Dịch vụ công trực tuyến: Cấp thiết giải tỏa điểm nghẽn
Nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được UBND tỉnh ban hành. Tuy nhiên, còn nhiều điểm hạn chế, bất cập về tiếp cận cũng như cách thực hiện thủ tục trực tuyến toàn trình, quy trình thủ tục hành chính phức tạp... khiến bức tranh dịch vụ công trực tuyến của Quảng Nam xuất hiện nhiều khoảng trống.
Cải cách thủ tục hành chính: Còn lắm gian nan
Mặc dù Quảng Nam đã có những chủ trương, hành động quyết liệt, cụ thể nhưng các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) trong đó chỉ số cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Năm 2023, Chỉ số PAR INDEX của tỉnh đạt 84.6 điểm, xếp vị thứ 56/63 tỉnh, thành phố, trong đó lĩnh vực về cải cách TTHC xếp vị thứ 62/63.
Người dân chưa mặn mà
Ngày 11/7/2024, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về mức thu phí, lệ phí không đồng trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Quảng Nam cũng là một trong những tỉnh tiên phong triển khai dịch vụ bưu chính công ích, đến nay có 16/16 sở ban ngành, 15 huyện, thành phố đã chuyển giao 100% TTHC qua bưu điện tiếp nhận, trả kết quả.
Những nỗ lực trong thời gian qua đã góp phần nâng cao tỷ lệ DVCTT của tỉnh. Theo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tỷ lệ hồ sơ xử lý và tiếp nhận trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2024 ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã lần lượt là 92,4%, 61,5%, 71%.
Tuy nhiên, tỷ lệ DVCTT tăng nhưng cũng không ít nỗi lo. Bởi, thực tế, hồ sơ trực tuyến tăng cao không đến từ sự chủ động của người dân mà chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của cán bộ công chức, nhân viên bưu chính công ích, lực lượng tổ công nghệ cộng đồng... Về cơ bản, người dân chưa mặn mà sử dụng DVCTT. Nguyên nhân chính nằm ở việc nộp hồ sơ trực tuyến phức tạp, nhất là những DVC trên một số lĩnh vực như đất đai, đòi hỏi nhiều thủ tục, giấy tờ.
Tính đến ngày 12/8/2024, tổng số TTHC cung cấp DVCTT toàn trình 1.159 (tỷ lệ 60,5%), một phần 16 (tỷ lệ 0,60%); điểm cung cấp DVCTT của tỉnh đạt 7,7/12, tỷ lệ 64%; điểm thanh toán trực tuyến đạt 7,6/10 tỷ lệ 76%.
Ông Nguyễn Bá Trọng Hiền, nhân viên công ty về tư vấn xây dựng trên địa bàn TP.Tam Kỳ, cho biết đã nhiều sử dụng DVCTT để làm TTHC, nhất là thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề xây dựng. Tuy nhiên, cũng phải mất một thời gian dài ông mới quen dần với thao tác trên Cổng DVC. “Thời gian đầu thao tác khá vất vả do hệ thống bị lỗi, một số giấy tờ nộp cổng không đúng nên cán bộ Sở gọi điện yêu cầu làm lại, khá mất thời gian” - ông Hiền nói.
Một cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thừa nhận, ngay cả cán bộ, công chức viên chức còn “làm biếng” khi thực hiện DVCTT, chứ đâu phải người dân.
Tại Hiệp Đức, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trong 8 tháng đầu năm đạt 61,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm mạnh từ tháng 7 trở đi, do quy định sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất để thực hiện TTHC.
Ông Nguyễn Phước Niên - Chánh văn phòng UBND huyện Hiệp Đức cho biết, nhiều người dân chưa có tài khoản định danh điện tử; một số người làm TTHC, nhất là trên lĩnh vực đất đai thường tuổi cao, chưa có điện thoại thông minh, nên không thể cài đặt tài khoản VNeID để nộp hồ sơ...
Lâu nay mình làm cho người dân là chủ yếu. Nơi tỷ lệ DVCTT cao là nhờ sự hỗ trợ tốt, tích cực, còn nơi thiếu nhân lực, trình độ... thì tỷ lệ thấp. Thực tế, có rất ít người ở nhà làm DVCTT, nhất là ở nông thôn, miền núi...
Ông Nguyễn Phước Niên - Chánh văn phòng UBND huyện Hiệp Đức
Trễ hẹn do đâu?
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, mặc dù UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch khắc phục nhưng các chỉ số đánh giá quản trị công của tỉnh liên tục tụt giảm qua các năm; một số tiêu chí thành phần đạt thấp, không có sự cải thiện.
Cải cách TTHC vẫn là điểm yếu trong công tác CCHC của tỉnh do việc công bố, công khai TTHC còn chậm và tỷ lệ hồ sơ trễ hạn còn cao. Ở cấp tỉnh, trong tháng 8/2024, tổng số hồ sơ đã giải quyết và đang giải quyết trễ hạn là 64 hồ sơ; cấp huyện 773 hồ sơ; cấp xã 397 hồ sơ. Phần lớn hồ sơ trễ hạn thuộc lĩnh vực đất đai.
Phân tích về thực trạng này, ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ TTHC trễ hạn của ngành TN-MT khoảng 6,3%. Lý do trễ hạn không nằm ở bộ thủ tục hay quy trình CCHC, mà có nhiều nguyên nhân, trong đó phức tạp nhất là việc xác định nguồn gốc đất.
Hiện nay, nhiều địa phương cấp xã chỉ có 1 cán bộ địa chính trong khi hồ sơ cần xác định nguồn gốc đất lớn. Chưa kể, họ còn làm nhiều việc, từ xây dựng cơ bản đến quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN-MT
Theo ông Ảnh, trong giải quyết TTHC về đất đai còn nhiều “mắt xích” có vấn đề. Đầu tiên cần đánh giá lại việc tiếp nhận qua bưu chính công ích. Theo đó, thủ tục tiếp nhận nhưng chỉ xác định hồ sơ theo số lượng chứ hoàn toàn chưa biết đủ hay đúng. Do đó, nhiều hồ sơ không đảm bảo phải trả ngược lại gây mất thời gian.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, chỉ số CCHC tụt hạng do nhiều nguyên nhân, trong đó TTHC còn rườm rà, ách tắc; cách làm trong giải quyết hồ sơ TTHC tại bộ phận một cửa còn lòng vòng, mất thời gian.
Nêu ví dụ về việc Hội Người cao tuổi tỉnh làm thủ tục thành lập Hội, ông Dũng cho biết: “Khi họ gửi hồ sơ đến một cửa, một cửa mang đến Sở Nội vụ thẩm định, do thiếu cái này cái kia rồi trả lại một cửa, một cửa trả lại Hội làm lại... Tôi cho cách làm như vậy là lòng vòng, quá phiền hà”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, cán bộ “một cửa”, nhất là ở cấp xã, phòng chuyên môn các cấp hướng dẫn làm TTHC cho người dân còn “lắt nhắt”, buộc người dân phải đi lại nhiều lần. Chưa kể, có nơi còn gây nhũng nhiễu, phiền hà.
Cần hành động từ hai phía
Mới đây, HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình về công tác CCHC của tỉnh. Tại đây, nhiều vấn đề đã được “mổ xẻ”, phân tích và chỉ ra giải pháp khắc phục.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, từ năm 2023, tỉnh đã hoàn thành hợp nhất Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Tuy nhiên, những vướng mắc về liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đồng bộ số liệu giữa các hệ thống chưa được xử lý kịp thời.
Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT cho rằng, để sử dụng được DVCTT thì phải từ hai phía, gồm phía cung cấp dịch vụ (các cơ quan hành chính nhà nước 4 cấp) và phía người sử dụng, tức là người dân, doanh nghiệp.
Muốn thúc đẩy DVCTT, hạ tầng cũng phải từ 2 phía cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Ở miền núi, DVCTT chưa đuổi kịp do hạ tầng, cơ sở vật chất của người dân chưa đảm bảo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu phân ra từng loại khu vực để sử dụng các DVC khác nhau.
Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT
Ông Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, với DVCTT, nếu chỉ đầu tư về hạ tầng của Nhà nước là chưa đủ, mà còn cả nhận thức, kiến thức của người dân, hạ tầng viễn thông...
