vận được xác định là mũi tấn công rất quan trọng vì dễ làm lung lay tinh thần binh lính địch.
“Chị Nguyễn Thị Thu hay còn gọi là Bảy Thu (tên nhân vật đã thay đổi) là đoàn viên thanh niên cách mạng, là cơ sở hợp pháp hoạt động đơn tuyến của Ban Binh vận tỉnh Quảng Nam, được ông Phan Tiến Dũng, Uỷ viên Ban Binh vận tỉnh trực tiếp giao nhiệm vụ vận động binh lính ngụy quay súng trở về với cách mạng” – ông Nguyễn Hoàng Ngọc kể.
Lúc bấy giờ ở đồn Gò Gia có Phạm Phú Thành (tên trong hồ sơ địch gọi là Phú), quê xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, nguyên là du kích xã Bình Đào. Trong một trận chống càn ông Thành bị thương nặng, địch đưa về cứu chữa tại Tam Kỳ, sau đó bị bắt lính và đóng quân ở Gò Da rồi về chốt tại thôn 7.
Sau những lần đi làm cỏ lúa và đi chợ Bảy Thu đã móc nối liên lạc với Phú. Qua tiếp cận vận động, tuyên truyền về những chủ trương chính sách của cách mạng đối với ai bỏ súng quay về với nhân dân, Phạm Phú Thành siêu lòng và nhận lời quay về với cách mạng. Một kế hoạch bí mật đưa Thành ra vùng giải phóng được tổ chức xây dựng.
Bảy Thu mượn được bộ đồ khăn đóng áo dài đen và đôi guốc của người quen xếp gọn trong mủng đi chợ, trên mủng ngụy trang lớp lá chuối và chần lên trên một nải chuối chín để che mắt địch. Đúng hẹn, Phú đến điểm nhà dân là cơ sở cách mạng để gặp Bảy Thu. Sau khi mặc vào người chiếc quần trắng, áo dài đen đội lên đầu chiếc khăn xếp đen mang thêm đôi guốc, Phú cùng Bảy Thu thoát ra vùng giải phóng an toàn.
Sự quay về của Phạm Phú Thành không chỉ thể hiện sự mưu lược trong công tác binh vận mà còn mang đậm chất nhân văn về chính sách khoan hồng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Phạm Phú Thành đã được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Nam tiếp nhận và phân công làm cần vụ cho Đại đức Thích Hành Minh, (Trần Hữu Đẩu), Ủy viên Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu V, nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Nam (1967). Đại đức Thích Hành Minh cũng là người cùng quê với Phạm Phú Thành.
Khi anh Thành về nhận công tác mới, tổ chức giao tiếp tục viết thư gửi binh lính, sĩ quan trong quân đội Việt Nam cộng hòa vận động bỏ súng quay về với cách mạng. Nhiều tên đã giác ngộ cách mạng quay về với nhân dân.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngọc, đây chỉ là câu chuyện điển hình của cơ sở hợp pháp hoạt động nội tuyến thuộc ngành Binh vận tỉnh Quảng Nam nhưng đã trở thành bài học quý giá của công tác Binh vận địch trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước và đã được Đảng đúc kết thành phương châm đánh địch là hai chân (quân sự, chính trị), ba mũi giáp công (quân sự, binh vận, đấu tranh chính trị).
Ở tuổi 84, trí óc lúc nhớ lúc quên nhưng người lính già Nguyễn Hoàng Ngọc luôn sôi nổi mỗi khi nhắc về một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Trong căn phòng nhỏ của ông chủ yếu là sách, báo, tư liệu lịch sử cách mạng. Thỉnh thoảng nhớ điều gì ông lại ghi vào giấy như lưu giữ ký ức về những năm tháng đấu tranh gian khổ nhưng quá đỗi tự hào. Với ông, đó không chỉ là niềm vui tuổi già mà cũng chính là niềm tin, hy vọng về lý tưởng cách mạng mà ông đã nguyện đi theo hết cuộc đời.