Khởi nghiệp - OCOP

Đam mê sưu tầm những bài thuốc Nam xứ Quảng

PHAN VINH 03/10/2024 16:01

(QNO) - Mày mò nghiên cứu các tài liệu của Đông y, Nam dược hay đi khắp nơi, lắng nghe những bài thuốc từ dân gian truyền miệng, tất cả đã thôi thúc anh Từ Hiếu (SN 1984, khối phố Quảng Lăng A, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) lặn lội vào các cánh rừng sâu, lang thang trên những đồi cát ven biển để tìm các loại thảo dược bổ sung vào bộ sưu tầm thuốc Nam của mình.

1.jpg
Anh Hiếu bảo quản các bài thuốc Nam ở dạng cao đặc. Ảnh: PHAN VINH

"Kho báu" dưới chân

Anh Từ Hiếu sinh ra ở vùng cát Điện Bàn nhưng lại có duyên với núi rừng từ nhỏ. Cách đây mấy chục năm, gia đình anh và một số người trong xóm thường lên cánh rừng sâu tìm mật ong, hái nấm hay bất kỳ loại lá thuốc nào mà những nhà thuốc Đông y cần.

"Ấn tượng duy nhất của mình trong những lần đi rừng với các chú, các bác là những loại lá thuốc có tên rất lạ và khó nhớ, ví dụ như ngưu tất nam, thạch xương bồ, vương bất lưu hành... Tên thì lạ lẫm nhưng thực chất các loại lá thuốc này có ở khắp nơi. Mọi người bảo, kho báu nằm ngay dưới chân mình chứ không đâu xa, chỉ đi rừng Quảng Nam thôi, cũng đã gần như đủ hết nguyên liệu cho các bài thuốc Đông y" - anh Hiếu nói.

4.jpg
Quảng Nam giàu tài nguyên thuốc Nam. Ảnh: PHAN VINH

Sau này lớn lên, tiếp xúc nhiều hơn với cây cối, anh Hiếu càng có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các bài thuốc Nam. Anh tìm đến một số vị thầy thuốc có tiếng trong vùng, sưu tầm các tư liệu cũ và ghi chép lại những bài thuốc được dân gian truyền miệng rồi về nấu thử nghiệm để chữa trị cho gia đình và người quen khi cần.

Anh Hiếu chia sẻ, trong nhiều ghi chép, cách mà những thầy thuốc ngày xưa phối hợp các vị lại với nhau để chữa bệnh cũng gần như... đánh trận, có quân tiên phong, có công, có thủ, có hậu cần... Mỗi vị đều có một chức năng khác nhau, hỗ trợ cho nhau nên người phối thuốc phải hiểu và sử dụng đúng liều lượng. Đây là điều mà anh thích thú nhất khi tìm hiểu về Đông y và Nam dược.

[VIDEO] - Anh Hiếu chia sẻ về hành trình tìm hiểu các bài thuốc Nam của người dân xứ Quảng:

"Ví dụ, bài thuốc trị bệnh gout với 24 vị: Huyết giác, tơm trơn, hoàng bá nam, ưng bất bạc, hoàng đằng, cỏ máu, thập chỉ hồng, khế rừng, cam thảo, hoàng lực, mật nhân, bách bộ, đỗ trọng nam, đại táo, thất diệp, ngưu tất nam... Thì hoàng bá nam sẽ có chức năng bình vị tại dạ dày, sau đó ngưu tất nam sẽ bổ tì, ưng bất bạc bảo vệ gan trong quá trình hấp thu các vị thuốc còn lại, đặc biệt, cam thảo đóng vai trò trung hòa các vị trong bài thuốc..." - anh Hiếu cho biết.

Lưu thuốc giúp người

Cùng với những công việc thường nhật của mình, trước đây, anh Hiếu xem việc sưu tầm và nấu những bài thuốc Nam như một đam mê tìm tòi. Thế nhưng, khi phát hiện vợ mình bắt đầu xuất hiện nhân xơ tuyến giáp có kích cỡ 12mm X 6mm, anh đã dồn tâm sức nghiên cứu sâu về thuốc Nam để mong hỗ trợ điều trị cho vợ. Và sau gần 3 tháng sử dụng thuốc, nhân xơ tuyến giáp của vợ anh đã nhỏ đi 1/2, các dấu hiệu bệnh cũng không còn.

