Thủy sản

Nghề nuôi thủy sản Quảng Nam hướng đến "sạch để minh bạch nguồn gốc"

VIỆT NGUYỄN 04/10/2024 10:29

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi. Nuôi thủy sản sạch tiến đến truy xuất nguồn gốc là vấn đề đặt ra cấp thiết trên địa bàn tỉnh.

ts2.jpg
Cá tra được nuôi theo phương thức sạch của Công ty CP Giống thủy sản Quảng Nam. Ảnh:

Cần minh bạch nguồn gốc

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2023, 60% các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên quan đến sản phẩm thủy sản nuôi, đặc biệt là sử dụng sản phẩm thủy sản nuôi không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó, theo nghiên cứu mới đây của Hội đồng Hải sản Na Uy, 84,6% người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ ưu tiên đối với các sản phẩm thủy sản nuôi có nguồn gốc rõ ràng, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

Sự chuyển biến này có thể được giải thích do gia tăng các vụ bê bối về an toàn thực phẩm liên quan đến thủy sản nuôi và nhu cầu cao của người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm chất lượng chế biến từ nguyên liệu thủy sản nuôi sạch.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho rằng, người tiêu dùng Quảng Nam ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn các sản phẩm thủy sản nuôi.

Người dân đòi hỏi các thông tin liên quan đến quy trình nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, phân phối thực phẩm chế biến từ nguyên liệu thủy sản nuôi.

Minh bạch nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm thủy sản nuôi không chỉ mang lại sự tin cậy về chất lượng mà còn giúp người tiêu dùng kiểm soát được các yếu tố liên quan đến sức khỏe, môi trường và trách nhiệm xã hội. Người tiêu dùng đã có ý thức cảnh giác hơn trong việc lựa chọn sản phẩm thủy sản nuôi.

Theo quan sát của chúng tôi ở Co.opMart Tam Kỳ, không ít người tiêu dùng cho rằng chỉ mua các sản phẩm thủy sản nuôi có thể truy xuất nguồn gốc toàn bộ quá trình nuôi trồng, thu hoạch và chế biến bằng cách quét mã QR trên bao bì sản phẩm.

Vì vậy, đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi, truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Việc này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thủy sản nuôi và các vụ việc liên quan đến vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, sử dụng kháng sinh vượt mức cho phép trong nuôi trồng thủy sản.

Mô hình điểm

Trên phạm vi diện tích mặt nước hơn 3.000ha ở hồ Phú Ninh, Công ty CP Giống thủy sản Quảng Nam đã thả nuôi mỗi năm hơn 1 triệu con giống cá tra, trắm cỏ, lăng, mè… theo phương thức sạch, an toàn, hữu cơ.

ts.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tham quan mô hình nuôi tôm sạch của ông Phạm Đình Chương. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Lâm Ngọc Trọng - phụ trách nuôi thủy sản của Công ty CP Giống thủy sản Quảng Nam cho biết, nguồn nước tự nhiên sạch, lượng thủy sinh đa dạng, dồi dào của hồ Phú Ninh là điều kiện tối ưu để phát triển nghề nuôi thủy sản sạch.

Các loại cá nuôi tận dụng thức ăn sẵn có trong lòng hồ nên không phải cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Do nuôi cá từ nguồn giống chất lượng tự sản xuất và cá sinh trưởng trong điều kiện môi trường nước sạch nên Công ty Giống thủy sản Quảng Nam không sử dụng kháng sinh, hóa chất, các loại thuốc, vật tư nuôi thủy sản, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm thủy sản khi thu hoạch.

“Mỗi năm chúng tôi thu hoạch hơn 100 tấn cá sạch cung ứng cho tư thương bán vào các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị. Chúng tôi tiếp tục phát huy nuôi thủy sản sạch để phát triển bền vững” - ông Trọng nói.

Ông Trần Văn Mạo là một trong những thành viên lập nên Hợp tác xã Nuôi thủy sản Trà My để nuôi các loại cá điêu hồng, lăng nha, chình, thác lác… ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My).

Theo ông Mạo, với nguồn nước tự nhiên, nguồn cá tạp làm thức ăn ở hồ phong phú nên các hộ nuôi cá ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 ít sử dụng thức ăn công nghiệp.

Nuôi bằng thức ăn tự nhiên cá lớn chậm nhưng cho chất lượng thịt thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Để nâng cao giá trị thủy sản nuôi, ông Mạo đã phi lê cá thác lác đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và đạt sản phẩm OCOP 4 sao cung ứng ra thị trường.

Nuôi thủy sản sạch trên địa bàn tỉnh còn mới mẻ. Ngoài tận dụng điều kiện tự nhiên tối ưu ở các hồ thủy lợi, thủy điện để nuôi cá sạch, còn có vài mô hình nuôi tôm sạch của một số hộ dân như ông Trần Công Thành (xã Tam Hòa, Núi Thành) hay Phạm Đình Chương (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên).

TS.Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, nuôi thủy sản sạch, không sử dụng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc là cách tốt nhất để nâng cao uy tín, giá trị, vị thế của sản phẩm, qua đó tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Đây là xu thế tất yếu giúp ngành nuôi thủy sản phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cách đầu tư này khó vì quy trình chặt chẽ, thời gian sản xuất dài, chi phí cao nhưng sản phẩm khó bán giá cao tương ứng với đầu tư. Chính vì vậy, để nuôi thủy sản sạch, rất cần hỗ trợ của các ngành chức năng, địa phương, nhất là kỹ thuật và hỗ trợ lãi suất vốn vay.

Minh bạch sản phẩm thủy sản

Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) - những thị trường chính của thủy sản Việt Nam - rất quan tâm đến tính minh bạch của sản phẩm thủy sản xuất khẩu và đều áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe về truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường.

Liên minh châu Âu từ năm 2020 đã yêu cầu tất cả sản phẩm thủy sản phải dán nhãn nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và kèm theo chứng chỉ bền vững như ASC hoặc MSC. Thị trường nhập khẩu các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nước ta đều áp dụng các công nghệ blockchain, mã QR để quản lý chuỗi cung ứng và tăng tính minh bạch.

VIỆT NGUYỄN