Hộ bà Mùi khấm khá nhờ nuôi dê
(QNO) - Nghe nhiều người trầm trồ khen ngợi hộ bà Nguyễn Thị Mùi ở khối phố Viêm Minh (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) làm ăn ngày càng khấm khá nhờ chăn nuôi dê, chúng tôi đến thăm và nghe câu chuyện thoát nghèo thú vị...
Dạo bước quanh khu dân cư đang trong giai đoạn hoàn thiện thuộc khối phố Viêm Minh (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), trước mặt chúng tôi là một đàn dê khoảng hơn 70 con mập tròn đang gặm cỏ.
Theo đàn dê vào sâu trong khu dân cư và đã gặp được chủ nhân của đàn dê này là một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Mùi. Bà Mùi sinh năm 1967 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hà Dừa, nay là khối phố Hà Dừa (phường Điện Ngọc). Lớn lên lập gia đình, rồi sinh con, có cháu nhưng cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào nghề nông của hai vợ chồng nhưng ruộng đất ít, con cái đông, hai vợ chồng thường hay đau ốm, hoàn cảnh kinh tế đã khó lại càng khó hơn.
Thông cảm và sẻ chia với hoàn cảnh gia đình bà Mùi, cách đây khoảng chừng 10 năm, một người bà con trong họ cho mượn tiền không tính lãi để mua dê giống và nhờ người về hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê.
Vốn liếng ít lúc đầu chỉ đủ mua 6 con dê giống, sau 5 năm chăn thả, đàn dê sinh sản nhiều, không dịch bệnh, có thời điểm đàn dê lên hơn 100 con. Mỗi năm bán ra thị trường 20 con, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/năm.
Mới gặp, bà Mùi cứ nghĩ chúng tôi có nhu cầu mua dê thịt, bà tranh thủ “quảng cáo” về chất lượng dê nuôi ở vùng cát. Dê là động vật ăn tạp, vì thế có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn sẵn có như lá cây, cỏ, rơm tươi... thịt nạc, chắc, ngon và thơm. Giá theo thời điểm hiện nay 130 nghìn đồng/kg đối với dê đực và 120 nghìn đồng/kg đối với dê cái,còn dê giống với giá 150 nghìn đồng/kg...
Dê mẹ mỗi năm đẻ hai lứa (2 - 3 con mỗi lứa). Dê có khả năng sinh trưởng nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn có thể xuất chuồng bán thịt hoặc làm giống. Dê con nuôi trong thời gian 4 - 5 tháng có trọng lượng từ 20 - 25 kg/con là xuất bán. Dê dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, không tốn thức ăn, chỉ tốn công chăn thả. Tuy nhiên, nếu thời tiết thay đổi đột ngột, phải có thuốc để phòng ngừa tiêu chảy và một số bệnh về đường ruột. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài thì cần phải bổ sung các chất vitamin B1, B6, B12, khoáng, vi lượng, kẽm, sắt, muối… để tăng sức đề kháng, phòng bệnh hiệu quả cho đàn dê. Đồng thời thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, mỗi tuần dội nước ít nhất một lần vì dê không thích nghi với độ ẩm cao.
Không chỉ dễ nuôi mà dê còn là loài động vật có vốn đầu tư ít, đầu ra ổn định. Bên cạnh còn có sự chịu thương chịu khó, không ngừng tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăn nuôi dê và mở rộng quan hệ tìm đối tác giải quyết đầu ra hợp lý góp phần làm nên mô hình nuôi dê trên cát ở phường Điện Ngọc mang lại hiệu quả cao. Thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước giúp hộ nuôi dê phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Từ chỗ nghèo khó, 4 con nhỏ ăn học thiếu thốn nay đã lập gia đình, yên bề gia thất. Nhà cửa xây dựng khang trang, đầu tư mua sắm đầy đủ các phương tiện phục vụ nhu cầu nghe nhìn và đi lại tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu hàng hóa và học tập.
Chia tay nữ chủ nhân đàn dê ra về, chúng tôi nhớ câu nói hóm hỉnh của bà: “Hình như ông trời đã định trước duyên số hay sao mà bản thân sinh vào năm Mùi và được cha mẹ đặt cho cái tên Mùi, mà tuổi Mùi là tuổi con dê. Lúc nhỏ không ai nghĩ sau này mình sẽ chăn nuôi dê. Nhờ con dê mà gia đình mình ăn nên làm ra”!