Nông nghiệp - Nông thôn

Đảm bảo an toàn vệ sinh trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam

T.ĐAN 30/09/2024 11:00

(QNO) - Sáng nay 30/9, tại TP.Tam Kỳ, diễn ra tọa đàm “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới”.

Ông Trần Văn Noa
Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam phát biểu đề dẫn tọa đàm. Ảnh: PV

Buổi tọa đàm do Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Nam tổ chức, tại khách sạn Bàn Thạch.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam nhấn mạnh, công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn là vấn đề bức thiết, cần quan tâm trong xây dựng NTM. Nếu các nội dung này được thực hiện tốt thì xây dựng NTM sẽ đi vào chiều sâu, bền vững.

Theo ông Noa, chương trình "Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025" (theo Quyết định số 925, ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ) có 9 nhiệm vụ gồm: Cấp nước sạch nông thôn; chất thải rắn sinh hoạt; nước thải sinh hoạt; chất thải và phụ phẩm nông nghiệp; bao gói thuốc bảo vệ thực vật; bảo vệ môi trường làng nghề; cảnh quan môi trường nông thôn; an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; công tác vệ sinh (nhà vệ sinh).

Thời gian quan, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn. Đó là việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các khu - cụm công nghiệp đang hoạt động chưa đạt so với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác phân loại chất thải rắn đạt hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ hộ dân tham gia nộp phí vệ sinh tại các địa phương trong thời gian qua chưa đạt mục tiêu. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Việc xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, công trình xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, khu dân cư còn chậm...

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: PV

Tại tọa đàm, các tham luận, ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ môi trường; những khó khăn trong thực hiện các tiêu chí về môi trường. Các giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác quản lý môi trường, nhất là giải pháp về nguồn lực; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, thúc đẩy các loại hình kinh tế/sinh kế mới cho người dân nông thôn…

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, có 142/193 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, đạt 73,6%. Trong năm 2023 - 2024, trên địa bàn tỉnh triển khai 60 mô hình thí điểm thuộc chương trình môi trường, với kinh phí hỗ trợ hơn 18,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 15,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 3 tỷ đồng.

T.ĐAN