Quy hoạch - Đầu tư

Góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn:Những băn khoăn từ thực tiễn ở Quảng Nam

QUỐC TUẤN 27/09/2024 09:18

Là luật có tác động sâu rộng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, nhưng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vẫn còn những ý kiến băn khoăn về tính khả thi một khi áp dụng thực tế.

dji_0221.jpeg
Việc lấy ý kiến cộng đồng cho các đồ án quy hoạch hiện chưa theo quy chuẩn nào, nhiều nơi làm rất qua loa, còn có nơi lại rất khó xác định đối tượng liên quan trực tiếp. Ảnh: Q.T

Cần làm rõ quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư

Quy định về lấy kiến ý cộng đồng dân cư về các đồ án quy hoạch là một trong những vấn đề trọng tâm được đại biểu đề cập tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vừa được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, các luật liên quan trước đây và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đều đưa ra quy định tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư với các đồ án quy hoạch nhưng chưa rõ ràng.

Trong thực tiễn, đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh có tham gia nhiều hội đồng thẩm định cũng như tham gia ý kiến các dự thảo đồ án quy hoạch của nhiều địa phương thì thấy hồ sơ trình có báo cáo về việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng nhưng chưa theo quy chuẩn nào. Nhiều nơi rất qua loa khi chỉ lấy vài chục ý kiến trên tổng số hàng nghìn hộ gia đình nằm trong khu vực ảnh hưởng đồ án quy hoạch.

“Hiện chưa có văn bản, nghị định, thông tư gì chính thức để hướng dẫn rõ cộng đồng dân cư là ai và lấy ý kiến bao nhiêu người, tỷ lệ ra sao là bảo đảm để phê duyệt hồ sơ đồ án quy hoạch. Có thể nghiên cứu nêu rõ phương án đối tượng lấy ý kiến cộng đồng dân cư là đại diện hộ gia đình, ít nhất tỷ lệ lấy ý kiến cũng phải hơn 50% so với tổng số hộ gia đình ở các khu dân cư liên quan trực tiếp thì mới tránh được tính hình thức” - ông Nguyễn Phi Hùng nói.

Còn theo ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư với đồ án quy hoạch trước đây đã có quy định, nhưng rất khó triển khai trong thực tế.

“Bản chất từng loại quy hoạch sẽ khác nhau. Mức độ tác động mỗi loại quy hoạch cũng khác nhau nên không thể hòa chung một quy định về mức độ, phạm vi lấy ý kiến. Ví dụ về quy hoạch tỉnh thì không thể lấy ý kiến cộng đồng dân cư được.

Cần xác lập rõ quy định về đối tượng lấy ý kiến, bởi đơn cử từng có một dự án nằm giữa đồng ruộng, dân cư liên quan lên đến cả nghìn trường hợp nhưng rất khó để xác định được đối tượng lấy ý kiến” - ông Ngô Ngọc Hùng cho hay.

“Phù hợp” hay phải “trùng khớp” quy hoạch?

Hiện nay khi triển khai bất cứ công trình, dự án nào cũng phải tuân thủ sự phù hợp với các quy hoạch liên quan. Theo Sở KH-ĐT, khi Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thông qua dự báo sẽ còn ràng buộc hơn nên cần làm rất rõ căn cứ lập quy hoạch. Khi đó, tất cả dự án đầu tư phải phù hợp quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch tỉnh. Nếu một dự án phù hợp cả 3 quy hoạch thì quá lý tưởng nhưng nếu không phù hợp thì sẽ rất nhiêu khê.

dji_0252.jpeg
Tất cả các dự án đầu tư phải phù hợp quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch tỉnh khi Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thông qua. Trong ảnh: Một góc đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT đặt vấn đề: “Quy định là quy hoạch cấp dưới phải tuân theo quy hoạch cấp trên. Nhưng ở đây phải xác lập quy hoạch đô thị nông thôn và quy hoạch sử dụng đất thì quy hoạch nào có trước. Đồng thời xác định rõ quy hoạch nào làm trọng tâm để quy hoạch khác hướng theo, nhất là khi quy hoạch sử dụng đất phải 5 năm mới được điều chỉnh”.

Ở góc độ địa phương, ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, quy hoạch đô thị và nông thôn sắp tới phải đi trước quy hoạch sử dụng đất và là cơ sở để xây dựng quy hoạch sử dụng đất.

Bởi, quy hoạch đô thị và nông thôn tích hợp nhiều nội dung phát triển căn bản của một khu vực và sẽ có cơ cấu sử dụng đất hợp lý, bám theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chứ nếu bám theo quy hoạch sử dụng đất thì khả năng cao đồ án quy hoạch sẽ không làm được.

Bên cạnh đó, nên có điều khoản cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch đảm bảo không thay đổi cơ cấu chung để quá trình triển khai thực hiện thuận lợi hơn, nếu không cấp cơ sở rất lúng túng về hướng xử lý.

Ông Ngô Ngọc Hùng cho biết thêm, khái niệm về sự “phù hợp” quy hoạch rất khác với khái niệm “đúng”, “trùng khớp” quy hoạch. Lâu nay có thực tế là chỉ cần lệch hướng tuyến một chút là không phù hợp quy hoạch, từ đó dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.

Lệch một chút phải điều chỉnh, sai vài mét cũng điều chỉnh chứ không thể thực hiện thu hồi đất. Ngoài ra, cần cân nhắc về quy định quy hoạch cấp dưới phù hợp với quy hoạch cấp trên ở mức độ nào là phù hợp, chứ nếu cứng nhắc sẽ vướng mắc rất nhiều trong thực tế triển khai.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (dự thảo bản cuối cùng ngày 9/9/2024) có 6 Chương, 66 Điều. Nội dung của dự thảo luật đề cập 3 chính sách lớn gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

QUỐC TUẤN