Mở rộng liên kết đưa lao động Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài
Thực hiện dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Quảng Nam đã tích cực hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Chuyển biến tích cực
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2021 - 2024, Quảng Nam đã đưa 3.993 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó 8 tháng đầu năm 2024 là 986 LĐ.
Theo Sở LĐ-TB&XH, LĐ tỉnh Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tập trung chủ yếu ở các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Liên bang Nga... Trong đó, LĐ đi làm việc theo các chương trình tuyển dụng thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản chiếm gần 80%.
Về hình thức đi làm việc ở nước ngoài khá đa dạng, có 3.534 người LĐ đi làm làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (chiếm 88,5%); 439 người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài (chiếm 11%); 20 người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng trực tiếp giao kết, chiếm 0,05%.
Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, Tập đoàn THACO Chu Lai - Trường Hải đã mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh ra nước ngoài và đưa LĐ Quảng Nam và các tỉnh lân cận đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Lào, Campuchia theo hình thức tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài.
THACO đã đưa 439 LĐ Quảng Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Lào. LĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua các công ty thuộc Tập đoàn THACO Chu Lai - Trường Hải thuộc các huyện nghèo, khu vực biên giới với Lào, các địa phương đã chủ động liên kết với Trường Cao đẳng THACO tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng.
Đồng thời thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 4 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, Chương trình thí điểm đưa người LĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước cũng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện.
Hiện nay, huyện Nam Trà My đã ký bản thỏa thuận hợp tác phái cử LĐ đi làm việc thời vụ với quận Hamyang (tỉnh Gyesongnam, Hàn Quốc). Từ năm 2022 đến nay đã đưa 59 LĐ của huyện Nam Trà My sang làm việc thời vụ tại quận Hamyang.
Ông Quý cho biết: “Qua theo dõi của Sở LĐ-TB&XH, người LĐ huyện Nam Trà My tham gia chương trình làm việc thời vụ tại Hàn Quốc với thời gian ngắn, thu nhập cao, thái độ làm việc tích cực, không vi phạm pháp luật, đã được chủ sử dụng LĐ Hàn Quốc bảo lãnh trở lại làm việc nhiều lần.
Đây là mô hình tốt để tỉnh định hướng mở rộng chương trình thí điểm đưa người LĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung ở các huyện nghèo”.
Khắc phục khó khăn
Sở LĐ-TB&XH nhận định, công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các chính sách hỗ trợ người LĐ được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn. Bản thân người LĐ đã bắt đầu có sự quan tâm và lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hình thức khởi nghiệp hiệu quả, bền vững.
Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ưu tiên mở rộng thị trường, tăng cường tư vấn, tuyển chọn LĐ tỉnh Quảng Nam để đào tạo, thi tuyển cho các đơn hàng lớn theo nhu cầu của đối tác nước ngoài.
Người LĐ của tỉnh được các thị trường tuyển dụng đánh giá cao vì có trình độ chuyên môn, tay nghề tốt, chấp hành quy định pháp luật của nước đến làm việc và ít bỏ trốn.
Ông Quý cho biết thêm: “Dù vậy, công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Có nguồn lực hỗ trợ từ nguồn vốn Tiểu dự án 2, Dự án 4 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024 nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp, chỉ mới đạt 971 triệu đồng/11,1 tỷ đồng được phân bổ (tỷ lệ chỉ đạt 8,7%).
Nguồn vốn này chỉ hỗ trợ LĐ huyện nghèo hoặc LĐ thuộc hộ nghèo ở huyện khác, nhưng LĐ huyện nghèo đi còn ít. Khi doanh nghiệp thực hiện chương trình ở huyện nghèo phần lớn là chương trình có chi phí thấp ở thị trường đòi hỏi trình độ không cao, doanh nghiệp hỗ trợ chi phí nên LĐ cần hỗ trợ không nhiều”.
Thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng liên kết với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mở rộng thị trường tuyển dụng LĐ phù hợp với khả năng, điều kiện LĐ của tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục có kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét bổ sung đối tượng là người LĐ đi làm việc thời vụ ở nước ngoài theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước vào đối tượng điều chỉnh của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, để người LĐ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ liên quan.