Giao thông - Xây dựng

Gỡ mặt bằng thi công cầu vượt đường sắt trên quốc lộ 14E: Cần người dân đồng thuận

CÔNG TÚ 30/09/2024 08:19

(QNO) - Để tìm sự đồng thuận của người dân, ngày 28/9, UBND huyện Thăng Bình và Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) tiếp tục tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân liên quan đến giải phóng mặt bằng thi công cầu vượt đường sắt trên quốc lộ 14E, đoạn qua xã Bình Quý.

1-1-.jpg
Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - ông Võ Văn Hùng khẳng định tầm quan trọng của cầu vượt đường sắt. Ảnh: C.T

Lắng nghe người dân

Theo báo cáo của UBND huyện Thăng Bình, đoạn thi công cầu vượt đường sắt tại xã Bình Quý thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E có 59 hộ dân bị ảnh hưởng (63 thửa), diện tích thu hồi là 4.734,4m2. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn đầu cầu 399,12m, thiết kế đường gom hai bên tường chắn, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.

2(1).jpg
Người dân nêu ý kiến cần xác định lại nguồn gốc đất của gia đình. Ảnh: C.T

Về giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay có 45 hộ (48 thửa) đã phê duyệt được 3 phương án bồi thường nằm trong vạch GPMB, tổng số tiền hơn 10,5 tỷ đồng. Trong đó, có 7 hộ (9 thửa) đã thống nhất nhận tiền, còn lại 38 hộ (39 thửa) chưa đồng tình với lý do giá bồi thường thấp. Đồng thời hộ dân còn có ý kiến về việc mở cầu vượt sẽ làm hạn chế điều kiện sinh hoạt, buôn bán của gia đình.

6(1).jpg
Khu dân cư tổ 3, 4 thôn Quý Thạnh 1 (xã Bình Quý) là địa điểm tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng cầu vượt đường sắt. Ảnh: C.T

Tại buổi đối thoại, hộ bà Huỳnh Xuân Hiền cho biết có tổng diện tích đất hơn 400m2, bị thu hồi hơn 200m2. Hộ bà đông con nên ảnh hưởng đến con cái làm nhà sau này. Bà mong muốn diện tích đó bổ sung nguồn đất khác để con cái làm nhà.

Hộ ông Phan Văn Thông cho rằng, mức bồi thường thấp nên ông chưa đồng tình và không ký nhận tiền. Ngôi nhà dài khoảng 30m, bị trúng 6,5m nên giờ gần như phải đập gần hết để xây mới. “Tuy nhiên, bồi thường cho gia đình tôi chỉ khoảng 250 triệu đồng, giá thấp chưa đủ bọc móng. Vì vậy, địa phương cần điều chỉnh giá cả và đặt mình vào vị trí của người dân để thấu hiểu” - ông Thông nói.

[VIDEO] - Vị trí xây dựng cầu vượt đường sắt:

Hộ ông Nguyễn Thiên Quang cho biết, mục đích gia đình mua đất là để làm nhà. Nhưng bây giờ, bà con chòm xóm đi hết, không lẽ gia đình ông xây nhà ở một mình. Đối với khu tái định cư tổ 3 và 4, cần rõ ràng hơn về mặt pháp lý để người dân nắm, yên tâm giao đất cho đơn vị thi công.

Cần người dân đồng thuận

Cầu vượt đường sắt nói chung, cầu vượt đường sắt tại lý trình km15+615,32, quốc lộ 14E nói riêng là một loại cầu được xây dựng để vượt qua đường sắt, thay thế cho các đường cắt ngang đồng mức.

Do đó, cầu vượt đường sắt Bắc - Nam tại vị trí nêu trên để tránh giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông giữa đường bộ với đường sắt, phát huy hiệu quả tốc độ tàu chạy và các phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ. Tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa cả đường bộ và đường sắt, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

3(1).jpg
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: C.T

Ông Đặng Tấn Dục - Chủ tịch UBND xã Bình Quý cho biết, hiện mới có 9 hộ đăng ký và 3 hộ có nguyện vọng tái định cư di dời đi nơi khác. Thời gian qua, địa phương tổ chức nhiều phiên đối thoại nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận; người dân đã có nhiều kiến nghị, song xã không thể làm ngoài quy định của pháp luật.

“Quốc lộ 14E xuống cấp nặng, vì vậy mong người dân chia sẻ, ủng hộ và đồng hành với chính quyền sớm bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công sớm hoàn thiện tuyến đường. Với thẩm quyền của mình, xã sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân” - ông Dục chia sẻ.

5(1).jpg
Người dân đặt câu hỏi về lợi ích cầu vượt mang lại. Ảnh: C.T

Theo ông Quế Hải Trung - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 4, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E được thực hiện bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, thời gian thực hiện công trình không còn nhiều. Trong đó, cầu vượt đường sắt không thể thay đổi về phương án đầu tư. Nếu năm 2025, công trình không hoàn thành thì Bộ GTVT sẽ rút vốn và bàn giao về cho tỉnh chịu trách nhiệm đầu tư.

Ông Trung chia sẻ thêm, hạng mục cầu vượt sẽ tác động đến người dân, sẽ có sự thiệt thòi nhất định như xáo trộn cuộc sống… Ngược lại, công trình thi công hoàn thành sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng, như phát triển hạ tầng đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

4(1).jpg
Nút giao quốc lộ 14E với đường sắt qua xã Bình Quý đã quá tải, mất an toàn. Ảnh: C.T

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, GPMB thi công cầu vượt đường sắt sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến một số hộ dân đang buôn bán; đi lại học hành, sản xuất cũng sẽ xa hơn. Song ngược lại, cái lợi là rất lớn, cộng đồng sẽ được thụ hưởng. Còn về mức giá bồi thường, hỗ trợ, địa phương chắc chắn áp dụng những gì có lợi nhất nhưng phải theo quy định của pháp luật.

Riêng kết quả hồ sơ đo đạc và kiểm đếm, người dân còn có một số ý kiến chưa đồng thuận, huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giải quyết thỏa đáng. Hộ nào có nguyện vọng tái định cư nơi khác thì tranh thủ làm đơn để cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

CÔNG TÚ