Cây bản địa là cây gì?
Lãnh đạo huyện miền núi Quảng Nam mới đây nêu câu hỏi tại một diễn đàn lớn của tỉnh. Thoạt nghe, có vẻ rất “lạ” và… bất ngờ, bởi vấn đề bật ra từ chính… một cán bộ cả đời lăn lộn nơi quê xứ.
Hơn thế, mấy năm gần đây, có không ít văn bản của HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách, kế hoạch về quy hoạch, khuyến khích các loại cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả ở các vùng; trong đó liệt kê cụ thể danh sách các loại cây bản địa. Cán bộ lãnh đạo địa phương lẽ nào không biết?
Nhưng, đằng sau câu hỏi có vẻ như không cần phải hỏi nêu trên, lại là một câu chuyện dài về nông nghiệp và đời sống, sinh kế của nông dân, nhất là ở miền núi, mà mấy chục năm qua, trên bình diện chung của cả tỉnh và mỗi địa phương, vẫn chưa tìm ra câu trả lời thuyết phục.
“Trồng cây lim phải mất 50 năm, kiền kiền phải mất 30 năm mới đủ điều kiện khai thác. Cây bản địa đó! Nhưng thử hỏi, mấy chục năm chờ đợi, bà con miền núi sống bằng gì?
Tỉnh đã có chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi trồng cây keo sang trồng rừng gỗ lớn, nhưng hỗ trợ chỉ 10 triệu đồng mỗi héc ta và phải chờ 4 năm sau, khi đã thành rừng dân mới được nhận tiền Nhà nước. Trong khi mỗi héc ta đất trồng cây gỗ lớn, người dân phải đầu tư từ 80 đến 100 triệu đồng. Như vậy làm sao mà vận động?” - vị cán bộ đã nêu ra câu hỏi.
Còn nhớ, nhân dân các vùng Trà My, Tiên Phước, đã từng có thời gian dài lao đao, khốn khổ vì cây quế ngoại (giống quế ở các tỉnh miền Bắc). Chuyện là, sau ngày tái lập tỉnh (1997), nắm được thông tin về các giống quế ở miền Bắc với đặc tính dễ trồng, chóng lớn, từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch khá ngắn, nên các địa phương ồ ạt nhập về. Khổ nổi, đến lúc khai thác… chẳng biết bán cho ai!
Vậy là, một “phong trào” chặt bỏ quế ngoại cũng rầm rộ như lúc mới mua giống về trồng. Chưa kể, đã từng dấy lên những lo ngại của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương về sự lai tạp, nguy cơ mất đi nguồn gen quý của giống quế Trà My nổi tiếng trên vùng đất Quảng.
Trớ trêu là mấy năm gần đây, các giống quế xứ Bắc đã “trở lại” một số huyện vùng cao của tỉnh, từ sau những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm của lãnh đạo các địa phương. Thông tin từ các huyện, hàng trăm héc ta quế ngoại đã được trồng trên địa bàn nhiều xã; vậy nhưng đáp án đầu ra vẫn còn rất mơ hồ.
Chuyện không chỉ ở cây quế. Mấy năm qua, trong những nỗ lực tìm tòi hướng đi cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo những vùng sản xuất lớn hướng tới chuỗi sản xuất và xuất khẩu, tỉnh và các địa phương đã ban hành khá nhiều chính sách hỗ trợ, định hướng, khuyến khích.
Đơn cử một số văn bản: Quyết định số 1331, ngày 31/5/2024 của UBND tỉnh ban hành Danh mục giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản để hỗ trợ thực hiện chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 04, ngày 4/1/2023 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển vùng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn Quảng Nam; Kế hoạch số 7509, ngày 16/10/2023 của UBND tỉnh về phát triển vùng trồng tập trung các sản phẩm chủ lực gắn với một số vùng trồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030;...
Trong các văn bản nêu trên, đã xác định rất cụ thể danh sách loại cây trồng ở mỗi vùng, quy mô diện tích phát triển qua từng giai đoạn, kèm theo nhiều giải pháp về xây dựng vùng sản xuất giống, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thị trường,... Nhưng nói như lãnh đạo của ngành nông nghiệp, tỉnh chỉ định hướng, còn trồng cây gì, nuôi con gì là quyết định của… nông dân và các địa phương!
Trở lại với câu hỏi của vị lãnh đạo huyện, rõ ràng không đơn giản ở câu trả lời. Bởi đằng sau đó, là những lo âu, trăn trở dai dẳng về sinh kế trước mắt của bà con nông dân và câu chuyện giữ rừng, phát triển kinh tế rừng; là sự lúng túng chưa có lối thoát về hướng đi bền vững cho một nền kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hiện đại; là sự bất cập giữa chính sách và những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn...