Chung tay phá vỡ rào cản - phòng chống bệnh dại
(QNO) - Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại lần thứ 18 (28/9) do Tổ chức Y tế thế giới phát động năm nay, chủ đề "Chung tay phá vỡ rào cản - phòng chống bệnh dại" lại được đặt ra, với kỳ vọng sẽ kêu gọi sự tham gia tích cực của mọi người dân trong phòng, chống bệnh dại.
Hiện tại, bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 của Chính phủ quy định phải tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025.
Gia tăng bệnh dại
Tại Quảng Nam, tính đến cuối mùa hè năm 2024, toàn tỉnh có 805 người bị chó, mèo cắn đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị dự phòng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, năm 2023, Quảng Nam xảy ra 5 ổ dịch dại trên động vật.
Ở phạm vi cả nước, từ năm 2022 đến nay ghi nhận sự gia tăng bất thường các trường hợp mắc bệnh dại. Nếu năm 2021, cả nước ghi nhận 66 trường hợp tử vong, năm 2022 là 70 trường hợp, năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong thì chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2024 đã có 65 trường hợp tử vong, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại, theo Bộ Y tế, do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương hiện rất lỏng lẻo; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên động vật hiện rất thấp.
Tình trạng nuôi chó thả rông hiện đang rất phổ biến ở nhiều gia đình. Chị Le Sol - một người đang sống tại Hội An cho biết, hồi tháng 6 vừa qua, chị và con gái có một phen hoảng hốt. Khi ngang qua đoạn đường trong khu dân cư, hai mẹ con chị và một người đi đường khác bị chó becgie nuôi trong gia đình chạy theo và tấn công. Rất may, hai mẹ con chị chỉ trầy xước nhưng người còn lại thì bị chó cắn. Sau khi trình báo chính quyền địa phương, may mắn khi chú chó này được gia đình cho đi tiêm vắc xin phòng dại định kỳ.
Thông tin từ Sở NN&PTNT Quảng Nam, tổng đàn chó toàn tỉnh có khoảng 141.000 con với gần 90 nghìn hộ nuôi. Tuy nhiên, đa số người dân nuôi chó theo hình thức thả rông, không đăng ký với chính quyền địa phương. Nếu có yêu cầu cam kết thì lại có trường hợp người dân không thực hiện việc khai báo số chó nuôi theo đúng thực tế ở từng thời điểm. Thêm một khó khăn khác khi phần lớn các hộ dân không nuôi nhốt, xích chó, rọ mõm chó theo quy định.
Xây dựng "vùng an toàn bệnh dại"
Hướng tới xây dựng "vùng an toàn bệnh dại" là điều nhiều địa phương đang nỗ lực. Tại Quảng Nam, giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại được trao cho phường Minh An (Hội An) hồi tháng 1/2024. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh được trao chứng nhận này.
Tháng 4 năm nay, trước tình trạng số ca mắc bệnh dại tăng cao, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn cũng như tử vong do bệnh dại.
Quảng Nam cũng đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 và yêu cầu các địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại để bảo đảm đạt tỷ lệ phòng bệnh theo quy định, nhằm đáp ứng miễn dịch bảo hộ cho đàn chó, mèo ở địa phương. Để tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để phòng bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt 5 biện pháp: tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hằng năm; không thả rông chó, mèo, nếu đưa chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở cần xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút càng sớm càng tốt dưới vòi nước chảy với xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 700 hoặc cồn i-ốt. Ngoài ra không làm dập nát thêm vết thương, tránh khâu kín ngay vết thương; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại.