Cuộc sống thường ngày

Da diết một chỗ ngồi

HỨA XUYÊN HUỲNH 29/09/2024 11:00

Đôi khi chỗ ngồi ở góc phố nào đó trở nên quá đỗi thân quen vì hợp sở thích, hợp khẩu vị cho bữa điểm tâm sáng, cho lần thư giãn chiều. Để rồi, theo thời gian, chỗ ngồi ấy lặn sâu vào ký ức và gây nhớ…

2(1).jpg
Bên gánh chè phố Hội.Ảnh: H.X.H

1. “Nếu có dịp ghé Hội An chơi, tôi sẽ mời anh ly cà phê bà Thảo cạnh Chùa Cầu”, một đồng nghiệp quê ở phường Sơn Phong rủ rê. Là mời cho tỏ lòng hiếu khách thế thôi, chứ người con phố Hội ấy đã rời phố nhiều năm. Đúng hơn, mời để “thỏa” cơn nhớ.

Chỗ ngồi ấy là góc đường nơi suối Lồ Ồ vừa chảy qua Chùa Cầu để ra gặp nước sông Hoài. Quán mở từ mấy chục năm trước. Cứ quãng 5 giờ sáng, chủ quán bày biện bàn ghế. Bán vài giờ đồng hồ buổi sáng rồi dừng. Đơn sơ và bình dị thế thôi, vậy mà ly cà phê bình dân ấy lại “chiếm” lấy một chỗ trong ký ức nhiều người.

Nhiều cư dân phố cổ Hội An kể ro ro những quán điểm tâm sáng, khi tôi dò hỏi. Có lẽ họ thuộc nằm lòng những quán quen ngoài phố hay cả trong kiệt hẻm. “Muốn ăn phở thì có “dòng” phở Tùng ở hẻm đường Lê Lợi. Rồi phở Mai, phở Liến, cơm gà Bà Bụi. Tôi cũng hay ghé cao lầu bà Liên”, một người bạn quả quyết.

Xem lại sơ đồ bán hàng vỉa hè phố cổ trước năm 1975 theo tư liệu hồi cố mà UBND TP.Hội An từng công bố, có đến 17 vị trí nhưng tôi không tìm thấy một chỗ nào cho cà phê.

Mà 17 chỗ ngồi ấy, tính kỹ cũng chỉ có 9 món. Trong 9 món ấy, hết 8 món thức ăn (chè, lục tàu xá, bún bò giò heo, cà ri, cao lầu, phở, mỳ Quảng, hoành thánh). “Phở ông Liến” vừa nhắc được đánh số 13. Chỉ có 1 thức uống: nước chè bà Lại ở đường Nguyễn Thái Học.

Nếu phố Hội mở thêm cuộc khảo sát qua tư liệu hồi cố những quán vỉa hè sau năm 1975, như đã từng làm với các loại hàng bán vỉa hè trước năm 1975, tôi tin sẽ có chỗ dành cho quán cà phê bà Thảo.

2. Quãng 10 năm trước, theo lời hẹn của một người quen ở Tam Kỳ, tôi dong xe tới quán “bún một gánh” ở phường Hòa Hương để điểm tâm sáng. Lúc đó đồng hồ chỉ 6 giờ 10 phút sáng, vừa kịp lúc gánh bún kìn kìn bốc khói từ con hẻm quẹo ra. Tôi đếm được hơn 15 người đã kéo ghế chờ từ trước.

Trong sổ ghi chép của tôi, chủ quán tên Sĩ, người vợ tên Thủy. Mỗi sáng, tầm 5 giờ, hai người con đã lục tục ra “rải” ghế, đặt các ấm nước, ống đũa… lên bàn. Người vợ chạy xe máy ra sau, người chồng thì gánh bún ra sau rốt.

