Hội An hỗ trợ người trẻ đổi mới sáng tạo
Hiện nay, TP.Hội An chú trọng thúc đẩy giới trẻ đổi mới sáng tạo và tham gia xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ được vận dụng, nghiên cứu, đề xuất.
Thành đoàn Hội An vừa phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề “Từ Hội An ra thế giới - Hành trình trở thành công dân toàn cầu”. Tham gia tọa đàm, hơn 50 thanh thiếu niên trên địa bàn TP.Hội An đã được tìm hiểu các khái niệm và những giải pháp cụ thể cho hành trình trở thành công dân toàn cầu. Ngoài ra, thanh thiếu niên được trải nghiệm thực hành lớp học “Công dân toàn cầu - Nhà lãnh đạo tài ba”.
Anh Trần Quốc Vương - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP.Hội An chia sẻ, trở thành công dân toàn cầu đang là xu thế tất yếu, là mục tiêu mà giới trẻ địa phương hướng đến và phấn đấu thực hiện, nhất là khi Hội An đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Tọa đàm được tổ chức nhằm góp phần trang bị kỹ năng cần thiết, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và đào tạo, phát triển các câu lạc bộ nhà lãnh đạo trẻ tại địa phương.
Đầu năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt khoản viện trợ “Thúc đẩy đổi mới của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững” do quỹ Fondation Botnar (Thụy Sĩ) tài trợ thông qua UN-Habitat.
Theo đó, dự án được thực hiện trong hai năm 2024 - 2025 tại TP.Tam Kỳ và TP.Hội An với kinh phí khoảng hơn 10 tỷ đồng. Thời gian qua, nhóm nghiên cứu của dự án đã ghi nhận được 43 sáng kiến ĐMST của Hội An và Tam Kỳ có 54 sáng kiến.
Theo ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế, đại diện nhóm nghiên cứu của dự án “Thúc đẩy đổi mới của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững”, hiện nay TP.Tam Kỳ và TP.Hội An đã khẳng định vị thế là những trung tâm khởi nghiệp ĐMST năng động trong khu vực; tạo dựng được môi trường thuận lợi để các ý tưởng sáng tạo được ấp ủ và phát triển.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp và đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cần có những giải pháp toàn diện hơn.
Trước hết, có đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện nhu cầu thực tế của thị trường và cộng đồng đối với các giải pháp ĐMST. Tăng cường sự tham gia của các tổ chức hội, đoàn thể và các cơ sở giáo dục vào hoạt động khởi nghiệp để nâng cao năng lực ĐMST cho cán bộ, hội viên.
Ngoài ra, cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ và hoàn chỉnh; đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng bá về khởi nghiệp ĐMST.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, chính giới trẻ là những người sẽ tham gia xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo và triển khai dự án “Thúc đẩy đổi mới của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững”.
Thành phố cũng xác định làm sao để giới trẻ nhận thức được cần phải ĐMST như thế nào. Đồng thời giới trẻ cần có điều kiện thuận lợi nhất, những nguồn lực quan trọng nhất, đặc biệt là sự kiến tạo của nhà nước và sự dẫn dắt của các chuyên gia để định hướng.