Y tế

Ngành y tế Quảng Nam đưa truyền thông giáo dục sức khỏe về cơ sở

THÙY AN 04/10/2024 10:58

Công tác truyền thông y tế hiện nay đã và đang thực hiện với nhiều hoạt động hiệu quả; riêng khu vực miền núi công tác này còn nhiều khó khăn, cần sự chung tay của địa phương và cả người dân.

cab bo y te huong dan ba con pc dịch benh
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân vùng cao phòng ngừa dịch bệnh.

Thời gian qua, ngành y tế thực hiện nhiều hoạt động truyền thông rộng khắp và bám sát các hoạt động trọng tâm của ngành trên mọi lĩnh vực.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết: “Truyền thông giáo dục sức khỏe là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Công tác này được thực hiện thường xuyên tại tất cả cơ sở y tế như các bệnh viện, phòng khám bệnh, chuyên khoa, các trung tâm y tế, trạm y tế, trường học...

Theo định hướng của Sở Y tế, công tác truyền thông y tế phải luôn chủ động và đi trước; đa dạng về hình thức; nội dung bám sát các ngày sức khỏe trong năm, bám sát tình hình dịch bệnh, nhu cầu người dân”.

Những hình thức truyền thông hiệu quả phải kể đến là chuyên mục “Sức khỏe cho mọi người” phát trên sóng QRT; sản xuất các sản phẩm truyền thông gửi các tuyến; truyền thông qua fanpage, website CDC Quảng Nam; tổ chức phát tờ rơi, treo băng rôn, tổ chức các lớp truyền thông, nói chuyện chuyên đề sức khỏe cho người dân…

Mạng lưới truyền thông y tế đến nay đã phủ khắp từ 18 huyện/thị xã/thành phố, từ tuyến tỉnh cho đến các thôn, bản. Chị Đinh Thị Len (thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) nói: “Ở đây nhiều phụ nữ chỉ muốn sinh con tại nhà vì thói quen cũng như điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn. Sau khi được chúng tôi tuyên truyền về biện pháp phòng tránh thai, chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, tiêm chủng..., nhận thức của người dân nơi đây dần thay đổi tích cực”.

Tại các trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn, các cán bộ làm công tác truyền thông cũng nhanh nhạy xây dựng góc truyền thông với nhiều nội dung đa dạng, dễ hiểu.

Anh Bnướch Miêng (phụ trách công tác truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang) cho biết: “Việc xây dựng góc truyền thông đã giúp người dân có thể cập nhật về phòng chống dịch bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm...”.

Có thể thấy, mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe từ tuyến tỉnh cho đến thôn, bản đã không ngừng củng cố, khắc phục những khó khăn. Qua đó góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Hiện nay, một số đơn vị vẫn chưa củng cố, phân công cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ truyền thông y tế. Trong khi đó, khối lượng công việc nhiều, đa số các đơn vị thiếu trang thiết bị truyền thông, biến động nhân lực liên tục cũng khiến cho công tác tuyên truyền gián đoạn.

Cán bộ truyền thông tuyến dưới đều làm kiêm nhiệm nên không có thời gian để đầu tư, đổi mới, sáng tạo, khi vừa tiếp cận được thời gian thì bị thay đổi, ít có ý định gắn bó lâu dài…

Bác sĩ Kim Vân cho biết thêm: “Trong những năm qua, mạng lưới truyền thông y tế cơ sở đã được củng cố, phát triển thêm nhân lực. Tuy nhiên, cán bộ làm công tác truyền thông đều kiêm nhiệm, thay đổi; nguồn kinh phí đầu tư cho trang thiết bị còn hạn chế... nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả truyền thông”.

Chị Bríu Thị Xuân ở thôn Voòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, nói: “Ở đây, muốn vận động được bà con phải đến tận nhà, giao thông khó khăn. Nhưng bù lại, sự thay đổi tích cực của bà con là động lực để tôi gắn bó với công việc”.

Các cán bộ y tế đến tận thôn bản tích cực vận động nhưng một số người dân chưa mặn mà, quan tâm đến các vấn đề chăm sóc sức khỏe, tình hình dịch bệnh. Do vậy, để thay đổi, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân vùng núi cao là cả quá trình truyền thông kiên trì và lâu dài.

THÙY AN