Những điệu lý hình thành từ tuồng và ca kịch bài chòi
Có một điều thú vị, bên cạnh điệu lý dân gian ít ỏi hiện diện khắp ba miền như “Lý ngựa ô”, “Lý con sáo”... thì ít ai biết một số điệu lý vùng Nam Trung Bộ ra đời từ những vở diễn dân ca kịch bài chòi hoặc tuồng…
Sự sáng tạo trong các vở diễn
Nhạc sĩ Trần Hồng cùng một số tác giả, nghệ sĩ tuồng và dân ca kịch bài chòi thuộc vùng Nam Trung Bộ nhiều năm qua đã ghi chép cẩn thận các điệu lý nằm trong nội dung các vở diễn tuồng hoặc dân ca kịch bài chòi.
Chẳng hạn điệu “Lý thương nhau” được hình thành từ vở dân ca kịch bài chòi “Thoại Khanh - Châu Tuấn” của tác giả Nguyễn Tường Nhẫn, được nghệ sĩ Văn Phước Khôi hát và nhạc sĩ Trần Hồng ghi âm.
Trong đó, có hai cặp lục bát đượm vẻ buồn thương đau xót trong lớp diễn tiễn đưa đẫm nước mắt giữa Thoại Khanh và Châu Tuấn: “Thương nhau trường đoạn đoạn trường/ Lựu luy lưu lụy dạ dường kim châm/ Kim châm vô dạ thì đau/ Xa nhau ngàn dặm, nhớ nhau ngày ngày”.
Có điệu lý khá đặc trưng của xứ Quảng như “Lý tang tít” qua lời ru của nghệ sĩ tuồng Ngô Thị Liễu đóng vai chị Ngộ vào đồn làm vú nuôi cho me Tây nhằm thực hiện nhiệm vụ binh vận.
Chị hát lên khi bồng con trẻ đi quanh bót gác quan sát và ứng khẩu sáng tạo ra điệu hát này để ru con. Do đó còn gọi là “Hát ru” hay “Lý tang tít” xuất thân từ vở tuồng “Chị Ngộ” của tác giả Nguyễn Lai.
Làn điệu này do nghệ sĩ tuồng Ngô Thị Liễu hát và nhạc sĩ Trần Hồng ký âm: “Ru hỡi ru hỡi... hỡi là ru/ lắng mà nghe qua ru mà qua hát dạo quanh vòng dạo quanh vòng bót gác mà xem chơi/ tàng tít tang non nang tít tàng tàng/ tàng tít tang non nang tít tàng tang tít/ ba lít tít tang non nang tít tàng tang”.
Cũng xuất thân từ vở tuồng “Chị Ngộ”, điệu “Lý Đồng Nai” được ra đời. Trong vở tuồng này có cảnh hai diễn viên đóng cặp hai quân canh, thường ngày canh gác nhà quan hoặc cùng đi canh cửa ải, người ở Đàng Trong, người gốc Đàng Ngoài, khi chuyện trò hỏi thăm nhau về quê quán mới thấy họ có cách chơi chữ rất thông minh. Đó là kiểu đảo chữ, nói lái... được sử dụng không ít trong thơ ca dân gian.
Điệu lý này do nghệ sĩ Văn Phước Khôi hát và nhạc sĩ Trần Hồng ghi âm: “Gạo Đàng Ngoài bảy tiền một chén/ Gạo Đàng Trong bảy chén một tiền/ Anh không tin, anh về trong Đồng Nai mà anh ngó coi/ Có quân tập trận, có chòi bắn bia”.
Tương tự, điệu “Lý đi chợ” được các cô gái đóng vai trong vở diễn “Hải Đường Thạch Trúc” đã sáng tạo, thể hiện cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân xứ Quảng nơi bến sông cửa biển.
Điệu lý này do nghệ sĩ tuồng Ngô Thị Liễu hát và nhạc sĩ Trần Hồng ký âm: “Rủ nhau đi chợ sông Hàn/ Trước thời bán vặt sau thời mua ăn/ Thuận trời cả gánh đầy đường/ Tôm cua bí mướp bạn hàng thiếu chi/ Xung xăng kẻ lại người qua/ Mua may bán đắt vui đà nên vui”.
Triết lý trong từng điệu lý
Tương tự có điệu “Lý bán quán” được ra đời từ vở tuồng “Ngũ hổ” của tác giả Nguyễn Diêu. Trong vở diễn có chi tiết mô tả một quán nhỏ bán đủ thứ, song với trí tưởng tượng phong phú, bác Sơn đóng vai chủ quán từ nông thôn ra thị trấn Vĩnh Điện để ý thấy những hàng hóa bán trong các quán nhỏ, rồi ông chỉnh sửa làn điệu để hát lên bài “Lý bán quán”. Trong đó, đoạn kết nhằm trách móc thói hư tật xấu của kẻ ngang tàng ăn quỵt.
Điệu lý này được nghệ sĩ Văn Phước Khôi hát và nhạc sĩ Trần Hồng ghi âm: “Thân tôi bán quán giữa đường/ Kẻ đi qua, người đi lại/ Nào đàn ông, đàn bà/ Bà già, con nít/ Kẻ đi lính, người đi tráng/ Kẻ đi buôn, người đi bán/ Ai nấy cũng đều thường vô ra/ Quán tôi bán thì đủ hết/ Nào là thịt heo, thịt chó, thịt gà/ Cơm, canh, trà, rượu/ Nào bánh khô, bánh nổ/ Bánh tổ, bánh mật, bánh đường/ Trà lam, khô khảo/ Khoai lang, đậu phụng/ Trầu cau, thuốc, giấy…/ Gẫm đà thiếu chi/ Chú ăn rồi chú bỏ chú đi/ Đòi tiền chú không trả/ Tui đòi níu, đòi kéo/ Chú lại nói léo, nói lá/ Chú đòi đập, đòi đá/ Đòi phá quán tui đi/ Nghĩ chú đà ngang chưa?”.
Đối với điệu “Lý thượng” chỉ từ nội dung đơn giản của tác giả Đào Tấn trong vở tuồng “Hộ sanh đàn” mà các nữ diễn viên tuồng đóng vai các thiếu nữ người dân tộc đã tưởng tượng hình dung ra câu hát hình thành bài “Lý thượng” (còn gọi là “Lý Thiên Thai”).
Điệu lý này được nghệ sĩ Lệ Thi hát và nhạc sĩ Trần Hồng ghi âm: “Xem lên hòn núi Thiên Thai/ Thấy đôi chiền chiện ăn xoài chín cây/ Muốn đi cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi”.
Cứ thế, lần lượt các điệu lý mới xuất hiện phù hợp với bối cảnh vở diễn. Trong thời kỳ này các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Lê Cường, Trần Hồng đã có công sưu tầm, thu âm và ký âm thành gần một trăm làn điệu bài bản được in ấn, phát hành rộng rãi trong giới chuyên nghiệp lẫn không chuyên.
Những điệu lý bước ra từ các vở diễn sân khấu tuồng và ca kịch bài chòi, cho đến ngày nay vẫn ngân vang song hành cùng các điệu lý bắt nguồn từ trong dân gian.