Chính trị

Kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ:Sức mạnh từ lòng dân

HỒ QUÂN - LÊ DIỄM 27/09/2024 09:30

Đã 70 năm trôi qua, song cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ, Tiên Phước (29/9/1954) vẫn vẹn nguyên giá trị, khơi lên trong thế hệ hôm nay ngọn lửa cách mạng, tinh thần cống hiến để xây dựng quê hương.

TIEN THO 1
Tiên Thọ hôm nay. Ảnh: Q.L

Sáng ngời tinh thần cách mạng

Ngọn lửa đấu tranh Cây Cốc nhen nhóm từ sự việc bọn Quốc dân đảng phản động 2 lần vô cớ bắt đồng chí Nguyễn Thông - cán bộ kháng chiến chống Pháp của Tiên Thọ về giam giữ, tra hỏi tại nhà tên Ngô Ngọc Hường.

Trong lần bắt giữ người đầu tiên vào ngày 27/9/1954, chịu sức ép trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của nhân dân, Tiểu đoàn 601 thuộc quân đội liên hiệp Pháp đóng tại chợ Cây Cốc (Tiên Thọ) phải can thiệp, buộc Quốc dân đảng thả người.

Đỉnh điểm là khi đồng chí Nguyễn Thông bị bắt lần thứ 2 vào đêm 28/9/1954, làn sóng căm phẫn của nhân dân lan rộng, kéo đến vây quanh nhà Ngô Ngọc Hường đòi thả người. Dù Quốc dân đảng đứng ra xin lỗi, song nhân dân tấn tới, yêu cầu phải ký cam kết.

Cán bộ huyện Tiên Phước đã ra sức vận động quần chúng giải tán để tránh tổn thất, nhưng cuối cùng vẫn không ngăn được tinh thần đấu tranh sục sôi trong nhân dân.

CAY COC 2
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng dâng hương tại Di tích lịch sử Địa điểm Cuộc đấu tranh Cây Cốc. Ảnh: Q.L

Và hàng nghìn người dân các xã Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Thọ, Tiên Lập ồ ạt kéo về chợ Cây Cốc, hợp cùng người dân các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ và tỉnh Quảng Ngãi đến buôn bán ở Tiên Phước, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Bị dồn vào thế chân tường, bọn Quốc dân đảng cầu cứu khắp nơi. Nhận chỉ đạo của Chỉ huy quân Pháp đóng ở Đà Nẵng, Tiểu đoàn 601 đóng tại Cây Cốc nổ súng đàn áp, làm chết và bị thương hơn 330 người.

Máu đổ xuống vẫn không ngăn được lòng căm thù giặc; những đoàn người vẫn tiếp tục xông lên, cướp súng chống trả. Biết vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ, địch muốn cướp xác để phi tang tội ác, song đồng bào ta cương quyết bảo vệ số người thương vong để làm bằng chứng, tố cáo chúng.

Dựa vào dân

Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, từ cuộc đấu tranh Cây Cốc năm 1954 cho đến thời kỳ xây dựng, phát triển quê hương ngày nay, nhân dân Tiên Thọ luôn sẵn sàng vào cuộc, đồng lòng hưởng ứng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

TIEN THO 3
Cán bộ xã Tiên Thọ thăm hỏi, trao đổi với người dân thôn 2 về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Q.L

Ông Nguyễn Văn Ty - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Thọ cho biết, khi địa phương phát động phong trào hiến đất làm đường, người dân hăng hái tham gia đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất, tự nguyện tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc… Mới nhất là tuyến đường “sức dân” dẫn vào thôn 2 dài hơn 2km vừa hoàn thành và bê tông hóa trong tháng 9 này.

Là một trong những hộ ở thôn 2 hiến đất nhiều nhất, ông Nguyễn Chí Linh bày tỏ niềm phấn khởi khi được góp sức cho sự phát triển của địa phương.

Ông Linh chia sẻ: “Tôi cũng không nhớ là hiến bao nhiêu đất để làm được con đường này. Chỉ biết là con đường cắt ngang qua các thửa ruộng, với tổng sản lượng trước đây là 7 tạ lúa, giờ hiến xong còn làm được 1 tạ thôi. Thu nhập giảm nhưng bù lại là làm gương để người dân trong thôn đồng lòng hiến đất làm đường. Mỗi ngày, không còn thấy cảnh “nắng bụi, mưa lầy”, người dân đi lại thuận lợi là mừng rồi”.

Từ sự đồng thuận của nhân dân, Tiên Thọ đã nhựa hóa, bê tông hóa hơn 12km giao thông nông thôn; đường trục thôn và đường liên thôn được bê tông hóa hơn 13km. Ngoài ra, người dân các thôn còn tham gia thắp sáng đường quê, trồng hoa, cây cảnh và tổ chức dọn vệ sinh môi trường hàng tuần, đảm bảo tuyến đường “xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

“Phát huy truyền thống cách mạng, các thế hệ người dân Tiên Thọ đã hưởng ứng, tích cực tham gia, đóng góp vào các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới…

Nhờ đó, các phong trào đi vào thực chất, phát huy hiệu quả trong từng khu dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đây là tiền đề để Tiên Thọ thực sự bứt phá, phát triển toàn diện trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Ty nói.

Ngày 19/6/2009, Di tích lịch sử địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng cấp tỉnh.
Ngày 29/1/2019, Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định số 424 xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc.

Để phát huy giá trị di tích trong giáo dục truyền thống yêu nước, ngày 3/3/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 565 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tưởng niệm cuộc đấu tranh Cây Cốc, với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Tháng 5/2023, UBND huyện Tiên Phước đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 dự án (vốn đầu tư giai đoạn này hơn 14,7 tỷ đồng).

HỒ QUÂN - LÊ DIỄM