Ba người đi ngược thời gian
Tiểu thuyết “Ba người đi ngược” gồm 12 chương, kể về 3 người lính: Nguyễn Chiến, Lê Trường và Hồ Ka. Đây là tác phẩm thứ ba của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ viết về đội quân tình nguyện Việt Nam tại vùng Đông Bắc Campuchia.
Nói như nhà văn Đoàn Tuấn: “Họ đi ngược sang chiến trường K? Không phải. Đi ngược về quá khứ? Cũng không! Vậy họ đi đâu? Xin thưa: Họ đi ngược lại chính bản thân mình”.
Ban đầu, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ nói, anh định đặt tên cho tác phẩm của mình là “Ba người đi ngược thời gian”. Nhưng sau khi Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành, tập sách được mang tên “Ba người đi ngược”.
Khi hai tác phẩm “Dưới tán rừng thốt nốt” và “Chinh chiến nơi miền đất lạ” gây tiếng vang, được dư luận đánh giá cao, Nguyễn Tam Mỹ lại bắt đầu để “Ba người đi ngược” ra đời.
Ký ức về những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế ở mặt trận Đông Bắc Campuchia (Mặt trận 579) vẫn in sâu trong tâm trí những người lính Việt Nam.
Dẫu thời gian đã trôi hơn 45 năm kể từ ngày Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và 35 năm họ hoàn thành nhiệm vụ trở về nước. Không chỉ là ký ức về cuộc chiến chống lại sự tàn bạo của Pol Pot - Iêng Xary, tiểu thuyết mang đến một quá khứ hào hùng của đội quân tình nguyện giúp nước bạn hồi sinh sau khi thoát họa diệt chủng.
Sự đau khổ đến tột cùng của người dân Campuchia đã được giải thoát bằng tình cảm, nhiệt huyết và tấm lòng cao cả của quân tình nguyện Việt Nam.
Trong tập tiểu thuyết này, những gương mặt chiến tranh hiện lên với đầy đủ đau thương, bi tráng, khốc liệt và cả những dồn nén, ước vọng. Tình đồng chí, đồng hương, chia sẻ ngọt bùi: “Súng đạn quàng vai/chúng tôi hiểu ngày mai nước là tất cả/Nước cho chung và nước cũng cho riêng/giữa khói súng, giữa mùa khô nắng lửa/những khuôn mặt sạm đen lem luốc/Bỗng rạng ngời những ngụm nước sẻ chia” (Trầm Lợi Mến).
Điều đặc biệt, ở tiểu thuyết này, những cựu chiến binh nắm chặt tay đồng đội cùng đi qua bao thử thách của cuộc sống đời thường. Mỗi người, mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh nhưng khi đồng đội cần, họ gác lại bộn bề riêng, sẵn sàng đến bên nhau, giúp đỡ chí tình, trong sáng. Hành trình vươn lên trong gian khó của họ luôn có sự chia sẻ, đồng hành của đồng đội, cộng đồng.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ qua mắt nhìn của bạn văn, “tóc đen, râu trắng, để dài nom như ông cụ, nhưng thực ra anh vừa mới qua ngưỡng lục thập chưa lâu. Nhập ngũ 1980 và “xuất ngoại” sang chiến trường Đông Bắc Campuchia, trụ bám 5 năm trời lăn lộn chiến đấu, nếm trải đủ mùi gian nan…”.
Đó là quãng thời gian để những sáng tác về người lính tình nguyện Việt Nam trong trang văn Nguyễn Tam Mỹ luôn mang đến những cảm xúc thật.
Nguyễn Tam Mỹ tâm sự: “Viết xong Ba người đi ngược thời gian mình cảm thấy nhẹ lòng với anh em đồng đội đã nằm xuống ở nơi ấy, khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi...