Xây dựng Đảng

Nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số:Nhìn từ Nam Trà My

ALĂNG NGƯỚC 03/10/2024 07:41

Từ một địa phương miền núi liên tục thiếu hụt nguồn nhân lực tại chỗ, bằng các giải pháp đồng bộ trong việc khuyến khích phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, huyện Nam Trà My đang chuyển giao một thế hệ cán bộ trẻ, đầy triển vọng.

441a4801-1-.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng động viên Nguyễn Thành Phương tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV - năm 2024. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Phát huy năng lực

Ở tuổi 37 nhưng Nguyễn Thành Phương (dân tộc Xơ Đăng) có gần 2 nhiệm kỳ được bầu làm Chủ tịch UBND xã Trà Nam. Thời điểm Nguyễn Thành Phương được bầu làm chủ tịch UBND xã, tỷ lệ hộ nghèo ở Trà Nam chiếm đa số. Điều kiện kinh tế khó khăn, cộng thêm đường sá đi lại cách trở khiến Trà Nam “dậm chân tại chỗ” suốt thời gian khá dài.

Những trăn trở, buộc phải tìm cách hóa giải, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Phương không thể ngồi yên, nhất là khi nhìn sang xã lân cận Trà Linh đang từng ngày phát triển nhờ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu.

“Lúc đó, mình nghĩ, người dân sống ở địa bàn có rừng và điều kiện tự nhiên phong phú thì không thể nghèo mãi được. Phải tìm cách mở hướng phát triển kinh tế cho người dân từ chính sản vật sẵn có của vùng. Bắt đầu từ việc chuyển hóa mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Thời điểm hơn 10 năm trước, sâm Ngọc Linh bắt đầu có giá. Nắm bắt cơ hội này, lãnh đạo xã nhiều lần họp bàn, rồi đi đến thống nhất di thực sâm Ngọc Linh giống đem về trồng dưới cánh rừng Trà Nam. Không ngờ đã đem lại hiệu quả bước đầu” - Nguyễn Thành Phương kể.

3318b4f05b53fd0da442.jpg
Nguyễn Thành Phương bên vườn sâm Ngọc Linh được di thực phát triển trong cộng đồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hiệu quả được chứng minh khi Trà Nam giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh hơn trước đây, đến cuối năm 2023 chỉ còn 52,6% theo tiêu chí đa chiều. Báo cáo của UBND xã Trà Nam cho thấy, đến nay trên địa bàn có hơn 700 hộ trồng sâm, với hơn 300ha. Chưa kể, có thêm các vườn trồng cây dược liệu và các loại cây ăn quả khác.

Những dấu ấn này, ngoài nỗ lực của người dân, còn có thêm sự vào cuộc, tư duy chuyển đổi phương thức canh tác của lãnh đạo địa phương, nhất là vai trò của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Phương. Sau nhiều năm cống hiến, Nguyễn Thành Phương được luân chuyển làm Chủ tịch UBND xã Trà Vân, một địa bàn còn nhiều khó khăn của Nam Trà My.

Nguyễn Thành Phương không là cá biệt. Ở Nam Trà My hiện có rất nhiều cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số (DTTS) giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt. Phát huy năng lực sáng tạo, họ đóng góp nhiều công sức cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương miền núi bằng các mô hình sinh kế hiệu quả, tạo động lực để người dân thoát nghèo.

Tiêu biểu như Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh - Hồ Văn Dang, Phó Trưởng phòng NN&PTNT - Võ Hồng Siêu, Chủ tịch UBND xã Trà Vinh - Trần Văn Thương...

977a7512(1).jpg
Nhiều cán bộ DTTS ở Nam Trà My có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Khuyến khích tư duy sáng tạo

Bà Phùng Thị Thương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trà My cho biết, để công tác cán bộ người DTTS ngày càng được nâng lên, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS có triển vọng, cử đi học chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị.

Đến nay, đã có 758 lượt cán bộ người DTTS được cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị (trong đó cán bộ cấp xã 657 người và cán bộ cấp huyện 101 người). Đồng thời bố trí sử dụng cán bộ trẻ người DTTS theo Đề án 500, 600 giữ chức vụ lãnh đạo cấp xã và tương đương, phù hợp với yêu cầu vị trí công tác.

Bà Thương cho biết, Nam Trà My hiện có 253 cán bộ người DTTS cấp xã và 51 cán bộ cấp huyện; trong đó nhiều cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, có trình độ đại học và sau đại học...

Riêng về công tác đào tạo và bố trí, sử dụng đối với sinh viên hệ cử tuyển, toàn huyện có 164 trường hợp đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp trở về địa phương.

Trong đó, có 8 người được bố trí vào làm việc ở các phòng, ban ngành của huyện và xã, 4 người xin việc làm ở các sở, ban ngành của tỉnh và 97 người được xét tuyển viên chức giáo viên công tác tại các trường học trên địa bàn huyện. Ngoài ra, còn 55 trường hợp đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang trong thời gian chờ xem xét bố trí công tác ở các xã trên địa bàn huyện.

“Những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chúng tôi luôn chú trọng công tác cán bộ người DTTS. Xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ kế cận, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ và cán bộ nữ làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương của huyện.

Đồng thời tuyển chọn con em người DTTS tốt nghiệp THPT đưa đi đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng nhằm tạo nguồn cán bộ lâu dài, cũng như kịp thời phát hiện, tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn” - bà Thương nói.

Gần 2.256 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển miền núi

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2022 - 2024, Quảng Nam được phân bổ tổng nguồn vốn gần 2.256 tỷ đồng để triển khai thực hiện chương trình.

Sau 3 năm thực hiện, đã giải ngân được hơn 858 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ đất ở cho 353 hộ, nhà ở 403 hộ và đất sản xuất, chuyển đổi nghề 87 hộ. Đồng thời đầu tư 37 công trình nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu cho 1.359 hộ dân, bố trí 9 dự án ổn định dân cư tập trung, xây dựng 212 công trình hạ tầng thiết yếu, thực hiện đào tạo nghề cho 931 người đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp thực hiện chăm sóc sức khỏe, phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động cho đồng bào dân tộc thiểu số…(ĐĂNG NGỌC)

Đầu tư xây dựng 427 nhà văn hóa thôn tại miền núi

Tin từ Ban Dân tộc tỉnh cho biết, từ nguồn lực của Trung ương và của tỉnh, các địa phương miền núi hỗ trợ đầu tư xây dựng 427/436 nhà văn hóa thôn, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp cho cộng đồng.

Từ việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà văn hóa cộng đồng giúp người dân miền núi có thêm không gian sinh hoạt, tạo điều kiện nâng cao thể chất và môi trường sống. Nhờ vậy, đến nay miền núi có 75.368/85.240 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa...(Đ.NGUYÊN)

Đông Giang vận động thu hồi 154 súng tự chế trong cộng đồng dân cư

Thời gian qua, cùng với các lực lượng chức năng, người có uy tín ở huyện Đông Giang tham gia tuyên truyền, vận động thu hồi hàng trăm khẩu súng tự chế, vật liệu nổ, hòa giải nhiều vụ tranh chấp đất đai trong cộng đồng.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, từ việc phát huy vai trò người có uy tín trong công tác tuyên truyền vận động, thời gian qua giúp các ngành chức năng địa phương thực hiện thu hồi 154 súng tự chế, 2 súng quân dụng, 1 súng thể thao, 1 hộp tiếp đạn, 78 viên đạn, 2 quả lựu đạn, 27 kíp nổ... Ngoài ra, người có uy tín cũng cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp lực lượng chức năng xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, xây dựng các mô hình an ninh trật tự trên địa bàn.(ĐĂNG NGUYÊN)

Gần 3,5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ khó khăn tại xã Ch’Ơm

Ngày 1/10, ông Bh’ling Đắt - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ch’Ơm (Tây Giang) cho biết, từ các nguồn lực được huy động, giai đoạn 2019 - 2024, địa phương hỗ trợ xây dựng 84 ngôi nhà đại đoàn kết, phòng tránh thiên tai cho người dân khó khăn.

Theo đó, ngoài hỗ trợ xây dựng mới 73 ngôi nhà phòng tránh thiên tai, địa phương tham mưu, kết nối với Mặt trận cấp trên hỗ trợ xây dựng 11 ngôi nhà đại đoàn kết, với tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, từ sự chung tay góp sức của các cấp, thời gian qua giúp hỗ trợ xây mới 4 ngôi nhà người dân không may bị cháy với kinh phí 160 triệu đồng. (ALĂNG NGƯỚC)

ALĂNG NGƯỚC