Cuộc sống thường ngày

Văn minh bắt đầu từ cử chỉ

DIỆP TRẦN 28/09/2024 09:40

Một sợi tóc vương trên sàn đã trở thành cái cớ để nữ học viên căng thẳng chỉ trích người lao công không hoàn thành nhiệm vụ.

54.jpg
Ảnh minh họa.

Câu chuyện thật như đùa này là nỗi niềm tâm sự tôi được nghe từ một chị lao công đã làm việc suốt mấy chục năm ở một trung tâm chuyên đào tạo cán bộ cho thành phố.

Hôm ấy, sau khi dọn dẹp bên trong lớp học, chị tất tả ra phía ngoài quét dọn dọc hành lang. Đang làm, chợt chị nghe tiếng một nữ học viên hét rất to trong lớp. Chạy vào, chị mới hay cô ấy hét lên là vì phát hiện… một sợi tóc cuốn vào dây điện trên sàn nhà.

Cô học viên phản ứng rất gay gắt, gọi người phụ trách lớp học tới, quy kết trách nhiệm ngay lập tức cho người lao công, nói rằng chị đã cẩu thả, dọn không sạch. “Lúc ấy tôi đã nghẹn lời vì không biết nói sao nữa. Cho tới bữa trưa cũng không ăn cơm nổi vì cứ nghĩ đến chuyện đó là cổ họng lại nghẹn ứ”, chị kể mà ánh mắt thật buồn, gương mặt vẫn đang lấm tấm mồ hôi của buổi dọn dẹp vừa tạm ngưng trước đó.

Rõ ràng với chị ấy, và cả với tôi, câu chuyện không chỉ là vấn đề “cỏn con” của một sợi tóc còn vô tình kẹt lại sau những nhát chổi của người lao công. Nó khiến tôi nghĩ về cách mà không ít người đang nhìn nhận và đối xử với những người đang làm các công việc mà họ coi là “lao động chân tay”, là “thấp kém”.

Thái độ của nữ học viên kia, và có lẽ của không ít người khác, xuất phát từ tâm lý phổ biến (dù họ không bao giờ nói ra) - coi mình ở vị trí “bề trên”, có quyền hạch sách và đòi hỏi ở những người mà họ mặc định là có trách nhiệm phải “phục vụ” họ.

Có lẽ, khi chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mình “xứng đáng” hơn, trách nhiệm của người khác dường như trở thành điều hiển nhiên. Vì sao những hành vi như vậy lại xảy ra tại một cơ sở đào tạo dành cho những người trưởng thành?

Suốt cả buổi nói chuyện, chị lao công chưa một lần thở than về khối lượng công việc nặng nhọc, luôn tay luôn chân mỗi ngày. Cả khuôn viên với 4-5 dãy tầng phòng học, chỉ có hai người phụ nữ đảm đương công việc dọn dẹp và tạp vụ từ sáng tới tối.

Thay vì tập trung vào những lỗi nhỏ của người khác, có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ những hành động có trách nhiệm của chính mình. Một xã hội văn minh không chỉ dựa vào những điều lớn lao, mà còn được xây dựng từ những cử chỉ nhỏ như tự dọn dẹp sau khi sử dụng đồ dùng hay không gian công cộng, biết nhường nhịn người khác, hay chỉ đơn giản là không phán xét một cách vô cớ, không tự cho mình bất cứ đặc quyền nào để đòi hỏi người khác phải phục vụ.

DIỆP TRẦN