Nghe chuyện gốm sứ tái sinh
Nguyễn Long Giang là một nhiếp ảnh gia ở thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp tỉnh và khu vực Đông Bắc. Nhưng niềm đam mê lớn nhất của Giang lại là sưu tầm cổ vật.
Dựng... không gian cư trú truyền thống
Quê gốc của Giang ở làng Trũng (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), là quê hương của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám (1858 - 1913). Anh về quê, lập Việt Phủ Linh Giang, cách khu di tích lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám chừng 500m.
Vừa làm khu du lịch sinh thái, vừa biến nơi ở trở thành chốn trưng bày những cổ vật mà anh sưu tầm trong mấy chục năm qua cho bằng hữu, du khách chiêm ngưỡng.
Việt phủ Linh Giang là tổ hợp những ngôi nhà cổ điển hình ở vùng trung du Bắc Bộ. Không gian với ao hồ, đình tạ, vườn cây lưu niên, nhà hàng… đủ để bạn bè và du khách phương xa đến thăm quê hương của Đề Thám có chỗ nghỉ ngơi, vãn cảnh và tham quan bộ sưu tập cổ vật của anh.
Giang cất một một nhà gỗ 3 gian 2 chái, lợp ngói mũi hài. Một ngôi nhà ngang ở chính giữa Việt phủ, tuân theo truyền thống dựng nhà - lập vườn của người dân địa phương, nhưng quy mô và bề thế hơn.
Nơi đó, anh trưng bày những cổ vật gốm, sứ, gỗ, đá, đồng, dụng cụ làm nông, các bộ phận trang trí, kiến trúc đình chùa cổ, xe hơi...
Ngôi nhà gỗ cũng là một cổ vật có giá trị kiến trúc, mỹ thuật và là nơi “trình diễn” không gian cư trú truyền thống của người dân làng quê vùng trung du Bắc Bộ. Và ai đến thăm cũng đều thích thú.
Nghệ thuật khảm đồ gốm
Điều ấn tượng nhất với tôi, khi hai lần đến thăm Việt phủ Linh Giang là “bộ sưu tập gốm sứ mosaic” của anh. Từ bình, chóe, lọ, đôn, chậu, bát dĩa đến những bộ đồ trà bằng gốm thời Lý - Trần - Lê của Việt Nam, bằng sứ thời Nguyên - Minh - Thanh của Trung Quốc… được triệu về từ khắp nơi trưng bày trong ngôi nhà gỗ.
Nguyễn Long Giang còn sở hữu những đồ gốm, đồ sứ - mà thiên hạ bỏ đi - nhưng lại trở thành những hiện vật đặc sắc trong sưu tập của anh. Đó là những món gốm sứ được Giang khảm lên bình phong, bể cạn, chậu cây, hoành phi, cửa gỗ… và “khảm” lên chính những món gốm sứ hàng trăm năm tuổi.
Nghệ thuật khảm đồ gốm lên kiến trúc xuất hiện ở Huế vào khoảng triều Minh Mạng (1820 - 1841). Chúng ta thường thấy trên các công trình kiến trúc bên trong Hoàng Thành như Thái Hòa Điện, Thế Tổ Miếu, Duyệt Thị Đường, đặc biệt là ở trên các miếu môn nơi Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu…
Những người thợ nề ngõa (kỹ thuật xây dựng cổ) thời Nguyễn khi xây đắp phần nền móng của các cung điện, đền miếu… trong Hoàng thành Huế, đã dùng những mảnh gốm sứ, chủ yếu mua từ Trung Quốc, đắp lên mặt ngoài của nền móng kiến trúc để trang trí. Cách này vừa che lấp những khiếm khuyết khi thi công, vừa giữ cho công trình luôn được tươi sáng, thay vì chỉ làm bằng nề vữa thì phải quét vôi hàng năm.
Họ cũng dùng những mảnh gốm sứ vỡ để tạo thành các đồ án phong cảnh sơn thủy, nhân vật, hoa điểu, muông thú… trang trí trên các ô hộc và cổ diêm của các miếu môn dẫn vào những khu miếu thờ các vị vua chúa triều Nguyễn.
Đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ lên kiến trúc thời Nguyễn là vào triều Khải Định (1916 - 1925), với các công trình tiêu biểu như: Hiển Nhân Môn, Chương Đức Môn, Duyệt Thị Đường (trong Hoàng thành), Cửu Tư Đài (trong An Định Cung), và đặc biệt là Thiên Định Cung (trong Ứng Lăng - lăng vua Khải Định), mà nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật từng ví von là “mosaic of Vietnam” (tranh khảm Việt Nam).
Nguyễn Long Giang từng tới Huế nhiều lần để tham gia các cuộc trưng bày cổ vật trong các kỳ Festival Huế. Anh tỏ ra thích thú với nghệ thuật khảm sành sứ “mosaic of Vietnam” hiện hữu trên nhiều di tích ở cố đô.
Vậy là khi trở lại với Việt Phủ Linh Giang, anh áp dụng nghệ thuật đó để trang trí cho các công trình kiến trúc ở đây, làm gia tăng giá trị cho các món gốm sứ bị sứt vỡ, mà thiên hạ thường chê bai, không thèm sưu tầm.
Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết: “Ông Giang là một trong số ít người am hiểu sâu văn hóa, dày công sưu tầm được nhiều cổ vật phản ánh các thời kỳ phát triển của đất nước. Không chỉ dừng lại ở niềm đam mê của cá nhân, trong vai trò là hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, ông Nguyễn Long Giang còn tích cực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cung cấp nhiều thông tin quý báu cho các nhà nghiên cứu cũng như hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng tỉnh”.
Gần đây Việt phủ Linh Giang mở cửa đón học sinh, sinh viên, khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm và trở thành điểm hẹn của những người đam mê cổ vật trong toàn quốc.
Độc đáo “bộ sưu tập gốm sứ mosaic”
Trong khi nghệ thuật “mosaic” ở cố đô Huế chỉ khảm gốm sứ lên các bộ phận kiến trúc làm bằng vôi vữa, thì tại Việt phủ Linh Giang, gốm sứ không chỉ được khảm trên vôi vữa, mà cả trên đồ gỗ và đồ sứ.
Ngoài ra, trong khi thợ thuyền ở Huế thời Nguyễn thường dùng những mảnh vỡ để khảm với mục đích làm cho công trình được phong quang, tươi sáng… thì Nguyễn Long Giang lại “lẩy” những chi tiết trang trí bằng men màu trên những món gốm sứ bị vỡ, sứt… Giang tái hiện chúng trên những chất liệu khác, hiện vật khác, theo đúng với đồ án trang trí nguyên thủy, mà tôi tạm gọi là tái sinh những cổ vật hàng trăm năm tuổi. Đây là nét độc đáo của “bộ sưu tập gốm sứ mosaic” ở Việt phủ Linh Giang.
Anh đã tái hiện các đồ án “mai hạc”, “ngựa qua cầu”, “mai cài thọ”, “song lân triều thọ”, rất phổ biến trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn và đồ sứ Trung Hoa lên thành bể cạn. Giang cũng khảm các đồ án “Đông bích đồ thư”, “mai tước - song thọ”, “long mã”, “mai điểu”, “long lân triều thọ”, “sen cua” lên các bức bình phong trước tòa nhà chính.
Các đồ án “liên điệp” và “hoa điểu” có trên đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh được khảm lên bộ cửa chính của tòa nhà gỗ 3 gian 2 chái. Anh cũng tạo hình các chữ Hán “Đức Lưu Quang” bằng sứ gắn lên hoành phi treo trong nhà trưng bày cổ vật…
Đặc biệt, anh đã tỉ mẩn tách từng chi tiết trong đồ án “bọ ngựa vờn mây” trên một chiếc dĩa sứ Trung Hoa thế kỷ 18 bị vỡ nát, để khảm lên lòng một chiếc dĩa gốm cùng thời, tái sinh một hiện vật có giá trị mỹ thuật nhưng có số phận không may…
Những kỳ công của Nguyễn Long Giang đối với nghệ thuật khảm sành sứ “kiểu mới” này đã giúp tái sinh những món đồ gốm sứ bị hư vỡ - dân trong nghề thường gọi là “thương binh” - trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giàu thẩm mỹ, có giá trị văn hóa. Nhờ anh mà những món đồ “thương binh” này đã có một thân phận mới, giá trị mới.
“Không có món cổ vật nào đáng phải bỏ đi. Chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác và vẫn giữ nguyên giá trị. Tùy vào người chơi cả thôi”. Đó là lời của Nguyễn Long Giang nói với tôi, khi tôi thăm Việt phủ Linh Giang và chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm sứ “tái sinh” độc đáo của anh trong một ngày cuối thu.