Đại diện Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho rằng không thể hỗ trợ, làm thay DVCTT cho người dân mãi được. Tinh thần là phải làm sao để DVCTT dễ sử dụng như một ứng dụng phổ biến. Muốn vậy, ngoài tuyên truyền thì cần phải đơn giản hóa quy trình, giảm thủ tục, dữ liệu phải liên thông, đồng bộ...
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, thời gian đến, UBND tỉnh sẽ không ban hành thêm thủ tục không cần thiết và cắt bỏ một số thủ tục rườm rà. Đồng thời chỉ đạo các ngành ban hành các bộ quy trình giải quyết TTHC một cách cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian để tiến hành giám sát, xử lý trên các lĩnh vực đầu tư, cấp phép khai thác khoáng sản, đo đạc, chỉnh lý đất đai...
Gỡ khó từ nguồn lực địa phương
Lấy kết quả làm cơ sở để đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, phần nào đó góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021-2025, tính đến thời điểm này các sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 17 quyết định phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi quản lý. Tính đến tháng 8/2024, tổng số TTHC đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.870 thủ tục (cấp tỉnh 1.485 thủ tục, cấp huyện 351 thủ tục, cấp xã 161 thủ tục).
Hồ sơ trực tuyến còn thấp
Chưa có thiết bị ký số để thực hiện hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Từ đây, người dân thường lựa chọn phương thức nộp trực tiếp và bằng bản giấy để... yên tâm hơn. Đặc biệt, từ tháng 7/2024 trở đi, công dân không sử dụng được các tài khoản thông thường trên các hệ thống để nộp thủ tục mà phải thực hiện bằng tài khoản định danh điện tử VNeID. Điều này kéo theo việc nhiều người khó khăn hoặc người cao tuổi, đồng bào vùng núi chưa trang bị thiết bị thông minh gặp khá nhiều trở ngại.
Cùng với đó, người dân vẫn chưa thành thạo thao tác nộp hồ sơ TTHC trên môi trường mạng khiến số lượng hồ sơ trực tuyến chưa cao tại cấp huyện và cấp xã.
Số lượng hồ sơ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính của địa phương được triển khai trên Cổng DVC quốc gia chưa được đồng bộ về Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Hồ sơ chứng thực chiếm phần lớn tại UBND cấp xã nhưng thủ tục này chưa đủ điều kiện triển khai DVCTT nên tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến tại UBND cấp xã còn thấp.
Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn vướng mắc về liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đồng bộ số liệu với nhau. TTHC nội bộ đa dạng về thẩm quyền ban hành và cách thức phối hợp thực hiện nên còn chồng chéo về thẩm quyền rà soát, ban hành danh mục.
Ưu tiên làm sạch dữ liệu
Ở địa bàn miền núi, việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đồng bộ dẫn đến vướng mắc trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả tài nguyên cơ sở dữ liệu. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí còn thấp nên cơ chế một cửa điện tử khó triển khai thực hiện, nhất là các DVCTT.
Cán bộ, công chức phụ trách giải quyết TTHC ở các xã thiếu ổn định, thường xuyên luân chuyển, thay đổi vị trí việc làm và chưa được đào tạo nghiệp vụ nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của cơ chế “một cửa, một cửa liên thông…
Chưa kể, mạng di động mới được phủ sóng tại trung tâm các xã, các thôn ở vùng sâu, xa chưa có mạng di động, số lượng người dân vùng cao có điện thoại thông minh thấp nên tỷ lệ nộp hồ sơ của nhân dân còn hạn chế. Một số thành phần hồ sơ trong TTHC có dung lượng lớn, khi tải lên rất khó khăn, nhất là đối với điện thoại smartphone cấu hình thấp…
Đại diện Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, mức độ đáp ứng nhu cầu người dùng trên các Cổng DVC ở các địa phương còn rất hạn chế. Cụ thể, tính đồng bộ và nhất quán trên phạm vi cả nước chưa có. Quy trình và kết quả giải quyết TTHC chưa được công khai đầy đủ, khó tìm kiếm, khó truy vết.
Nhiều loại hồ sơ mới dừng ở mức chuyển từ dạng giấy sang điện tử, chứ chưa đạt mức số hóa quy trình, tận dụng dữ liệu số để đơn giản hóa quy trình, thủ tục. Việc số hóa, làm sạch dữ liệu ở một số địa phương còn chậm, chưa có lộ trình, kế hoạch rõ ràng.