3.jpg
Anh Hiếu cho rằng, Quảng Nam có nhiều dược liệu quý mà nơi khác không có. Ảnh: PHAN VINH

"Khi đưa vợ đi tái khám, mình cũng bất ngờ trước hiệu quả nhanh chóng đó. Bác sĩ cũng hỏi vợ mình đã làm cách nào để chữa trị, vì hiện nay, đối với nhân xơ tuyến giáp, Tây y cũng đang dùng thuốc kháng giáp làm chậm quá trình phát triển của nhân xơ hoặc điều trị bằng i-ốt phóng xạ hay phẫu thuật cắt bỏ. Từ câu chuyện của vợ mình, niềm tin vào thuốc Nam càng lớn và mình chuyên tâm hơn vào việc nghiên cứu, nấu thuốc" - anh Hiếu kể.

Anh Hiếu là
Anh Hiếu ủ lên men loại si-rô trị ho cho trẻ từ trái của cây đa tử biển. Ảnh: PHAN VINH

Thời gian qua, với những bệnh thường gặp và việc điều trị theo phương pháp hiện đại có khó khăn như bệnh gout, tiểu đường, dạ dày, huyết áp, xương khớp, trĩ, ho hen ở trẻ,... anh đã sưu tầm, nấu thuốc và tặng cho bạn bè, người thân sử dụng. Mỗi bài thuốc khi trao đến từng người, anh Hiếu đều cẩn thận ghi chép lại để dần dà chuẩn hoá công thức. Bởi đối với thuốc Nam, mỗi công đoạn sản xuất phải tuân thủ những nguyên tắc bất dịch. Ví dụ, đang phơi thuốc mà gặp mưa là coi như bỏ, không được dùng đến.

Quan trọng hơn hết, mình muốn gửi đến mọi người thông điệp, không có vị thuốc nào hữu hiệu bằng bữa cơm gia đình và cũng chẳng có nhà thuốc nào tốt bằng căn bếp trong nhà của mọi người.

Anh Từ Hiếu

Theo anh Hiếu, bản thân không phải là thầy thuốc, không sáng tạo bất kỳ loại thuốc nào mà chỉ học lại của người xưa, nên chỉ dám nhận mình là người bốc thuốc. Tuy vậy, bốc thuốc cũng cần một cái tâm đủ lớn mới làm được, vì chỉ cần lơ đễnh một chi tiết nhỏ như dùng lá héo quá, trái thối, hay để lửa hơi lớn... thì cũng làm cho thuốc thành thứ độc hại.

5.jpg
Các loại cao do anh Hiếu nấu từ các bài thuốc Nam của người dân xứ Quảng. Ảnh: PHAN VINH

Mỗi tháng Từ Hiếu đi rừng vài ngày, tìm thuốc theo mùa, có những bài thuốc phải sưu tầm 1 năm mới đủ vị để nấu. Hiện anh vẫn chưa bán buôn gì, chỉ nấu cao ra rồi lưu lại đây, nghe ai bị bệnh thì anh gửi dùng thử, có người ở trên mạng nhắn tin hỏi cần số lượng lớn thì nhận nấu giúp.

"Trước mắt, cần thay đổi tư duy dùng thuốc chữa bệnh của người Việt, thuốc nào cũng tốt, Đông y hay Tây y gì cũng cùng một mục đích cứu người. Nhưng quan trọng hơn hết, mình muốn gửi đến mọi người một thông điệp, không có vị thuốc nào hữu hiệu bằng bữa cơm gia đình và cũng chẳng có nhà thuốc nào tốt bằng căn bếp trong nhà của mọi người" - anh Hiếu chia sẻ.

[VIDEO] - Anh Hiếu mong muốn nhiều người ít có điều kiện vẫn có thể dùng thuốc tốt:

Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”

PHAN VINH