Khách đến, trong lúc ngồi chờ thì tiện tay nhón lấy trái ớt ra giằm, dầm nước mắm, tự so đũa… Tôi nghe những người ngồi bàn bên cạnh rỉ rả chuyện trò. “Nè, rứa là sáng ni cụ Huyễn vắng rồi nghe. Không biết có chuyện chi?”. Rồi chuyện bóng đá tối qua, chuyện phường chuyện tổ…

1.jpg
Về ngồi bên một quãng sông Hoài. ẢNH: H.X.H

Quán “bún một gánh” ấy thuê mặt bằng vắt qua hiên của 2 ngôi nhà trên đường Duy Tân. Khách ngồi chờ mỗi sáng vì họ khen tô bún hợp khẩu vị, không “nghe” mùi mỡ. Thân quen đến nỗi chủ hiểu sở thích từng người, ai thích ăn thịt mông, thịt nạc, thịt đầu…

Có người ăn quen, nhà ở tít ngoài ngã ba Kỳ Lý cũng dong xe vào. Một thực khách thử thống kê có đến 70% là người quen, còn lại là vãng lai và gần như ai cũng có chỗ ngồi riêng. Có vị khách tủm tỉm kể về một “bạn ăn bún” của mình: “Đố ai giành được cái ghế của ổng!”.

Sau 10 năm, quán vẫn đang thuê mặt bằng của một cán bộ về hưu. Một nhà giáo về hưu ở phường Hòa Hương bảo ông vẫn thường ăn ở đó, quán vẫn như thế hàng chục năm nay, vẫn đều đặn trưng bảng “còn bún” hoặc “hết bún”. Nay, buổi trưa có thêm suất bán của con dâu.

3. Xem qua “lý lịch di sản” của mỳ Quảng, thấy điểm danh cụ thể 4 quán mỳ. Mỳ Quảng Bà Dậu ở phường Trường Xuân (Tam Kỳ), mỳ Quảng Bích ở phường Thanh Hà (Hội An), mỳ Quảng gà của bà Ngô Thị Tú ở La Tháp, xã Duy Châu (Duy Xuyên), mỳ cua lột Cây Trâm của bà Phạm Thị Hạnh ở xã Tam Anh Nam (Núi Thành). Thêm một “quán tập thể” nữa: mỳ tôm thịt của các nghệ nhân làng Phú Chiêm, phường Điện Phương (Điện Bàn).

Ấy là những quán đặc trưng để “minh họa” cho quy trình chế biến nhưn mỳ, một đề mục ghi trong lý lịch di sản mỳ Quảng. Chứ làm sao kể cho hết những quán mỳ Quảng đã và đang bày biện chỗ ngồi cho người Quảng.

Cũng vì thế mà mỳ Quảng mới sớm lên hàng di sản phi vật thể, sớm bước vào hàng tri thức dân gian. Nhưng xung quanh ta vẫn còn đó những món hợp khẩu vị khác, ở đâu đó, đơn cử như “bún một gánh” Hòa Hương.

Tưởng cũng nên nhắc thêm món cơm hến. Rành cơm hến Huế phải kể ngay đến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có lần ông liệt kê 10 loại gia vị để có được một tô cơm hến lý tưởng. Nhưng lần khác, ông nâng lên 14 vị có trong một gánh cơm hến.

Lần ấy, chiều mưa tháng 11, ông vừa từ nước ngoài về. Sau suốt 2 tuần dự hội nghị ăn toàn thịt, bơ, phó mát…, ngán đến độ thất kinh, tình cờ nghe tiếng rao cơm hến. Rồi gọi vào, rồi ngồi ăn, rồi đếm gia vị, rồi thắc mắc chuyện giá bán quá thấp nếu so với công sức. Rồi nhận ra có thêm vị thứ 15 nữa: lửa.

Trên gánh cơm hến Huế của người phụ nữ vận áo dài màu đen hôm ấy, nhà văn thấy có một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông và bền bỉ theo bước chân người… Những chiếc ghế ở quán bún vỉa hè Tam Kỳ, ở quán cà phê góc đường Hội An hay đâu đó dọc các quán mỳ Quảng cũng vậy, thân thuộc và da diết.

HỨA XUYÊN HUỲNH