Những điển hình trợ lực an sinh ở Tây Giang
Dành rất nhiều nguồn lực cho việc thực hiện các dự án an sinh xã hội, các địa phương, đơn vị của huyện Tây Giang được xem như nhân tố điển hình trong việc góp sức chăm lo cuộc sống cho người dân bằng các chương trình hỗ trợ phát triển miền núi.
Từ mục tiêu hỗ trợ hội viên phụ nữ ổn định và phát triển cuộc sống, những năm qua, Hội LHPN huyện Tây Giang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về hội viên khó khăn, nhất là ở địa bàn biên giới. Tiêu biểu như Đề án mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo giai đoạn 2021 - 2026 đã được UBND huyện phê duyệt, tạo động lực khuyến khích phụ nữ thoát nghèo.
Bà Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang cho biết, năm 2023, bên cạnh khảo sát nhu cầu thực tế, đơn vị xây dựng phương án hỗ trợ phát triển sản xuất mô hình nuôi heo cỏ địa phương sinh sản cho 6 hộ phụ nữ tại xã Bha Lêê. Cùng với cấp 24 con heo giống và hỗ trợ thức ăn, Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức trong chăn nuôi, giúp mô hình sinh kế thêm hiệu quả.
Bằng phương thức hỗ trợ sinh kế, những năm gần đây, rất nhiều hộ phụ nữ Cơ Tu khó khăn được tiếp cận mô hình, góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng cuộc sống.
"Từ các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, chúng tôi kết nối triển khai thực hiện hỗ trợ sinh kế cho hàng trăm hộ phụ nữ khó khăn, tạo điều kiện giúp chị em vươn lên thoát nghèo bền vững" - bà Bríu Thị Nem chia sẻ.
Trong số điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi được “trợ lực” từ chính sách, tiêu biểu như hộ A Vô Thị Bé (ở thôn Đang, xã Bha Lêê), với mô hình trang trại chăn nuôi, mỗi năm thu về khoảng 200 triệu đồng.
Hay như tấm gương của Bh’nướch Thị Blắc (thôn R’cung, xã Bha Lêê), sau nhiều năm làm ăn chăm chỉ đã có trong tay hơn 5ha keo, cùng hàng nghìn con heo, gà vịt và hơn 1,6ha cây ăn quả, 3ha cây quế..., thu nhập mỗi năm hơn 500 triệu đồng.
Hội LHPN huyện chỉ là một trong số rất nhiều kênh hỗ trợ người dân khó khăn tại Tây Giang vươn lên thoát nghèo bền vững. Như Huyện đoàn Tây Giang, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, đơn vị hỗ trợ hàng chục hộ thanh niên khó khăn, đáp ứng tiêu chí phát triển mô hình chăn nuôi bền vững, với tổng kinh phí 392 triệu đồng.
Anh Arâl Hoàng - Bí thư Huyện đoàn Tây Giang cho biết, từ nguồn lực phân bổ, đơn vị áp dụng triển khai mô hình kinh tế tập thể do thanh niên làm chủ, hỗ trợ 3.440 con giống vịt xiêm, cùng bột thức ăn dinh dưỡng cho đàn vịt, tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng áp dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm...
“Sau thời gian chăm sóc, nhiều hộ đã xuất bán đàn vịt, trở thành địa điểm cung ứng giống và thịt vịt xiêm tại địa phương. Mô hình này đã giúp thanh niên có điều kiện tiếp cận công nghệ trong chăn nuôi, phát huy hiệu quả kinh tế tập thể, góp sức vào mục tiêu thoát nghèo” - anh Hoàng nói.