Văn hóa

Bí ẩn mảnh tượng đất nung tại hang Đá Chùa

TRẦN VŨ - HÀ THỊ SƯƠNG 06/10/2024 08:08

Hang Đá Chùa (thôn An Long, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn) với những bí ẩn được phát hiện qua các mảnh đất nung...

mot-so-manh-tuong-dat-nung-duoc-tim-thay-tai-hang-da-chua.jpg
Một số mảnh tượng đất nung được tìm thấy tại hang Đá Chùa

Những mảnh tượng vỡ

Một người bạn của chúng tôi khi đi làm từ thiện tại thôn An Long cho biết, anh nhìn thấy nhà người dân ở đây lưu giữ một số mảnh vỡ của tượng Phật bằng đất nung lâu đời.

Liên hệ với người quen làm ở UBND xã Quế Phong, chúng tôi được biết, những mảnh đất nung được lưu giữ tại nhà bà Phạm Thị Hà và được bà nhặt về từ hang Đá Chùa.

Tìm đến khảo sát tại hang Đá Chùa, đa số người dân ở đây đều biết về địa danh này. Ông Nguyễn Khoa Toàn (90 tuổi) và bà Nguyễn Thị Dũng (81 tuổi) cho biết, hang Đá Chùa đã được cha mình và thế hệ trước nhắc đến.

Cũng theo ông Toàn và bà Dũng, trước đây cách đình An Long khoảng 50m, có một cái miễu (nhà tự) nhỏ được xây bằng gạch và lợp ngói, trong đó có thờ mấy tượng Phật, bên cạnh có cây sựa (hoa sữa) rất lớn.

Miễu là nơi để mọi người đến cúng tế, sau đó mới xuống đình An Long sinh hoạt. Trên địa bàn thôn An Long hiện còn có địa danh Dốc Chùa (gần đình An Long). Sau này do chiến tranh nên miễu bị tàn phá, tượng phật thất lạc. Không biết có phải tượng ở miễu đưa lên đó không?

Ông Toàn cho biết thêm, người dân truyền rằng chỗ miễu này ban đầu làm Phật đồng, sau đó đổi sang tượng Phật đất. Những năm sau giải phóng, do không có đất sản xuất, người làng lên khu vực hang Đá Chùa phát cây trồng sắn, chuối... và làm chòi ở lại buổi trưa.

Khi nghỉ ngơi, họ vào hang Đá Chùa và thấy các tượng Phật được đặt ngay ngắn theo cụm, có cả xe đạp thời Pháp. Sau này có một số người nghĩ có đồ quý trong tượng và thách đố nhau nên đập vỡ các tượng.

Bà Phạm Thị Hà - người đang lưu giữ những mảnh tượng đất nung từ hang Đá Chùa cho biết, trước đây, cha của bà là ông Phạm Văn Hoa (sinh năm 1956) kể cho bà nghe về những cụm tượng để ngay ngắn trong hang.

Hồi tháng 3 năm ngoái, bà Hà theo cha lên lại hang Đá Chùa để tìm những tượng năm xưa mang về thờ. Tuy nhiên, khi đến nơi, bà chỉ nhìn thấy những mảnh đất nung bị vùi lấp theo từng cụm.

Bà tìm nhặt một số mảnh lớn có dấu vết khắc vạch các chi tiết đầu và mặt của tượng mang về. Sau đó bà tiếp tục lên thu gom thêm một số mảnh về mong gắn ghép lại thành tượng hoàn chỉnh.

Có phải hiện vật của niên đại thế kỷ 18, 19?

Được bà Hà dẫn đường, sau gần 2 giờ đồng hồ đi bộ qua các triền đồi trồng keo lá tràm, chúng tôi cũng đến được hang Đá Chùa.

manh-tuong-bang-dat-nung-nam-theo-cum-trong-hang-da-chua.jpg
Mảnh tượng bằng đất nung nằm theo cụm trong hang Đá Chùa

Ngay ở lưng chừng đỉnh núi, hang đá hình thành tự nhiên từ một tảng đá núi lửa lớn và bằng phẳng, nằm gác chồng lên khối đá nhỏ (như cây trụ chống) tạo nên khoảng trống cao khoảng 1m - 2m, rộng hơn 10m2, bên trong có những tảng đá nhỏ vừa phải bằng phẳng như những chiếc bàn.

Mặt hang đá hướng về hướng tây. Tại hang có xương, phân động vật, bom mìn còn sót lại… chứng tỏ hang này từng là nơi nghỉ chân của cả người và động vật.

Có 114 mảnh tượng đất nung phát hiện tại hang Đá Chùa được bà Hà lưu giữ với các kích thước khác nhau. Một số mảnh lớn được nhận biết rõ các bộ phận của tượng qua dấu vết khắc vạch: mắt, mũi, tai, đầu tóc, chân, tay… Một số mảnh có chi tiết trang trí đắp nổi hoa văn; còn lại đa số không trang trí hoa văn.

Những mảnh tượng được nặn từ đất sét mịn, nung ở nhiệt độ khá cao nên rất chắc chắn và nặng. Có những mảnh có màu xám, một mặt được miết láng, mặt còn lại để thô.

Qua thông tin thu thập, điều tra, khảo sát tại hang Đá Chùa, đối sánh hiện vật và tham vấn chuyên gia khảo cổ học, chúng tôi nhận định: Địa điểm hang Đá Chùa đã có từ khá sớm nhưng chưa biết chính xác thời gian. Những mảnh đất nung là mảnh vỡ của tượng Phật, tượng thần và vật thờ cúng “có niên đại khoảng thế kỷ 18 - 19”.

Vì gần đình An Long có một cái miễu và hiện nay có địa danh Dốc Chùa (gần đình An Long), đặt ra cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi. Các mảnh tượng hiện nay ở hang Đá Chùa có phải được mang đến từ miễu hay từ đâu đến? Vì sao có địa danh Dốc Chùa? Hang Đá Chùa là nơi thờ tự hay chỉ là nơi cất giấu tượng trong thời kỳ chiến tranh hay thời kỳ nào? Giữa hang Đá Chùa, Dốc Chùa và những mảnh tượng có mối liên hệ gì với nhau? Đó vẫn còn là bí ẩn cần được giải đáp.

Để trả lời những câu hỏi trên cần có thời gian nghiên cứu, kiểm chứng thông tin. Hiện tại, Bảo tàng Quảng Nam đã tiếp nhận những mảnh tượng đất nung trên để chỉnh lý, bảo quản phục vụ nghiên cứu, trưng bày giới thiệu về quá trình khai ấp lập làng vùng đất Quế Phong, Quế Sơn nói riêng và Quảng Nam nói chung.

TRẦN VŨ - HÀ THỊ SƯƠNG