Nhóm bị cáo giả danh công an lừa đảo lĩnh án
(QNO) - Nhóm đối tượng sử dụng các số điện thoại ảo trên nền tảng internet để giả danh công an, lừa đảo nhiều bị hại tiền tỷ.
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa mở phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo: Bùi Thị Thu Lan (SN 1990, trú TP.Hồ Chí Minh), Foo Kok Heng (SN 1984, quốc tịch Malaysia), Huỳnh Vũ Bằng (SN 1978, trú tỉnh Sóc Trăng), Huỳnh Hữu Hận (SN 1998, trú tỉnh Bạc Liêu), Đỗ Bách Trí (SN 1999, trú tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Thành Long (SN 1996, trú tỉnh Bình Định) trong đường dây giả danh công an gọi điện đe dọa các bị hại chiếm đoạt tài sản.
Nhóm đối tượng hầu tòa với các tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Rửa tiền”.
Theo hồ sơ, ngày 28 và 29/5/2020, ông T.H.D. (SN 1953, trú Thừa Thiên Huế) và bà Đ.T.T. (SN 1968, trú tỉnh Quảng Nam) nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ đang công tác tại Bộ Công an, thông báo nội dung: Ông D. và bà T. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền.
Đối tượng yêu cầu 2 người này đăng ký internet banking, cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã rút sạch 8 tỷ đồng trong tài khoản của ông D. và 2,1 tỷ đồng trong tài khoản bà T.
Vào cuộc điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam xác định băng nhóm trên “giăng bẫy” các nạn nhân.
Theo điều tra, trong thời gian sinh sống ở Malaysia vào năm 2018, Bùi Thị Thu Lan quen biết và sống chung như vợ chồng với Foo Kok Heng. Năm 2019, Lan quen biết đối tượng có tên A Long (người Malaysia) và được người này thuê về Việt Nam mở tài khoản ngân hàng.
Theo chỉ đạo, Lan và Foo Kok Heng về Việt Nam. Lan trực tiếp dùng thông tin cá nhân của mình mở nhiều tài khoản ngân hàng và chuyển cho A Long quản lý. Mỗi tài khoản, A Long trả cho Lan 1,7 triệu đồng mỗi tháng.
Tháng 9/2019, các tài khoản của Lan bị cơ quan điều tra phong tỏa và không thể sử dụng được nữa. Lúc này, A Long yêu cầu Lan và Foo Kok Heng thuê người khác mở tài khoản ngân hàng. Sau đó, Lan và Foo Kok Heng thuê Huỳnh Vũ Bằng và Huỳnh Hữu Hận mở nhiều tài khoản chuyển cho A Long phục vụ cho mục đích phạm tội.
Để thực hiện hành vi, A Long chủ mưu, cấu kết với nhóm đối tượng người Việt Nam sử dụng các số điện thoại ảo trên nền tảng internet (VoIp) để điện thoại cho những người bị hại.
Các đối tượng giả danh là cán bộ công tác tại Bộ Công an và đưa ra thông tin giả là những người bị hại có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền… rồi yêu cầu họ cài và nhập tất cả thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Do hoảng sợ nên các bị hại đã làm theo.
Khi có thông tin tài khoản của nạn nhân, nhóm đối tượng tự thao tác chuyển tiền từ tài khoản của “con mồi” vào các tài khoản ngân hàng đã thuê người Việt Nam mở trước đó. Sau đó, nhóm đối tượng tiếp tục thuê các đối tượng người Việt Nam mua đồng tiền mã hóa (USDT) nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền phạm tội chuyển về Malaysia.
Mặc dù biết rõ hình thức hoạt động này là bất hợp pháp nhưng Lan, Foo Kok Heng, Bằng, Hận, Trí và Long vẫn giúp sức tích cực nhằm hưởng lợi. Trong đó, Trí và Long đã giúp sức cho A Long thực hiện giao dịch mua bán USDT với số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Tại phiên sơ thẩm, sau khi xem xét các tình tiết và toàn bộ hồ sơ vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên phạt bị cáo Lan 12 năm 4 tháng tù, Foo Kok Heng 10 năm tù, Huỳnh Vũ Bằng 2 năm 10 tháng tù, Huỳnh Hữu Hận 2 năm tù, Đỗ Bách Trí và Nguyễn Thành Long cùng 10 năm tù.