Nhà nước và cử tri

Cử tri Phước Sơn quan tâm chế độ chính sách, an toàn giao thông

PHAN VINH 02/10/2024 16:12

(QNO) - Sáng 2/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam gồm các đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Phước Sơn trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.

1.jpg
Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại huyện Phước Sơn. Ảnh: PHAN VINH

Kiến nghị chế độ chính sách

Tại hội nghị, bà Cao Thị Chơn Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Phước Năng (xã Phước Năng) cho biết, những năm qua cán bộ, giáo viên nhà trường được hưởng chế độ theo Nghị định 76 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, sắp tới địa phương về đích nông thôn mới, sẽ chuyển từ xã khu vực III lên xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách đối với xã vùng đặc biệt khó khăn.

2.jpg
Bà Cao Thị Chơn Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Phước Năng phát biểu. Ảnh: PHAN VINH

"Ở một xã miền núi như Phước Năng, điều kiện sống và sinh hoạt còn khó khăn dù có về đích nông thôn mới. Ngoài ra, việc thu hút giáo viên tốt nghiệp ra trường lên miền núi dạy nhưng chỉ nhận mức lương giống như ở đồng bằng thì sẽ rất khó.

Vì vậy, tôi mong muốn Quốc hội, tỉnh nghiên cứu có cơ chế đặc thù về chính sách đối với cán bộ các xã miền núi đã về đích nông thôn mới để phù hợp với tình hình thực tế" - bà Tâm nói.

Cử tri Hồ Thị Lê (xã Phước Mỹ) cho rằng, mức hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình chính sách còn quá thấp. So với vật giá hiện nay, mức hỗ trợ 30 triệu đồng đối với sửa chữa và 60 triệu đồng đối với xây mới là không khả thi.

Bà Lê kiến nghị nâng mức hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để đủ khả năng thực hiện xóa nhà tạm theo chủ trương chung của tỉnh.

4.jpg
Đại biểu kiến nghị các chính sách cho vùng miền núi. Ảnh: PHAN VINH

"Chế độ chính sách cho cán bộ thôn cũng còn thấp, không đủ để khuyến khích cán bộ tham gia công tác chuyên môn, đặc biệt khó khăn đối với địa bàn rộng như miền núi. Đối với cán bộ hưu trí được nhận báo hằng ngày thì mong muốn nhận đài radio thay thế vì đã lớn tuổi, mắt mờ rất khó đọc báo" - bà Lê chia sẻ.

Cử tri còn kiến nghị một số vấn đề liên quan đến chính sách cho giáo viên mầm non; đào tạo nghề cho lao động địa phương; tuổi nghỉ hưu của lực lượng kiểm lâm; công nhận liệt sĩ đối với 2 cán bộ ở xã Phước Lộc tử vong khi tham gia công tác cứu hộ cứu nạn trong vụ sạt lở năm 2020...

Cần đảm bảo an toàn giao thông khi thi công

Cử tri Hồ Thị Đạt (xã Phước Năng) thông tin, hiện nay trên địa bàn huyện triển khai dự án sửa chữa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14E. Tuy nhiên, việc thi công diễn ra chậm, thiếu thiết bị cảnh báo và bố trí người hỗ trợ, hướng dẫn giao thông.

Thời tiết ở Phước Sơn gần đây thường có mưa nên nhiều điểm thi công bị bỏ dở, gián đoạn, do đó đặc biệt nguy hiểm đối với các phương tiện tham gia giao thông ở những khúc quanh co.

8.jpg
Cử tri Hồ Thị Đạt (xã Phước Năng) phản ánh tình trạng mất an toàn giao thông trên địa bàn. Ảnh: PHAN VINH

Bà Đạt nói: "Do không có người hướng dẫn, có những đoạn đường sửa chữa dài, nhiều xe tải bị khuất tầm nhìn đi vào đoạn đường hẹp nên phải đi lùi rất nguy hiểm.

Năm 2023, một xe tải lùi để tránh cho xe tải khác đi qua nên xảy ra va chạm với xe máy phía sau khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Còn rất nhiều vụ va chạm lớn nhỏ khác xảy ra liên tục trên địa bàn liên quan đến dự án sửa chữa quốc lộ 14E".

du-an-da-trien-khai-duoc-20-81_23-78km-dat-87-5-khoi-luong.jpg
Một dự án sửa chữa đường giao thông ở Phước Sơn. Ảnh: PHAN VINH

Liên quan đến dự án này, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14E đoạn qua địa bàn huyện xuống cấp liên tục, sửa xong chỗ này thì đến chỗ khác bị hư hỏng, nên việc sửa chữa kéo dài khiến người dân địa phương bức xúc.

Ngoài ra, hiện nay các đơn vị quản lý đưa ra mốc hành lang an toàn giao thông tuyến đường là 10 - 15m tính từ mép trong của mương thoát nước, nhưng ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác, đất vườn, nhà ở của người dân mà chưa có phương án bồi thường giải tỏa mặt bằng.

[VIDEO] - Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn phát biểu:

"Nhiều người dân muốn tiếp tục trồng cây canh tác, xây tường rào, cổng ngõ trên chính đất họ sở hữu nhưng không được vì bị cho là xâm lấn hành lang an toàn giao thông.

Điều này khiến người dân bức xúc và nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến lãnh đạo địa phương. Vì vậy, mong muốn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét kiến nghị các đơn vị có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng" - ông Trung cho biết.

5.jpg
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH trả lời kiến nghị của cử tri. Ảnh: PHAN VINH

Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở GTVT, LĐ-TB&XH, TN&MT... đã trả lời các phản ánh, kiến nghị của cử tri. Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và cho biết sẽ tổng hợp đề nghị cấp trên xem xét.

7.jpg
Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHAN VINH

"Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đưa vấn đề liên quan đến các dự án giao thông trên địa bàn huyện; chế độ chính sách cho giáo viên mầm non; cán bộ tử vong trong vụ sạt lở ở Phước Lộc; thu hút đầu tư doanh nghiệp về miền núi... lên Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới để các cơ quan, bộ ngành liên quan quan tâm giải quyết" - đại biểu Dương Văn Phước nói.

PHAN VINH