Tác phẩm, tác giả

Tiếng gọi từ đại ngàn...

ĐẶNG TRƯƠNG 04/10/2024 13:50

(VHQN) - Anh thường xuyên có những cuộc ngược ngàn để đến với bản làng vùng cao, dẫu tuổi không còn trẻ nữa. Và lựa chọn không gian, con người miền núi là cảm hứng để duy trì mê say hội họa. Nguyễn Thượng Hỷ - người con xứ Huế, đã hơn 40 năm nay, luôn dành tình yêu cho miền núi xứ Quảng.

hoa-si-nguyen-thuong-hy-trong-trien-lam-ca-nhan-o-tay-giang.jpg
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trong triển lãm cá nhân ở Tây Giang.

Hương đất dâng trời

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ bắt đầu đến với miền núi Quảng Nam từ năm 1985 trong một chương trình sưu tầm văn hóa đồng bào miền núi do ngành văn hóa Quảng Nam tổ chức. Vừa tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá, anh vừa ghi lại những kiến trúc, vật dụng, trang phục, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng… của đồng bào bằng ký họa bút chì.

Hơn một ngàn bức ký họa như thế đã trở thành tài sản quý của Nguyễn Thượng Hỷ. Từng ngày một, ý nguyện tạo nên bộ tranh về miền núi Quảng Nam hình thành.

Trong số những tác phẩm mỹ thuật về đề tài miền núi Quảng Nam của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, gây ấn tượng nhất có lẽ là bức tranh “Hương đất dâng trời”- tác phẩm đoạt giải B, không có giải A tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2001.

Đó là điệu múa độc đáo của người phụ nữ Cơ Tu xứ Quảng. Vũ điệu dâng trời, vừa như nguyện cầu đến các vị thần linh của núi rừng, cho mùa màng tươi tốt, buôn làng bình yên, cuộc sống đủ đầy.
Trong tác phẩm ấy, cùng với điệu múa là những nét chấm phá cảnh sinh hoạt, nghi lễ và đời sống của đồng bào nơi mái gươl làng. Tất cả toát lên khát vọng: Cầu cho mặt đất sinh sôi.

Nhớ lại cảm xúc khi vẽ bức “Hương đất dâng trời” hơn hai mươi năm trước, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể: “Có những buổi chiều tôi ngồi dưới mái gươl làng để chờ bà con đi rẫy trở về, trong ánh hoàng hôn, dòng người gùi củi và bao sản vật từ rừng về, nụ cười làm ấm áp cả buông làng.

Rồi những đêm bên ánh lửa bập bùng vòng quay của tung tung da dá, trai gái Cơ Tu mê say trong vũ điệu dâng trời… Tôi đã để lòng mình trôi theo bao xúc cảm rồi đường cọ, sắc màu cứ thế dạt dào trên giá vẽ”.

Núi rừng cuốn hút

Mấy chục năm trôi qua, Nguyễn Thượng Hỷ đã tham gia biết bao cuộc triển lãm tranh trong và ngoài tỉnh, đã gặt hái được khá nhiều giải thưởng mỹ thuật về đề tài miền núi…

tac-pham-cua-hy.jpg
Tác phẩm Hồn rừng của Nguyễn Thượng Hỷ.

Nhưng, điều khiến anh hạnh phúc nhất chính là cuộc triển lãm nhân kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Tây Giang hồi năm 2013. Ở cuộc triển lãm lần ấy, anh có dịp trình làng cùng đồng bào Cơ Tu hàng chục tác phẩm mà anh đã cần mẫn ký họa rồi hoàn chỉnh bằng sơn dầu và lụa.

Những cảnh sắc về vùng đất, con người miền núi, những giá trị của đời sống văn hóa, tinh thần tồn tại lâu đời trong từng ngôi làng, từng mái gươl, từng nếp nhà nằm chênh vênh bên sườn núi… đi vào tranh Nguyễn Thượng Hỷ mơ màng cùng sương khói bảng lảng đại ngàn.

Bà con đồng bào Cơ Tu đến với triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đã kịp nhận ra mình của nhịp sống đời thường. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói: “Không gì hạnh phúc bằng khi mình đem niềm vui đến với bà con. Cuộc sống miền núi còn nhiều khó khăn nhưng tình cảm rất chân thành. Tôi yêu những sớm mai và những chiều miền núi và yêu cả những gì bình dị nhất nơi đây...”.

Có lẽ vậy nên đến bây giờ, khi đã lớn tuổi, sức khỏe không còn như xưa nữa, nhưng họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ vẫn thường xuyên đến với bản làng đồng bào.

Ở đó anh được gặp lại bao người thân quen, gặp nụ cười tươi thiếu nữ và những em bé tóc xoăn da ngăm đen vì nắng. Công việc nghiên cứu nhà mái lá, nghiên cứu điêu khắc Cơ Tu, gươl… luôn cuốn hút anh như một ma lực. Bao giờ Nguyễn Thượng Hỷ cũng dành cho hội họa những phút giây thăng hoa nhất.

Tác phẩm về miền núi mới nhất của anh chính là “Hồn rừng”, chất liệu lụa - mô tả tươi mới về những loài gỗ quý như pơ-mu, sâm cùng động vật sách đỏ còn tồn tại ở vùng núi Quảng Nam. Đây chính là kết quả của chuyến đi điền dã gần nhất mà Nguyễn Thượng Hỷ thực hiện một mình, đúng như phong cách của anh mấy chục năm nay theo tiếng gọi từ đại ngàn.

Đậm đặc hơi thở cuộc sống và dấu ấn văn hóa vùng cao trong tác phẩm đã định danh Nguyễn Thượng Hỷ là “người rừng” hay kẻ ham vui trong lòng người yêu mỹ thuật...

ĐẶNG TRƯƠNG