Thế giới

Biến đổi khí hậu để lại vị "đắng" cho cà phê toàn cầu

CẨM HY 02/10/2024 10:43

(QNO) - Theo nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc, với giá thành cao cùng nguồn cung và chất lượng đang bị suy giảm do biến đổi khí hậu, niềm vui đơn giản từ một tách cà phê có thể trở thành một thứ xa xỉ và đắt đỏ, trong khi các quốc gia sản xuất cà phê lớn ở châu Á đang đứng ở tuyến đầu.

ve-g_south_east-l_mediacorp-cna-watermark-2021-08-cna-w_0.1-f_auto-q_auto-v1-mediacorp-cna-image-2023-06-30-_screenshot_1602.png
Tây Nguyên - nơi có đất đai màu mỡ và khí hậu ôn hòa, là quê hương của những đồn điền cà phê lớn nhất Việt Nam. Ảnh: CNA

Đông Nam Á khẳng định vị thế trong thị trường cà phê toàn cầu, với Việt Nam và Indonesia lần lượt là nhà sản xuất lớn thứ hai và thứ tư thế giới.

Năm 2023, Việt Nam đạt sản lượng 29,1 triệu bao cà phê 60kg, trong khi Indonesia đóng góp với 11,85 triệu bao. Các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Lào và Philippines cũng đang nỗ lực gia tăng sản lượng cà phê.

bqn.1cdn.vn-2023-11-29-_images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-11-29-152231-_anh-1-ca-phe-duoc-ba-01.jpg
Cà phê được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trồng khắp các lối đi. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Tuy nhiên, sự gia tăng nhiệt độ, mưa thất thường và hạn hán kéo dài đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến vụ mùa cà phê.

Cây cà phê rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu, sự gia tăng nhiệt độ có thể làm giảm sự phát triển, sản lượng và chất lượng hạt. Sự xuất hiện của mọt đục quả cà phê - loài thích nghi với điều kiện ấm áp, càng làm trầm trọng thêm tình hình, dẫn đến tổn thất mùa màng nghiêm trọng.

Đến năm 2050, có thể mất tới 50% diện tích đất phù hợp cho trồng cà phê do tác động của biến đổi khí hậu.

Cung giảm, cầu tăng

Các vùng sản xuất cà phê chủ chốt chủ yếu nằm trong vành đai cà phê giữa 20 độ vĩ Bắc và 30 độ vĩ Nam, đây là những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Điều này làm gia tăng nguy cơ thu hẹp nguồn cung cà phê từ Đông Nam Á và các khu vực chủ chốt khác, trong khi nhu cầu toàn cầu về cà phê đang tăng cao do gia tăng dân số và sự phổ biến của thức uống này.

bqn.1cdn.vn-2024-09-20-_2.jpg
Nông dân trên thế giới bị thiệt hại cà phê do cháy rừng trong đợt hạn hán. Ảnh: AP

Tốc độ tăng trưởng thị trường cà phê toàn cầu từ năm 2024 đến 2032 được dự đoán là 5,4%.

Hệ quả kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Một khi sản lượng cà phê giảm, giá sẽ tăng, theo đó ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường. Giá cà phê robusta đã gần gấp đôi từ đầu năm 2023 do hạn hán ở Việt Nam.

Cà phê sẽ trở nên đắt hơn

Việc tăng giá khó có thể thu hút nông dân mới. Trồng cà phê trong điều kiện khắc nghiệt như hạn hán đòi hỏi một khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như hệ thống tưới tiêu. Mặc dù các phương pháp bền vững có thể hỗ trợ sản xuất, nhưng cũng đi kèm với chi phí ngày càng cao.

Hàng triệu người ở các nền kinh tế đang phát triển cũng sẽ chịu ảnh hưởng với hơn 120 triệu người phụ thuộc vào ngành sản xuất cà phê để sinh sống.

Bên cạnh đó, khi nguồn cung giảm và giá tăng, người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ cảm thấy áp lực.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với cà phê không chỉ giới hạn ở Đông Nam Á. Hai khu vực sản xuất cà phê lớn khác là Mỹ Latinh và châu Phi cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự.

CẨM HY