Người Quảng Nam

Chuyện người Quảng Nam làm quan thượng thư đầu tiên trong triều Nguyễn

AN TRƯỜNG 29/09/2024 10:00

Thượng thư Bộ Công Trần Văn Thái - người được vua Gia Long giao trọng trách chế tạo các loại chiến thuyền, thuyền đi biển và trông coi thủy binh, với chức Thượng thư Bộ Công kiêm Thống quản thủy quân. Ông là một trong sáu vị thượng thư đầu tiên của triều Nguyễn…

lam.jpg
Khuôn viên mộ phần Thượng thư Trần Văn Thái tại xã Tam Tiến hiện nay.

Tại thôn Lộc Ngọc (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hiện vẫn còn tồn tại ngôi mộ cổ có niên đại hơn 200 năm, được xây bằng chất liệu đá xanh, gạch thẻ tô vôi sò kết hợp các chất kết dính. Đó là ngôi mộ của Thượng thư Bộ Công Trần Văn Thái.

Người giữ nhiều trọng trách

Trần Văn Thái sinh quán tại xã Ngọc Giáp, tổng Phú Quý Hạ, phủ Thăng Hoa, huyện Hà Đông (nay thuộc thôn Lộc Ngọc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành). Không rõ năm sinh, chỉ biết ông mất vào năm Gia Long thứ 9 (1810).

Trước khi theo về với Nguyễn Ánh, Trần Văn Thái đã từng tham gia phong trào Tây Sơn và giữ chức Cai bạ kiêm Công bộ của thủy quân Tây Sơn.

Năm 1793, sau khi củng cố lực lượng, từ Gia Định, Nguyễn Ánh đem quân thủy bộ ra đánh thành Quy Nhơn, trong đó trận đánh của thủy quân vào đầm Thị Nại thu được thắng lợi đáng kể. Nhiều tướng lĩnh thuộc quân Tây Sơn ra hàng và gia nhập lực lượng Nguyễn Ánh, trong đó có cai bạ kiêm Công bộ Trần Văn Thái…

Từ năm 1796, nhận thấy ưu thế rõ rệt trong các trận tấn công từ Gia Định ra đánh phá quân Tây Sơn theo gió mùa với lực lượng thủy quân, Nguyễn Ánh tiếp tục tăng cường lực lượng này. Chính lúc đó, Nguyễn Ánh cho tăng thành năm dinh (doanh) thủy quân (trước đó thủy quân chỉ có ba dinh), Trần Văn Thái được thăng chức Công bộ và quản lý công việc sửa chữa, đóng thuyền ghe cho năm dinh thủy quân.

Năm 1799, trước khi đem đại quân trở ra tấn công thành Quy Nhơn lần thứ hai, Nguyễn Ánh đã giao cho Công bộ Trần Văn Thái đốc thúc đóng chiến thuyền. Sau đó ông tham gia trực tiếp vào các sự kiện đặc biệt trong và sau khi quân Nguyễn Ánh hạ được thành Quy Nhơn.
Công việc cụ thể của Trần Văn Thái được giao cùng với các tướng lính khác là ổn định tình hình sau khi chiếm được Quy Nhơn, kén chọn phủ binh tại chỗ để bổ sung lực lượng và cai quản các đội Mộc đĩnh, Thuyền ban và Triều hạ vào năm Canh Thân (1800).

Năm 1802, sau khi đánh bại hoàn toàn lực lượng triều Tây Sơn - Quang Toản, lấy xong Bắc Hà, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long. Lúc này, Trần Văn Thái đã có nhiều đóng góp, lập được nhiều chiến công nên được vua Gia Long tin dùng.

Ông được giao kiêm quản cả ban tào vận và cai quản công việc Trường Đà – một hệ thống thuyền công sai có từ thời các chúa Nguyễn, chuyên trách việc vận tải duyên hải và tham gia khai chiếm, khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, ông còn được giao trọng trách đóng các loại thuyền đi biển, thuyền đầu cong, thuyền ván sam để phục vụ chuyên chở và tuần tra bảo vệ biển đảo.