Thậm chí, một số cơ quan, đơn vị chủ yếu thực hiện việc số hóa ở mức sao chụp chuyển từ bản giấy sang bản điện tử nên không bảo đảm giá trị pháp lý, dẫn tới tình trạng người dân nộp hồ sơ bản điện tử xong lại quay về, mang hồ sơ bản giấy đi nộp. Ðiều này gây lãng phí nguồn lực số hóa, tốn kém tài nguyên lưu trữ.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để từng bước nâng cao chất lượng DVCTT, đối với khó khăn về hạ tầng CNTT, hạ tầng viễn thông, tỉnh bố trí nguồn lực cho các đơn vị, địa phương đầu tư. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm việc với các doanh nghiệp về mở rộng diện phủ sóng di động cũng như hỗ trợ chuyển đổi điện thoại 2G sang smartphone cho công dân. Cạnh đó, việc rà soát, tái cấu trúc quy trình tiếp tục được đẩy mạnh để cung cấp DVCTT một phần và toàn trình đảm bảo theo quy định hiện hành, đồng bộ đầy đủ 100% hồ sơ, trạng thái xử lý TTHC từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh lên Cổng DVC quốc gia.
Tiếp cận nhiều tiện ích
Công an Quảng Nam hiện là đơn vị duy trì tốt tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công, với 11 dịch vụ công thiết yếu do ngành này chủ trì. Nhiều thủ tục có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 100% như: đăng ký thường trú, tạm trú; thông báo lưu trú; thủ tục làm con dấu; cấp hộ chiếu phổ thông; đăng ký cấp biển số xe gắn máy; phạt nguội…
Đăng ký xe tại nhà
Đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những tiện ích đang được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) triển khai đồng loạt trên địa bàn tỉnh từ 1/8 vừa qua, dựa trên Thông tư 28 năm 2024 của Bộ Công an.
Theo đó, chủ xe không phải đưa xe đến cơ quan đăng ký xe, mà sẽ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nhận chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.
Việc bấm biển số được chủ xe thực hiện trên cổng dịch vụ công hoặc trên ứng dụng định danh quốc gia. Cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia thông báo biển số xe được cấp và hướng dẫn nộp tiền lệ phí đăng ký xe qua tin nhắn điện thoại, địa chỉ thư điện tử hoặc thông báo trên ứng dụng định danh quốc gia để chủ xe nộp tiền qua tiện ích thanh toán được tích hợp trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia.
Quy trình đăng ký xe toàn trình đã được lực lượng CSGT tăng cường thông tin, tuyên truyền qua nhiều kênh, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội.
“Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 15 trường hợp đăng ký xe toàn trình. Khó khăn chung hiện nay là các chủ phương tiện có tài khoản định danh điện tử mức 2 nhưng lâu ngày không sử dụng, không cập nhật ứng dụng, quên mật khẩu nên trục trặc trong đăng nhập. Các trường hợp khác chưa đăng ký định danh mức 2 nên chưa sử dụng được. Cùng với đó, trên hệ thống dịch vụ công, việc đồng bộ dữ liệu về thuế, đăng ký hải quan chưa kịp thời. Đây là yếu tố về kỹ thuật, CSGT phải hướng dẫn, giải thích cho người dân” - Thượng tá Phan Thanh Hồng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh chia sẻ.
Cũng theo ông Hồng, tâm lý chung của người dân là muốn làm nhanh, lo sợ trục trặc khi kê khai qua mạng nên thường chọn làm trực tiếp, do vậy, ảnh hưởng đến tỷ lệ sử dụng DVCTT trên lĩnh vực này.
Hướng tới người dân
Chuyển từ phương thức thủ công sang sử dụng DVCTT là bước cải cách mạnh mẽ của nền hành chính phục vụ, hướng tới người dân. Tuy nhiên, thay đổi tâm lý, tạo nhận thức sâu rộng cho nhân dân vẫn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong công tác tuyên truyền. Độ trễ trong giải quyết thủ tục thông qua DVCTT vẫn còn, việc kê khai thông tin một số dịch vụ còn phức tạp khiến nhiều người dân chưa mặn mà.
Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho hay, công an Quảng Nam với vai trò thường trực của tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã và đang đẩy mạnh triển khai các mô hình của Đề án 06. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”. Lãnh đạo Công an tỉnh cho hay, nhiều thời điểm cổng dịch vụ công Bộ Công an và Cổng dịch vụ công quốc gia gặp các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc đăng nhập VneID nên không khai thác dữ liệu dân cư phục vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến, ảnh hưởng đến tỷ lệ phát sinh DVCTT.
Việc triển khai các mô hình điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: chưa có giải pháp cụ thể của Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ; chưa có hướng dẫn cụ thể các tiêu chí kỹ thuật, quy trình lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp cũng như cơ chế bố trí kinh phí để thực hiện, dẫn đến các đơn vị gặp khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn giải pháp cũng như đề xuất kinh phí thực hiện.
Một bộ phận nhân dân ở vùng khó khăn, nhất là địa bàn miền núi chưa có tài khoản định danh điện tử VneID do không có sim chính chủ, không dùng thiết bị thông minh, am hiểu về công nghệ thông tin còn hạn chế dẫn đến không thể phát sinh hồ sơ DVCTT. Công an tỉnh đã và đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền việc cài đặt, kích hoạt, sử dụng VneID cho người dân trên địa bàn tỉnh.
“Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các thành viên tổ công tác Đề án 06, thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương phải xác định rõ nhiệm vụ, tập trung rà soát làm rõ các mặt tồn tại, hạn chế, các điểm nghẽn thuộc thẩm quyền nào giải quyết báo cáo kịp thời để có hướng khắc phục, tránh chung chung hình thức. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức ban hành kế hoạch, kiểm tra giám sát việc thực hiện Đề án 06 các đơn vị địa phương, hướng tới mục tiêu tăng cường xây dựng và khai thác tiện ích từ đề án 06 phục vụ cho công dân” - Đại tá Hồ Song Ân thông tin.
Từng bước tạo thuận lợi cho người dân
Lần đầu tiên một Ki-ốt Dịch vụ công được triển khai thí điểm để tiếp nhận thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp. Cũng như vậy, mô hình điểm “5 thủ tục hành chính không chờ” bước đầu mang lại sự hài lòng để người dân thích ứng dịch vụ công trực tuyến.
Ki-ốt dịch vụ công
Thay vì phải xếp hàng mất thời gian để chờ đến lượt giao dịch TTHC như trước đây, chị Lê Thị Anh Tuyết (thôn Lý Trường, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình) chỉ cần vài thao tác đơn giản trên Ki-ốt Dịch vụ công (DVC). Sau khi chọn hồ sơ và thủ tục cần nộp được hiển thị trên màn hình Ki-ốt, chị Tuyết truy cập bằng cách quét mã QR ứng dụng VNeID trên điện thoại để đăng nhập.
Lúc này trên màn hình Ki-ốt hiển thị yêu cầu chị nhập đầy đủ thông tin, kiểm tra và xác nhận đủ thành phần hồ sơ. Các loại giấy tờ đính kèm theo hồ sơ cần nộp chỉ cần cho vào khe scan, máy sẽ tự động tạo bản sao và trả lại giấy tờ gốc ngay tại chỗ. Sau khi thực hiện xong các bước, Ki-ốt yêu cầu kiểm tra lại thông tin đã nhập và nhập mã xác nhận. Khi xác nhận thông tin, hệ thống hiển thị nộp hồ sơ thành công và máy tự động in phiếu tiếp nhận hồ sơ, sau đó chị Tuyết nhận giấy hẹn và ra về chờ ngày trả kết quả.
Ki-ốt DVC tiếp nhận thủ tục hành chính rất nhỏ gọn, thoạt nhìn trông rất giống như cây ATM. Thiết bị được cấu thành từ hệ thống máy tính màn hình cảm ứng, tích hợp máy in + scan, máy quét mã QR và được kết nối đến Cổng DVC thông qua mạng wifi.
Điểm tiện lợi của Ki-ốt là tất cả nội dung hiển thị bằng tiếng Việt, to rõ ràng, thao tác đơn giản, quy trình gọn lẹ, phù hợp với phần lớn người dân, nhất là đối với công dân lớn tuổi. Sau khi công dân nộp thủ tục, hồ sơ sẽ được chuyển đến Cổng DVC để cán bộ tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đúng hẹn.
