Ở làng rừng cọ nghĩ tới Trà Leng
Hai vụ sạt lở núi cách nhau 4 năm. Làng ông Đề (Trà Leng, Nam Trà My) và Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Tôi ngồi giữa Làng Nủ và nhìn những con vật gắn bó với người làng. Lũ gà không chịu rời đi, con mèo ngơ ngác quanh quẩn bên đám đất...
Chiều tối ngày 15/9, tại bãi sạt lở đầy sình lầy vùi lấp thôn Làng Nủ, ông Chiêu Văn Si chộp 1 con mèo và thốt lên “nó đang đói vì mất chủ”.
Nhìn cảnh này, tôi nhớ ra cũng những hình ảnh tương tự ở làng Trà Leng ngày ấy... Xót thương người đã mất lan sang cả những con vật nhỏ bé. Con người rút ra được điều gì ở 2 vụ sạt lở núi cách nhau 4 năm?
Đường vào làng Nủ
Mở bản đồ google và ghim địa chỉ xã Phúc Khánh (tên cũ là Phú Khánh), huyện Bảo Yên, nhìn vệt đường dẫn đi từ miền Trung và hình dung ra, có lẽ đây là nơi chỉ một lần trong đời đặt chân tới và khó quay trở lại.
Từ TP.Lào Cai đi theo quốc lộ 70, men theo những ngọn núi thấp chạy lô xô trùng điệp rừng xanh, qua chặng đường hơn 80km, qua lớp cửa kính là những ngôi làng đang sống chung với vết sạt núi sau siêu bão Yagi. Cảnh giống như thảm cảnh từng xảy ra vào năm 2020 sau siêu bão Molave ở vùng rừng núi Nam Trà My và huyện Phước Sơn.
Vùng rừng núi Quảng Nam giờ đây bạt ngàn những ngọn núi trồng cây keo lai. Còn ở rừng núi vào xã Phúc Khánh là những ngọn núi xanh rì bóng cây quế, cây mỡ, cây bồ đề.
Trồng rừng đã trở thành nguồn thu cho người đồng bào dân tộc Tày. Thỉnh thoảng giữa những cánh rừng này, bà con vẫn để dành diện tích để loại cây bản địa tỏa bóng mát, đó là cây cọ với tán lá như chiếc ô che nắng.
Bóng cây cọ và người con gái dân tộc Tày với chiếc dao thường dắt ngang lưng trong vỏ cây lồ ô, mặc váy xòe, áo màu xanh kín cổ đã đi vào văn chương và sách giáo khoa của học sinh cấp 1. Nhân vật người dân tộc Tày gần gũi nhất là anh Kim Đồng, và ở đây vẫn nổi tiếng gắn với bài hát “Đi học” (sáng tác năm 1959).
Ở nơi xa thẳm này, dấu tích liên quan tới vùng đất miền Trung và phương Nam được ông Hoàng Thường Tín - người từng là thôn trưởng Làng Nủ kể, trước năm 1975, thanh niên cả xã được vận động vào chiến trường miền Nam, và thôn chỉ còn 2-3 người trở về.
Những địa phương Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều là nơi những thanh niên trẻ ngày đó nằm lại, như liệt sĩ Hà Văn Tiến, Hoàng Văn Huynh, 2 anh em ruột Hoàng Văn Sáng, Hoàng Văn Xuất…
Thanh âm ám ảnh
Ông Hoàng Thường Tín chỉ vào chiếc điện thoại bàn gắn trên cột nhà có dán lá bùa trừ tà của người dân tộc Tày và cho biết, “ngày 8/8/2008, núi đã sạt lở 1 lần, làm trôi nhà của bà Dương Thị Chiếm, vì vậy địa phương lắp đường dây nóng. Rồi không ngờ tai họa lại tiếp tục ập đến gây ra tang thương…”.
Đối với người đồng bào vùng cao, họ đều chọn nơi dựng nhà đẹp nhất là bên bờ suối. Ở nóc Ông Đề, xã Trà Leng, khu dân cư nằm ven suối đã bị lũ bùn trên núi ở độ cao khoảng 150 mét tụt xuống, kéo theo rất nhiều cây đổ và đất đá vùi dập ngôi làng. Còn tại thôn Làng Nủ, cuộc sống đầy thơ mộng của các hộ dân nằm ở 2 bên ven con suối đều bị vùi dập sau trận sạt lở núi.
Ở xã Trà Leng, con suối nhỏ chỉ rộng chừng 10-15 mét, nhưng sau cơn lũ quét thì suối nhỏ đã bị phá banh ra giống như một nhánh sông. Ở thôn Làng Nủ cũng vậy, suối đã thành sông và 2 bờ cách nhau hàng trăm mét.
Vùng rừng núi Tây Bắc suốt ngày róc rách âm thanh của suối khe, giống như lời bài hát “hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì, cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi”. Âm thanh của nước song hành với những con người từ lúc sinh ra cho tới khi về với núi. Nhưng giờ đây, khi có cơn mưa lớn, âm thanh réo rắt đó lại trở thành nỗi ám ảnh.
