Nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Nhiều địa phương khó về đích theo kế hoạch

NHÃ PHƯƠNG 27/09/2024 13:18

Thời gian qua, nhiều xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 không “đủ sức” giữ chuẩn theo quy định; trong khi đó, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 dự báo khó hoàn thành.

s0.jpg
Trong số 117 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2021 trở về trước thì hiện nay có đến 61 xã rớt chuẩn 1-4 tiêu chí.. Ảnh: N.P

Hàng loạt xã không giữ được chuẩn

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trừ thị trấn Ái Nghĩa phát triển theo hướng đô thị, trên địa bàn huyện có tổng cộng 17 xã tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đến nay, địa phương đã có 15 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó xã Đại Quang đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Đại Hiệp đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo kế hoạch, năm 2024 này 2 xã cuối cùng của huyện sẽ về đích NTM là Đại Chánh và Đại Tân.

Tuy nhiên, trong số 15 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM của Đại Lộc, thời gian qua chỉ có 6 xã duy trì đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025, gồm Đại Hiệp, Đại Thắng, Đại Hòa, Đại Quang, Đại Thạnh, Đại Sơn; có 9 xã bị rớt tiêu chí là Đại Phong, Đại Minh, Đại Cường, Đại An, Đại Nghĩa, Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng.

“Các tiêu chí không đạt tập trung vào tiêu chí số 16 về văn hóa, tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, tiêu chí số 19 về quốc phòng - an ninh” - ông Mẫn nói.

s1.jpg
Nhiều địa phương cần nguồn kinh phí lớn để xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: N.P

Đáng chú ý, xã Đại Quang duy trì đạt chuẩn xã NTM nâng cao với 17/19 tiêu chí; còn 2 tiêu chí không duy trì đạt chuẩn là tiêu chí số 17 về môi trường và tiêu chí số 19 về quốc phòng - an ninh.

Trong khi đó, xã Đại Hiệp duy trì đạt chuẩn 16/19 tiêu chí; còn 3 tiêu chí rớt chuẩn là tiêu chí số 15 về hành chính công, tiêu chí số 17 về môi trường, tiêu chí số 19 về quốc phòng - an ninh. Tuy vậy Đại Hiệp vẫn đảm bảo duy trì đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu nổi trội về cảnh quang môi trường.

Mới đây, tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì, ông Nguyễn Anh Tài - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, tính đến nay, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh (193 xã) theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025 là 16,28 tiêu chí/xã, giảm 0,14 tiêu chí/xã so với năm 2023.

Hiện nay, Quảng Nam đã có 129/193 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 66,84%; trong đó có 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 275/948 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 29%.

“Trong số 117 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM từ năm 2021 trở về trước, hiện nay có đến 61 xã chưa duy trì chuẩn từ 1-4 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025” - ông Tài cho hay.

Nhiều khó khăn

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 112 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngoài việc tập trung duy trì, nâng chuẩn đối với 112 xã đã đạt chuẩn thì mục tiêu Quảng Nam đặt ra là phấn đấu có thêm ít nhất 42 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên ít nhất 154/193 xã vào cuối năm 2025, chiếm tỷ lệ 80%.

s2.jpg
Hầu hết xã bị rớt tiêu chí đều kiến nghị nâng mức hỗ trợ duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: N.P

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 39 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, so với mục tiêu đề ra thì thiếu 3 xã; nhận định đến năm 2025 khả năng mục tiêu trên sẽ khó đạt.

Đối với 61 xã chưa duy trì chuẩn NTM theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025, ông Nguyễn Anh Tài cho hay, nhiều xã kiến nghị mức hỗ trợ duy trì chuẩn giai đoạn này còn thấp (vốn đầu tư chỉ khoảng 2,8 tỷ đồng/xã/5 năm, bình quân chỉ 550 triệu đồng/xã/năm) nên việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng theo bộ tiêu chí mới còn khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Tài nói thêm, khó khăn nhất đối với việc thực hiện xã NTM nâng cao là chỉ tiêu 18.1 về nước sạch tập trung. Tiêu chí này hiện không phù hợp, tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng Trung ương không điều chỉnh.

