Y tế

Phòng ngừa hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ em

VIẾT THẠNH - THÙY AN 27/09/2024 08:15

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng trẻ dậy thì sớm đang tăng gấp 35 lần so với 10 năm trước đây. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng, tìm cách điều trị cho con mình.

z5862573847461_90adb785400fb831c6bdb713594a8b7a.jpg
Trẻ em được khám dậy thì sớm.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam đã tiếp nhận 50 lượt trẻ đến thăm khám và điều trị.

Có các biểu hiện như lớn nhanh, đau ngực, bé N.T.T.M., 8 tuổi (huyện Núi Thành) được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam để khám. Tại bệnh viện, cháu được khám và làm các xét nghiệm, chụp phim, đo hoóc-môn, đo tuổi xương.

Người nhà của bé chia sẻ: “Khi lên 7 tuổi, cháu lớn nhanh, cứ nghĩ cháu phát triển hơn các bạn cùng lứa tuổi. Thời gian sau thấy cháu có các biểu hiện bất thường như ngực phát triển, chân tay bắt đầu mọc lông, tôi mới đưa cháu đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Tuy nhiên, do cháu đã tròn 8 tuổi nên cần theo dõi và làm thêm xét nghiệm, chụp chiếu và đo các chỉ số để có phương pháp can thiệp phù hợp”.

Bác sĩ Hà Thị Kim Anh - Khoa Nhi Truyền nhiễm, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Quảng Nam cho biết thông thường đối với bé gái, bố mẹ nghĩ rằng trẻ có kinh nguyệt mới gọi là dậy thì sớm, nhưng không phải như vậy.

Dấu hiệu dậy thì sớm đầu tiên ở bé gái đó là sự phát triển tuyến vú kèm theo đó là sự tăng nhanh về chiều cao. Sau đó trẻ sẽ xuất hiện lông mưu, lông nách, kinh nguyệt, thay đổi mùi cơ thể, mụn trứng cá.

Còn đối với bé trai thì dấu hiệu đầu tiên là sự phát triển của tinh hoàn về dương vật; hai dấu hiệu này thường kín đáo nên bố mẹ có thể không phát hiện sớm. Các dấu hiệu tiếp theo đó là trẻ sẽ xuất hiện lông mưu, lông nách, tăng nhanh về chiều cao, vỡ giọng nói, mụn trứng cá.

Trẻ dậy thì sớm thường dễ bị ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm, sinh lý và chiều cao của trẻ. Do các em còn nhỏ, chưa hiểu biết và nhận thức đầy đủ về cơ thể, sự phát triển của cơ thể và giới tính; việc chăm sóc sức khỏe giới tính còn chưa thuần thục, đặc biệt là những trẻ ở độ tuổi 5 - 6.

Đồng thời, sự thay đổi cơ thể nhanh, khác biệt lớn so với các bạn cùng tuổi sẽ tạo nên tâm lý ngại ngùng, bất an cho trẻ; trẻ dễ bị trêu chọc, thậm chí quấy rối, lạm dụng tình dục, có thai ngoài ý muốn, nhất là bé gái.

Bên cạnh đó, trẻ dậy thì sớm thường có chiều cao thấp hơn so với trẻ dậy thì đúng độ tuổi. Bởi trong giai đoạn dậy thì, xương của trẻ phát triển rất nhanh nhưng sẽ sớm ngừng tăng trưởng. Vì sau dậy thì, xương gần như không phát triển nữa.

“Để phòng ngừa dậy thì sớm bố mẹ cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ, cụ thể như là tăng cường chất lượng dinh dưỡng cho bữa ăn, tăng cường các loại rau xanh, trái cây trong bữa ăn, đảm bảo đủ lượng đạm, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn như là đồ ngọt, các loại đồ chiên rán, các thực phẩm có nhiều hoóc-môn tăng trưởng có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì ở trẻ.

Ngoài ra bố mẹ có thể giúp trẻ tăng cường vận động, hoạt động vận động sẽ giúp tiêu hao nhiều năng lượng, đặc biệt các hoạt động ngoài trời như bơi lội, đá bóng, cầu lông sẽ giúp trẻ phát triển thể chất toàn diện hơn” - bác sĩ Anh khuyến cáo.

VIẾT THẠNH - THÙY AN