Xã hội

Điện Bàn chủ động ứng phó thiên tai

VĨNH LỘC 04/10/2024 13:07

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, từ giữa tháng 6/2024 Điện Bàn đã xây dựng phương án phòng chống, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ngành liên quan, sẵn sàng ứng phó với bão lũ, nhất là tại những vùng xung yếu.

b1.jpg
Nhiều đoạn bờ sông ở Điện Bàn bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: V.L

Nỗi lo sạt lở

Đoạn bờ sông Thu Bồn thuộc thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) vừa được cắm bảng cảnh báo sạt lở. Từ hơn 10 năm trước, sạt lở bắt đầu diễn ra mạnh mẽ nơi đây do sông đổi dòng chảy, đâm trực diện vào bờ gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân.

Trong khi đó, bên kia sông, đoạn qua thôn Hòa Giang (xã Điện Trung), xen giữa những đụn cát bồi ven bờ là nhiều vách đất dựng đứng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ khi lũ về…

Nhiều năm qua, sạt lở đã trở thành vấn đề nan giải của Điện Bàn. Khảo sát sơ bộ cho thấy, trên địa bàn thị xã xuất hiện gần 20 điểm sạt lở lớn nhỏ với chiều dài khoảng 20km, chủ yếu ven các sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bình Phước, Thanh Quýt, Tứ Câu…

Tại thôn Lạc Thành Đông (xã Điện Hồng), hơn 500m bờ sông Bình Phước bị sạt lở nặng. Người dân thôn Lạc Thành Đông cho biết, tình trạng sạt lở đã diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng nghiêm trọng nhất là mùa mưa lũ khiến không chỉ đất canh tác bị cuốn trôi mà còn đe dọa đường dây điện cao thế và nghĩa địa cận kề. Rất nhiều đoàn công tác của tỉnh, thị xã đã đến xem xét, khảo sát nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý.

Điện Bàn có 99 km sông ngòi tự nhiên, hầu hết sông chảy quanh co, khúc khuỷu. Hàng năm đến mùa lũ lụt, những vị trí bờ lõm dọc ven sông thường bị sạt lở, ăn sâu vào bờ 5 - 15m. Sạt lở không chỉ làm mất đất sản xuất mà còn gây hư hỏng, sập đổ nhà dân, các công trình cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi.

Theo tính toán, để kè kiên cố 1km sạt lở chi phí hơn 35 tỷ đồng, với hàng chục ki lô mét sạt lở như hiện nay, Điện Bàn khó thể kè chống toàn bộ do nguồn đầu tư lớn.

Đến nay, địa phương mới chỉ xây dựng hơn 10 công trình kè sông (chiều dài hơn 5km) gồm kè Văn Ly (ở hai xã Điện Quang, Điện Hồng), kè Kỳ Lam (Điện Quang), kè Cẩm Đồng (Điện Phong), kè Câu Lâu (Điện Phương), kè Bì Nhai (Điện Thọ), kè Vĩnh Điện (phường Vĩnh Điện, Điện An), kè Lạc Thành (Điện Hồng).

Mới đây, dự án kè cứng sạt lở đoạn sông gần khu vực đập ngăn mặn Tứ Câu (khối phố Ngân Câu, phường Điện Ngọc) với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng (tỉnh hỗ trợ 2,6 tỷ đồng, còn lại ngân sách thị xã) cũng đã xây dựng hoàn thành. Tuy nhiên, với những khu vực sạt lở lớn hơn, hầu như chưa thể triển khai do không đủ nguồn kinh phí.

Chủ động phòng chống thiên tai

Các thống kê cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2023, Điện Bàn hứng chịu trực tiếp 15 cơn bão, 7 đợt áp thấp nhiệt đới, 58 trận lũ lụt, trong đó trên báo động 3 là 16 trận và 46 trận dưới mức báo động 3.

b3.jpg
Điện Bàn cắm biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm tại những nơi xung yếu trước mùa bão lũ. Ảnh: V.L

Thiên tai đã làm 34 người chết, 286 người bị thương, 181 nhà sập, cuốn trôi, xiêu vẹo, 987 nhà tốc mái hoàn toàn, hư hỏng và những thiệt hại khác. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 709 tỷ đồng...

Để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), từ tháng 6/2024, UBND thị xã đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị xã và văn phòng giúp việc cho ban chỉ huy. Thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác PCTT&TKCN, chú trọng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro…

Đối với xã, phường, bên cạnh thực hiện những nội dung công việc tương tự cấp thị xã, các địa phương cũng ban hành văn bản chỉ đạo trường học, hợp tác xã, trạm y tế, thôn/khối phố... thành lập tổ chỉ huy PCTT&TKCN do trưởng đơn vị làm trưởng ban. Riêng thôn/khối phố thành lập tổ xung kích phòng chống thiên tai.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, bão lũ, Điện Bàn đã tích cực chủ động xây dựng phương án ứng phó từ rất sớm.

Trong đó, tuân thủ chặt chẽ phương án 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) cũng như bám sát thực hiện phương án xen ghép, đây cũng là những cách thức Điện Bàn thực hiện ổn định lâu nay.

“Thời gian qua, UBND thị xã đã giao Phòng Kinh tế phối hợp các địa phương kiểm tra khảo sát những điểm sạt lở và có phương án xử lý như cắm biển cảnh báo, di dân (nếu bị ảnh hưởng)… Trong cơn bão Yagi vừa qua, các phương án cũng đã được kích hoạt vận hành.

Nói chung, công tác phòng chống bão lũ trên địa bàn thị xã luôn được Điện Bàn chuẩn bị chu đáo trước mùa mưa bão hàng năm và đã trở thành quy trình thuần thục, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai bão lũ xảy ra” - bà Châu khẳng định.

VĨNH LỘC