Thế giới

Diễn đàn One Global Vietnam: Kết nối tri thức và đổi mới sáng tạo

HOÀNG BẢO 07/10/2024 11:08

(QNO) - Ngày 5/10/2024, tại Paris (Pháp), trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ, Diễn đàn “Một Việt Nam toàn cầu và Pháp ngữ” (One Global Vietnam - La Francophonie - OGVF 2024) đã được tổ chức bởi Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global).

579-202410070758161(1).jpg
Diễn đàn One Global Vietnam - La Francophonie 2024. Ảnh: H.B

Diễn đàn có sự tham gia của 100 chuyên gia và nhà khoa học người Việt cùng quốc tế từ hơn 10 quốc gia, bao gồm các nước chiến lược trong khối Pháp ngữ như: Pháp, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ, Canada, Maroc, cũng như các khu vực kinh tế đang phát triển tại châu Phi.

Các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về kế hoạch hành động cho chiến lược Việt Nam toàn cầu trong khối Pháp ngữ, khai thác sức mạnh tổng hợp từ nhân tài Việt, đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo nhằm hướng đến sự thích ứng bền vững.

Phát biểu tại sự kiện, PGS-TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của AVSE Global trong việc tổ chức Diễn đàn OGVF 2024 và khẳng định rằng cộng đồng trí thức ở nước ngoài đóng vai trò như những sứ giả, kết nối Việt Nam với thế giới.

579-202410070758162(1).jpg
PGS-TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn OGVF 2024. Ảnh: H.B

Sản phẩm trí tuệ Việt cùng tham gia giới thiệu

Trong khuôn khổ diễn đàn, một sản phẩm khoa học công nghệ mang tên Phần mềm học tiếng Việt đa ngôn ngữ Kiwimedias và 17 ngôn ngữ khác đã được giới thiệu. Đây là thành quả trí tuệ Việt được phát triển bởi ông Hoàng Đức Bảo - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vinabook điều hành, kết hợp với nhà sáng tạo - ông Hoàng Văn Khẩn (Trường Âu Lạc Việt tại Thụy Sĩ) sáng lập. Phần mềm Kiwimedias đã nhận được sự tán thưởng từ các nhà khoa học uy tín quốc tế và đang được mong đợi như một công cụ hỗ trợ học tập đa ngôn ngữ mang tính đột phá.

Đây là lần giới thiệu tiếp theo sau buổi ra mắt đầu tiên vào ngày 1/10/2024 tại Thụy Sĩ, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ người học tiếng Việt và các ngôn ngữ khác trên toàn thế giới. Phần mềm đã nhận được đánh giá cao từ các cơ quan chuyên môn và ban ngành liên quan. Đặc biệt, Bộ/Sở Giáo dục và đào tạo Genève Thụy Sĩ đã ủng hộ và công nhận phần mềm ứng dụng này, sử dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

579-202410070758163(1).png
Diễn đàn OGVF 2024 quy tụ nhiều chuyên gia, trí thức Việt Nam và quốc tế. Ảnh: HVK

Vai trò chiến lược của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ

Việt Nam, với vị thế là quốc gia cầu nối giữa châu Á và khối Pháp ngữ, tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa và kinh tế. Tại OGVF 2024, vai trò chiến lược của Việt Nam sẽ được đề cao, mở ra những cơ hội hợp tác đa phương giữa Bắc và Nam bán cầu, góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa bền vững.

Diễn đàn OGVF 2024 không chỉ là nơi trao đổi kiến thức mà còn là môi trường để các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo chia sẻ tư duy sáng tạo và tìm kiếm các giải pháp đổi mới nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho cộng đồng Pháp ngữ. Ba chủ đề chính của diễn đàn bao gồm: Văn hóa và nghệ thuật (Tôn vinh sự sáng tạo đa dạng), Giáo dục và y tế (Cải thiện chất lượng cuộc sống), Thương mại và công nghệ (Đổi mới vì tăng trưởng bền vững).

Cùng hành động cho chiến lược Việt Nam toàn cầu

Diễn đàn đã khởi đầu với phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “La Francophonie trong một thế giới toàn cầu hóa: Thách thức và cơ hội”. Những phiên thảo luận chuyên đề đã đi sâu vào các lĩnh vực hợp tác như thương mại, giáo dục, y tế và văn hóa, từ đó xây dựng các chiến lược tăng trưởng bền vững cho Việt Nam và các nước trong cộng đồng Pháp ngữ.

PGS-TS Võ Trung Toàn - bác sĩ phục hồi chức năng tại Pháp chia sẻ: “Về hành trình 30 năm sống và làm việc tại đây, tôi cũng đã tổ chức các khóa học tiếng Pháp dành cho bác sĩ Việt Nam đến học tập và thực tập”.

Ông Toàn nhấn mạnh, khối Pháp ngữ cần đóng vai trò là cầu nối giúp người Việt Nam dễ dàng tiếp cận hệ thống khám chữa bệnh cũng như truy xuất nguồn gốc dịch bệnh. Với tỷ lệ dân số Việt Nam có tuổi thọ cao ngày càng tăng, tin rằng khối Pháp ngữ có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc cơ cấu lại các cơ sở khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới như: Giáo sư Đinh Xuân Anh Tuấn (Pháp), Phó Giáo sư Thái Mai (HEC Montréal), Giáo sư Hà Dương Minh (Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp) và Tiến sĩ Nguyễn Duy Cừ (Luxembourg), cùng các đại diện từ nhiều tập đoàn và tổ chức quốc tế khác. Diễn đàn OGVF 2024 không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò chiến lược toàn cầu mà còn mở ra những con đường mới cho sự hợp tác bền vững trong tương lai.

Diễn đàn OGVF 2024 là cơ hội quan trọng để Việt Nam khẳng định vai trò chiến lược trong cộng đồng Pháp ngữ; đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế về văn hóa, giáo dục, y tế và công nghệ. Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia uy tín, các tổ chức và tập đoàn lớn, cùng nhau tìm kiếm giải pháp sáng tạo, bền vững cho sự phát triển toàn cầu. Đặc biệt, phần mềm học tiếng Việt đa ngôn ngữ Kiwi Medias là một ví dụ điển hình.

Ông Dominici Matteo - Chủ tịch Merja Zarka và phụ trách các vấn đề xã hội tại Terrafrica-Tech Maroc nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác giữa các quốc gia nói tiếng Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ mới. Mối liên kết văn hóa và ngôn ngữ trong khối Pháp ngữ là tài sản quý giá, góp phần tăng cường quan hệ giữa Pháp và các nước, đặc biệt tại châu Phi và châu Á, bao gồm Việt Nam.

Do đó, về năng lượng, ông Matteo cho rằng Việt Nam có nhiều kinh nghiệm phát triển điện gió và năng lượng mặt trời, và nên chuyển giao kiến thức cho các quốc gia châu Phi như Maroc và Senegal để thúc đẩy phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực.

Theo các nghị quyết, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và ghi nhận những đóng góp, ý kiến tư vấn của đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước. Điều này được cụ thể hóa thông qua các văn bản quan trọng như Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng trí thức kiều bào tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã đưa ra các chính sách cụ thể nhằm thu hút và phát huy nguồn lực trí thức từ nước ngoài, đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Qua diễn đàn lần này, mở ra cơ hội để Việt Nam khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời củng cố vai trò và vị thế của đất nước trong cộng đồng Pháp ngữ trên nhiều lĩnh vực như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và phát triển thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

HOÀNG BẢO