Y tế

Quảng Nam đối mặt nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

LÊ QUÂN 03/10/2024 21:47

(QNO) - Sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp. Tại Quảng Nam, thời tiết thay đổi với độ ẩm tăng cao, nguy cơ gia tăng ca mắc trong thời gian đến.

z5892852965683_e0cf83f657d0d2eca747a2cae88eab6d.jpg
Sốt xuất huyết chỉ được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm máu. Ảnh: X.H

Diễn biến phức tạp

Nhận định từ Bộ Y tế, trong 5 năm gần đây, sốt xuất huyết (SXH) có diễn biến ngày càng phức tạp. Giai đoạn 1980 - 2018, Việt Nam thường ghi nhận chu kỳ đỉnh dịch 10 năm, nhưng riêng giai đoạn 2019 - 2023, cả nước đã trải qua 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 và năm 2022 với số ca mắc kỷ lục, hơn 367 nghìn trường hợp), đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau Brazil.

Năm 2022, Quảng Nam cũng ghi nhận số ca mắc kỷ lục với gần 13 nghìn ca, được gọi là năm có đỉnh dịch cao nhất. Năm 2022, Quảng Nam cũng có 1 trường hợp tử vong do SXH.

Năm 2023, cả nước tiếp tục ghi nhận hơn 172 nghìn trường hợp mắc SXH và 43 ca tử vong. Dù số ca mắc giảm so với năm 2022, nhưng từ năm 2023 đến nay, diễn biến dịch SXH phức tạp và khác thường hơn so với mọi năm.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp vi rút Dengue, nhưng tuýp lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Trong năm 2023, tuýp DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 tuýp DENV-2 chiếm khoảng 70%. Tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc SXH nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

z5892848646445_2e0f9c8fa1e70125904283424ee2d80f.jpg
Trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Ảnh: L.Q

Tính đến thời điểm này, Quảng Nam ghi nhận 1.293 ca mắc ở tất cả địa phương. Tuy số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023 nhưng số ổ dịch lại tăng thêm, từ mức 26 ổ dịch năm 2023 thì cùng kỳ năm 2024 ghi nhận 34 ổ dịch SXH.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh nhận định, tại Quảng Nam hiện nay, tình hình bệnh truyền nhiễm gây dịch tạm ổn định, tuy nhiên nguy cơ bệnh SXH và các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng có chiều hướng tăng thời gian tới.

Chủ động phòng ngừa

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh SXH khó kiểm soát nguồn lây, bởi người mắc có thể không biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng.

Theo nghiên cứu, 80% số người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm SXH. Bệnh nặng khó dự đoán trước và có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo. Một người có thể mắc SXH nhiều lần trong đời với các tuýp vi rút khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.

Hiện SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đại diện CDC Quảng Nam cho rằng, để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và xã hội, người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh như loại bỏ các vật phế thải, ổ đọng nước xung quanh nơi ở. Ngăn ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ màn, thoa kem chống muỗi, bận quần áo dài tay, phun hóa chất diệt muỗi.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2022-10-30-134151-_tnb-54950-03.jpg
Loại bỏ các vật phế thải, ổ đọng nước là cách phòng ngừa sốt xuất huyết. Ảnh: T.K

Mới nhất, ngày 20/9, vắc xin phòng ngừa SXH chính thức được triển khai trong hệ thống tiêm chủng tư nhân của Việt Nam. Thông tin từ Hệ thống tiêm chủng VNVC, vắc xin SXH Qdenga do Hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) nghiên cứu và phát triển. Vắc xin được tiêm cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn, hiện được triển khai tiêm rộng rãi tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Vắc xin Qdenga được chứng minh có khả năng phòng SXH do 4 tuýp vi rút Dengue gây ra với hiệu quả hơn 80% và giảm hơn 90% nguy cơ nhập viện, mắc bệnh nặng và biến chứng nguy hiểm dành cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Đặc biệt, vắc xin này có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc.

SXH hiện đã không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ. Do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư, SXH được dự báo sẽ ngày càng tăng. Chủ động là biện pháp phòng ngừa ngay từ mỗi cá nhân, hộ gia đình là điều cần thiết nhất hiện nay.

LÊ QUÂN