Cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025:Quảng Nam tập trung cải thiện khâu yếu, tiêu chí thấp điểm
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16 ngày 14/10/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh đánh giá kết quả đạt được, Tỉnh ủy (khóa XXII) đã thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế; phân tích nguyên nhân và nhấn mạnh ưu tiên tập trung cải thiện khâu yếu, tiêu chí thấp điểm…
Thiếu quyết liệt trong chỉ đạo
Trong nhiều năm liền, chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số của TP.Tam Kỳ luôn nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số điểm cao của tỉnh. Cụ thể, chỉ số CCHC năm 2021 đứng vị thứ 1, xếp thứ 3 ở năm sau và năm 2023 đứng vị trí thứ 2. Từ năm 2021 - 2023, Tam Kỳ xếp thứ 2 về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Đáng chú ý, kết quả tinh gọn bộ máy của Tam Kỳ đã đạt mục tiêu “6 giảm” (giảm đầu mối; giảm cấp trung gian; giảm số lượng lãnh đạo; giảm biên chế; giảm thủ tục hành chính; giảm chi cho bộ máy hệ thống chính trị) và “6 tăng” (tăng về tính khoa học tổ chức; tăng về chất lượng cán bộ; tăng về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tăng chi cho đầu tư phát triển; tăng niềm tin của nhân dân và tăng sự đồng thuận xã hội).
Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Thị Thu Lan chia sẻ, thành phố đã có nhiều mô hình, sáng kiến hay, góp phần nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác CCHC và chuyển đổi số.
Điển hình như mô hình “Công dân không viết”; tiếp nhận hồ sơ trực tuyến 4 ngày/tuần; “Ngày thứ 7 - Ngày công dân số”; tra cứu TTHC, nộp hồ sơ trực tuyến bằng cách quét mã QR để tạo thuận lợi cho người dân...
Chất lượng giải quyết TTHC được nâng lên, có sự chuyển biến mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, UBND tỉnh đã cụ thể hóa những chỉ đạo, nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao tại Nghị quyết số 16 thành 28 nhiệm vụ công tác CCHC.
Trong các kết quả đạt được, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định cắt giảm ít nhất 10% thời gian giải quyết so với quy định đối với 126 TTHC; cắt giảm 10% thời gian giải quyết đối với 224 TTHC cấp huyện và 204 TTHC cấp xã; thực hiện trả kết quả ngay trong ngày đối với 36 TTHC thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành; 66 TTHC cấp huyện và 94 TTHC cấp xã…
Chỉ ra các hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh, ông Bửu cho rằng, một số cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa thật sự quyết liệt; thiếu kiểm tra, theo dõi, đôn đốc; chưa có kế hoạch cụ thể, thiếu những giải pháp tích cực để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 16.
Thực trạng đáng báo động là các chỉ số đánh giá quản trị công của tỉnh (PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI) sụt giảm qua các năm; một số tiêu chí đạt thấp, chưa có sự cải thiện…
Minh bạch trách nhiệm
Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 16 đã được Tỉnh ủy (khóa XXII) phân tích tại Hội nghị lần thứ 17 vừa qua. Ông Thái Bình - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh bày tỏ, kết quả thực hiện Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy có liên quan phần nhiều đến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trực thuộc Đảng bộ Khối trong tham mưu trên lĩnh vực CCHC.
Tình trạng “một bộ phận CBCCVC còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, ngại trách nhiệm” đã được nhận diện, nhưng nó nằm ở những con người nào cụ thể nào thì chưa chỉ rõ.
Kết quả đánh giá cán bộ hằng năm hầu hết đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, ít có người hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ.
Các chỉ số đánh giá quản trị công của tỉnh (PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI) sụt giảm qua các năm; một số tiêu chí đạt thấp, chưa có sự cải thiện, nhưng trách nhiệm thuộc về tập thể, cá nhân nào cũng chưa đề cập.
“Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị cần phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo và triển khai việc đánh giá trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CBCCVC thực chất và hiệu quả hơn. Trong chỉ đạo đánh giá tập thể, cá nhân năm 2024 cần có nội dung cụ thể vấn đề này để phát hiện cho được những tập thể, cá nhân nào có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm để xử lý, răn đe” - ông Bình kiến nghị.
Khẳng định UBND tỉnh sẽ chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt đối với nhiệm vụ CCHC trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói, cần xem lại cách điều hành của bộ phận một cửa như thế nào để đảm bảo hoạt động thông suốt, phục vụ kịp thời cho người dân. Hiện nay, người dân vẫn còn phàn nàn, chưa thật sự đồng tình với việc giải quyết TTHC ở “một cửa”.
Một bộ phận cán bộ có tiến bộ, nhưng vẫn còn một bộ phận làm việc cầm chừng, ngại khó, sợ sai. Còn sự chồng chéo, phối hợp không nhịp nhàng giữa sở ngành, địa phương.
“Thủ tục nào mà pháp luật không quy định thì tỉnh bãi bỏ, giảm bớt sự rườm rà. Chế độ công vụ của CBCCVC tập trung quyết liệt hơn nhằm minh bạch, rành mạch hơn về trách nhiệm thủ trưởng, người đứng đầu, cấp phó, trưởng phó phòng, chuyên viên trong giải quyết công việc; chấn chỉnh tình trạng cấp trưởng cử cấp phó họp thay…” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các cấp, ngành rà soát, đánh giá kỹ những khâu yếu, hạn chế, các tiêu chí thấp điểm trong báo cáo xếp hạng về CCHC để có giải pháp quyết liệt. Các chỉ số bị đánh giá thấp điểm ở tiêu chí thành phần nào thì tập trung cải thiện ở ngay tiêu chí đó.
Quan tâm đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC làm công tác CCHC gắn với tăng cường nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên môn nghiệp vụ, yêu cầu công việc.
Cùng với đó, đẩy mạnh, thực hiện nghiêm, đồng bộ công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC theo quy định, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm, vị trí có dư luận, có vấn đề...