Còn mãi với sơn hà

Vào năm Gia Long thứ hai (1803), Nguyễn Ánh tuần du ra Bắc Hà (tại Thăng Long) để nhận tuyên phong của triều đình nhà Thanh. Trần Văn Thái cùng các tướng lĩnh là Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Khiêm được nhà vua giao nhiệm vụ lưu giữ kinh thành Huế.

z5865242783569_87c9d34ba10312348a88f62fcc051182.jpg
Một số trang gia phả tộc Trần Tam Tiến viết về hành trạng của ông Trần Văn Thái.

Năm Gia Long thứ 8 (1809), triều Nguyễn sau khi củng cố hệ thống chính quyền, bắt đầu đặt chức Thượng thư cho các bộ (lục bộ). Trần Văn Thái được vua Gia Long thăng chức Thượng thư Bộ Công kiêm Thống quản thủy quân. Ông trở thành một trong sáu vị Thượng thư đầu tiên của triều Nguyễn.

Từ khi theo về với Nguyễn Ánh đến khi triều Nguyễn được khôi phục, Trần Văn Thái luôn được giao những trọng trách liên quan đến công việc xây dựng lực lượng thủy quân và cai quản toàn bộ việc đóng thuyền chiến hoặc vận tải. Sách “Đại Nam liệt truyện”, chép về Trần Văn Thái có ghi “Thái là người có tài khéo, phàm chỉ bảo cách thức đóng các thuyền đều do ở tay Thái cả”.

Tuy nhiên, ông lãnh chức Thượng thư Bộ Công chỉ một năm thì qua đời (năm 1810). Theo sắc phong đề ngày 13 tháng 3 năm Gia Long thứ chín (1810), ngay sau khi ông mất, triều đình ban tặng tước đầy đủ là: “Sùng Tiến tuyên lộc Đại phu, Trụ quốc tham chánh Quý đức hầu”.

Sắc phong ghi rõ: “… Trần Văn Thái trước đây là người khuê bích vang danh, tánh tình đoan chánh, tuổi cao đức lớn tài nghệ tinh thông, đã có công lao lo liệu quân cơ trong Bộ vụ hơn 10 năm qua, chuyên tâm hết lòng phụng sự, thật đáng gia tặng Sùng Tiến Tuyên lộc Đại phu, Trụ quốc Tham chánh Quý Đức hầu. Lưu truyền bất hủ vinh danh người rạng ngời chánh khí, tinh linh mãi với sơn hà, được hưởng sâu dày ân trạch…”.

Tương truyền khi ông mất, triều đình tổ chức đưa thi hài ông từ kinh đô Huế về Quảng Nam bằng đoàn thuyền hộ tống hùng hậu. Khi đoàn thuyền đến cửa biển An Hòa (nay thuộc xã Tam Hải, huyện Núi Thành), để đưa linh cữu từ bờ sông Trường Giang vào động cát an táng, triều đình đã huy động sức dân đào con kênh thẳng từ bờ sông, dài gần 500m. Dấu vết của kênh đào vẫn còn trên cánh đồng thôn Lộc Ngọc hiện nay…

*
* *

Tính đến nay, Thượng thư Bộ Công Trần Văn Thái đã qua đời trên 210 năm. Mộ ông chắc chắn được xây dựng ngay sau khi ông mất. Mặc dù bia mộ có bị bào mòn vì thời gian, nhưng khuôn viên mộ gần như còn nguyên vẹn. Có thể coi đây là một trong những mộ cổ thời nhà Nguyễn vào loại lớn nhất còn tồn tại trên địa bàn Quảng Nam.

Hiện nay, tộc Trần xã Tam Tiến còn lưu giữ gia phả viết bằng chữ Hán – Nôm và 2 sắc phong thời nhà Nguyễn ban cho Thượng thư Bộ Công Trần Văn Thái.

AN TRƯỜNG