Theo thống kê, hiện nay cả tỉnh có 554 công trình nước sạch tập trung, trong đó có 81 công trình hoạt động bền vững (chiếm 14%), 245 công trình hoạt động trung bình (chiếm 45%), 147 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 27%), 81 công trình không hoạt động (chiếm 14%).

Đối với các tiêu chí huyện NTM và huyện NTM nâng cao thì khó khăn hiện nay xoay quanh việc đầu tư các trường THPT đạt chuẩn. Đáng chú ý là, chỉ tiêu 7.5 về các khu - cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, nếu đầu tư khu xử lý thì tốn hàng chục tỷ đồng/công trình nhưng sẽ lãng phí vì các cụm công nghiệp ở các huyện nguồn nước thải không lớn.

Điều này đã được Sở TN-MT Quảng Nam nhiều lần kiến nghị Trung ương nhưng vì liên quan Luật Bảo vệ môi trường nên Bộ TN-MT đề nghị thực hiện theo luật.

s3.jpg
Cần quan tâm hỗ trợ người dân phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: N.P

Theo đại diện Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, thêm khó khăn nữa là việc huy động nguồn vốn đối ứng ngân sách huyện, xã cho các công trình đầu tư trong chương trình NTM. Khó là bởi nguồn vốn đối ứng này chủ yếu trông chờ vào khai thác quỹ đất; tuy nhiên việc khai thác quỹ đất còn vướng nhiều thủ tục, tiến độ thực hiện các dự án khai thác quỹ đất chậm và phải nghiên cứu theo Luật Đất đai 2024.

Trong khi đó, huy động vốn nhân dân để thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí của chương trình rất khó, đặc biệt là các xã vùng cao. Nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa xử lý xong, hiện còn hơn 101,4 tỷ đồng nợ cấp xã do các địa phương chưa khai thác quỹ đất được…

Giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam có 87 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh có 87 xã đăng ký xây dựng mô hình xã nông thôn mới nâng cao.

Tính đến nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của một xã trên phạm vi toàn tỉnh là 14,66 tiêu chí, tăng 1,8 tiêu chí/xã so với năm 2023. Đến thời điểm này, Quảng Nam đã có 22 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Trong đó, 10 xã đạt chuẩn từ năm 2021 trở về trước, 5 xã đạt chuẩn năm 2022 và 7 xã đạt chuẩn năm 2023.(MAI NHI)

Quế Sơn phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025

Lãnh đạo UBND huyện Quế Sơn cho biết, nhờ nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều phần việc nên thời gian qua việc xây dựng mô hình huyện nông thôn mới ở địa phương đạt kết quả khả quan.

Theo khảo sát và đánh giá thực tế, đến nay Quế Sơn đã thực hiện hoàn thành 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Bao gồm: quy hoạch, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, kinh tế, hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công.

Thời gian tới, Quế Sơn sẽ tập trung thực hiện 4 tiêu chí còn lại là giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, môi trường, chất lượng môi trường sống. Mục tiêu địa phương đặt ra là phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.(MAI LINH)

Núi Thành cần phấn đấu hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận nông thôn mới tháng 6/2025

Văn phòng UBND tỉnh vừa có Thông báo số 340 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn sau cuộc làm việc với UBND huyện Núi Thành về tiến độ hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu UBND huyện khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Trong đó, tập trung thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt, và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cá nhân liên quan gắn với thời gian hoàn thành; phấn đấu đến tháng 6/2025 hoàn thành hồ sơ đề nghị thẩm tra trình Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Huyện khẩn trương chỉ đạo UBND các xã/chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, mở mã số công trình để giao hết vốn năm 2024 đã được phân bổ, trong đó cần ưu tiên cao cho nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện (vốn 2024 còn 18,543 tỷ đồng chưa phân bổ nhưng đã đến mùa mưa) và giải ngân vốn 2024.

Đối với các công trình đã gửi hồ sơ thẩm định, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng ưu tiên hỗ trợ các xã trong công tác thẩm định để có cơ sở phê duyệt, mở mã số dự án...

Trên cơ sở đó, huyện khẩn trương chỉ đạo lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng công trình (trong đó, xác định rõ lộ trình thời gian hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục; đấu thầu; thi công; nghiệm thu…; cơ quan chủ trì thực hiện) và yêu cầu các đơn vị, địa phương tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tuần, tháng, quý...(T.S)

NHÃ PHƯƠNG