Đêm ngày 15, rạng sáng ngày 16, mưa to và sấm chớp rung chuyển cả núi rừng ở thôn Làng Nủ. Trong đêm đó, nhiều người đã thức trắng, từ thế nằm ngủ là áp tai xuống đất để lắng nghe âm thanh vụn vỡ nào đó bất thần vang lên để bỏ chạy. Mưa ở thôn Làng Nủ trong những ngày qua đã trở thành nỗi ám ảnh như vậy.
Anh Hoàng Văn Vơi chỉ lên các ngọn núi quanh làng đang phủ xanh cây quế và cho biết, “sau siêu bão Yagi và mưa lớn kéo dài, núi nào cũng lở, có nơi vết nứt rộng tới 30cm”.
Những gì xảy ra nơi này khá giống với các huyện miền núi ở Quảng Nam sau siêu bão Molave. Sau siêu bão sẽ có lũ quét, sạt lở núi. Từ đó các cơ quan phòng chống thiên tai có thể lưu tâm và đưa ra cảnh báo sau những trận siêu bão sau này.
Núi nổ
Đi qua các vùng bão lũ, tôi thường hỏi kỹ người đồng bào tại địa phương để tìm ra những dấu hiệu cảnh báo của thiên nhiên trước khi tai họa ập xuống.
Ông Lê Ngọc Hà, 64 tuổi, người dân tộc Ca Dong ở đầu xã Trà Leng cho biết, “trước khi xảy ra vụ sạt lở thì ở vùng núi này xuất hiện những dấu hiệu lạ, đó là trên núi tự nhiên xuất hiện vài con suối nhỏ, dòng nước như thác đổ tự dưng kéo đất đá đổ ào xuống sát nhà rồi chảy về sông Tranh, đi dọc núi có thể thấy có vài con suối nhỏ như vậy”.
Ông Hà còn cho biết thêm, “bình thường, nước chảy qua con suối Vả dẫn vào thôn 1, xã Trà Leng có màu trong vắt, nhưng khi núi sắp sạt lở thì nước pha màu đất đỏ như bùn đất. Khi vụ sạt lở đất xảy ra thì có tiếng nổ bục, bục như núi đang vỡ ra”.
Còn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, ông Hoàng Thường Tín miêu tả, “sáng sớm ra đồng thì nhiều người nói có máy bay, chắc cái máy bay này bị cũ nên mới nổ có tiếng lạ như vậy, sau đó chục phút thì nghe tin dữ”.
Chị Hà Thị Yêu, người có nhà sống ở gần con suối và nhiều người già khi được hỏi thì cho biết, “không thấy bất cứ hiện tượng gì bất thường có thể chỉ dấu là sẽ có sạt lở từ núi Con Voi, cho đến khi núi phát ra tiếng nổ thì bùn như sóng thần ập xuống ngôi làng, sự việc nhanh quá, chỉ chừng 5 phút nên ít người có nhà ở 2 bên suối chạy thoát”.
Vệt sạt lở từ trên đỉnh núi Con Voi chìm trong mây trắng, độ cao 1.700 mét trượt xuống thôn Làng Nủ. Vì điểm sạt lở quá xa, cách vài cây số, vì vậy những người đồng bào dân tộc Tày dù bao đời sống với núi rừng, nhưng vẫn không thể nhận ra được thiên nhiên đang ẩn giấu một tai họa và sắp giáng xuống.
Buổi chiều tối ngày 15/9 ông Chiêu Văn Si (có 14 người thân chết) cố trèo lên bụi cây cạnh ngôi nhà bị bùn lấp để bắt cho bằng được con mèo. Ông tỏ vẻ thương xót và mang về nuôi.
Tôi chợt nhớ cũng vào buổi chiều tối cách đây 4 năm tại bãi sạt lở ở xã Trà Leng, mặc cho máy xúc ầm ĩ và hàng trăm người lính đang đào xới, bầy gà của gia đình ông Lê Hoàng Việt, Bí thư Đảng ủy xã vẫn không chịu rời nóc chuồng và cứ đứng đó giữa cơn mưa đổ. Không ai nỡ bắt bầy gà mất chủ, mấy người lính nói “tội nó quá, mang gạo ra vì bầy gà đang đói”.
Ngày 24/9, gần 400 bộ đội thuộc Quân khu 2 gồm Sư đoàn 316 và lực lượng bộ đội biên phòng, chó nghiệp vụ đã rút khỏi Làng Nủ sau 14 ngày tìm kiếm. Người dân đề nghị lực lượng địa phương tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân thêm 5 ngày. Hiện tại, số người chết sau vụ lũ quét Làng Nủ được xác định là 56 người. Số người chưa xác định, mất tích còn 11 người. Số người an toàn đến thời điểm hiện tại là 87 người.