Ki-ốt DVC được đặt tại bộ phận một cửa xã Bình Phú. Bên cạnh hệ thống cảm biến thông minh, khai thác dữ liệu từ VNeID, thì thông qua công nghệ tự động hóa được hỗ trợ tại Ki-ôt, người dân không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ tiếp nhận và trả kết quả.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Phú chia sẻ, hệ thống Ki-ốt này cũng là thước đo để người dân tiếp cận, đánh giá cán bộ công chức. “Trước đây chưa trang bị người dân đến trực tiếp rất đông, hơn nữa thời gian giải quyết 1 hồ sơ rất lâu, dẫn đến quá tải và bà con chờ đợi phiền hà. Chừ thông qua Ki-ốt, người dân tự thao tác nộp hồ sơ, nhận phiếu hẹn nên rất tiện lợi…”.
Ông Phạm Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc VNPT Quảng Nam cho biết, thực hiện mô hình Đề án 06, VNPT phối hợp với chính quyền triển khai giải pháp tự động hóa trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa thông qua Ki-ốt DVC. Mô hình này làm nhiệm vụ khai thác dữ liệu từ ứng dụng VNeID, qua đó từng bước thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đề án 06, phục vụ cho công cuộc cải cách hành chính và chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới...
Thủ tục hành chính không chờ
Tại xã Quế Châu (huyện Quế Sơn), mô hình 5 thủ tục hành chính được chọn để triển khai gồm: cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; đăng ký kết hôn; đăng ký lại khai tử; đăng ký khai tử; cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa (thôn Phước Đức, xã Quế Châu) hiện làm việc tại TP.Đà Nẵng nói, mới đây, anh về quê để làm thủ tục Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. So với trước đây, anh Nghĩa phải mất thời gian chờ đợi thì nay hồ sơ của anh được giải quyết trong vòng 15 phút.
Anh Nghĩa cho biết, sau khi được hướng dẫn, anh tiến hành đăng nhập VNeID, đăng ký tài khoản trên hệ thống DVC, chọn thủ tục cần giao dịch và nhập các thông tin có liên quan. Sau khi gửi thông tin, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã sẽ tiếp nhận xử lý hồ sơ.
“Tôi thấy mô hình này rất tiện, trước đây mất khoảng 2 - 3 ngày thì nay chỉ trong vòng 15 phút tôi được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, lại vừa tiết kiệm thời gian đi lại hơn so với trước đây” – anh Nghĩa cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Quảng – cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã Quế Châu cho biết, mô hình “5 thủ tục hành chính không chờ” xuất phát từ thực tế địa phương. Trong đó, lĩnh vực tư pháp – hộ tịch được chọn triển khai trong mô hình bởi đây là những lĩnh vực được người dân giao dịch thường xuyên.
“Từ ngày 15/8, người dân muốn sử dụng mô hình này, thì điều kiện đầu tiên là cần sử dụng tài khoản VNeID mức độ 2. Điểm nhấn của mô hình này đó là mọi thao tác trong quy trình giải quyết hồ sơ đều được thực hiện trực tuyến, qua đó giảm thời gian đi lại cho người dân và tiết kiệm chi phí cho cơ quan Nhà nước” – ông Quảng thông tin.
Theo ông Nguyễn Minh Sỹ - Chủ tịch UBND xã Quế Châu, mô hình “5 thủ tục hành chính không chờ” ra đời vào cuối tháng 6/2024. Để triển khai mô hình, công chức Tư pháp - Hộ tịch và cán bộ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã đã được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, đảm bảo nắm vững quy trình và quy định pháp luật liên quan.
“Mô hình này không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ công chức xã, mà còn thực hiện mục tiêu nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với các DVC. Thời gian tới, UBND xã Quế Châu sẽ xem xét mở rộng phạm vi áp dụng cho các thủ tục hành chính khác, từng bước nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp” – ông Sỹ nói.
Yếu tố tiên quyết để nâng cấp chất lượng DVC trực tuyến là phải đặt người dùng ở trung tâm, và tái cấu trúc toàn bộ hệ thống xuất phát từ nhu cầu và sự thuận tiện mỗi người dân. Từ những mô hình điểm này, hy vọng người dân ngày càng thích ứng với những tiện ích từ chuyển đổi số.