Tam Kỳ và chuyện ba ngọn núi
(VHQN) - Các núi Quảng Phú, An Hà và Trà Cai là ba thực thể địa lý của vùng lỵ sở huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ xưa. Biểu trưng logo của Tam Kỳ hiện nay cũng mô phỏng lại địa danh này theo hình sông, thế núi, với biểu tượng 3 núi, 3 sông.
Núi Quảng Phú
Trên địa bàn xã Quảng Phú xưa có sáu đồi đất đỏ, bốn ngọn còn tên là núi Một, núi Chùa, núi Ba Ty và núi Cấm là ngọn lớn nhất.
Bản chữ nho sách “Đại Nam nhất thống chí” lưu tại Thư viện KHXH TP.Hồ Chí Minh mô tả sơn hệ có núi Cấm: “Tại huyện đông nam; sơn mạch tòng An Hà sơn nhi lai. Liên khởi lục phong quảng ngũ lý hứa. Quảng Phú xã nhân biểu trưng nhất phong vi lâm cấm. Thụ mộc tùng mậu”.
Dịch ra có nghĩa: “Nằm về phía đông nam lỵ sở huyện Hà Đông. Mạch núi chạy từ núi An Hà đến, gồm sáu ngọn liền một dãy dài quãng hơn 5 dặm. Người dân xã Quảng Phú dựng bảng “rừng cấm” nơi ngọn núi chính giữa. Cây cối ở đây rất tươi tốt, rậm rạp”.
Dưới chân núi Cấm, là làng Quảng Phú - một trong những điểm dừng chân đầu tiên của lưu dân từ Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa vào vùng Tam Kỳ từ thế kỷ 16, 17. Vùng này còn lưu truyền nhiều câu chuyện hư linh gắn với sự tích các ngọn núi đất, với sự tiếp biến văn hóa Chăm - Việt.
Quanh chân núi Cấm - Quảng Phú là nền đất hóa đá ong. Do vậy, nghề “chặt đá ong” đã trở thành nghề truyền thống của cư dân địa phương từ giữa thế kỷ 20 trở về trước.
Hiện nay, mé đông và đông bắc núi Cấm là nơi tọa lạc tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng rất bề thế, nổi tiếng cả nước.
Núi An Hà
Chắc chắn tên “An Hà” của núi được lấy từ tên làng Tứ chánh An Hà nằm bao quanh chân núi này. Làng được gọi là “tứ chánh” (nghĩa: nhiều hướng, nhiều nơi) này tập hợp lưu dân từ Nghệ An, Thanh Hóa và nhiều vùng khác ở phía bắc vào.
Theo nghiên cứu của cụ Ngô Duy Trí ở khối phố An Hà Trung, phường An Phú (làng An Hà cũ) thì tên đầu tiên của làng là “ấp An Lạc” (1578-1588) sau chuyển thành “thôn An Não” (1588-1683) rồi thành “xã Ngọc Sơn” (1684-1743) và cuối cùng là tên “xã Tứ chánh An Hà” (từ 1744). Không rõ trong ba địa danh An Lạc - An Não - Ngọc Sơn, địa danh nào là tên cũ của ngọn núi này?
Núi An Hà tiếp giáp với sông Quảng Phú (phía nam và tây nam) và đầm Chiên Đàn (phía bắc và đông bắc). Sông Quảng Phú chảy từ hướng huyện Thăng Bình vào, rồi chạy men theo chân núi An Hà tạo thành một quang cảnh kỳ thú.
Núi An Hà soi bóng xuống đầm Chiên Đàn - một đầm lớn có sản vật trù phú, nổi tiếng của xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Do vị trí địa lý sát sông sát đầm khá thuận lợi với sinh hoạt kinh tế nên từng có thời kỳ vùng chân núi An Hà diễn ra hoạt động buôn bán rất phồn thịnh.
Xưa, quanh sườn núi An Hà có chùa làng ở hướng bắc, mộ xưa ở hướng đông nam và hướng nam, miếu cổ ở hướng tây nam - trong đó có di tích miếu Bà và mộ một võ quan thời chúa Nguyễn có quê gốc ở Tống Sơn - Thanh Hóa được nhiều người tìm hiểu.
Khoảng sau khi tách tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, ngành phát thanh và truyền hình địa phương đã cho dựng trên đỉnh núi An Hà một cột ăng ten phát sóng cao vút. Hình ảnh núi có tháp truyền hình này đã thành một biểu tượng cho thành phố Tam Kỳ hiện đại.
Núi Trà Cai
Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi “núi Trà Cai ở cách huyện Hà Đông 4 dặm về phía nam; mạch núi từ núi Chủ Sơn kéo về đến giữa đồng bằng, qua hẻm nổi vọt lên một ngọn, xung quanh có nước bao tròn trạnh ngay ngắn, ngất ngưởng đẹp tốt”.
Đoạn mô tả này có lẽ được soạn từ cuối thế kỷ 19, khi huyện lỵ Hà Đông chưa dời về xã Tam Kỳ mà còn ở xã Chiên Đàn, cách núi này 4 dặm về phía bắc.
Ông Nguyễn Thống, 87 tuổi, ở tổ 5 khối phố Đông Yên phường Hòa Thuận, sát chân núi Trà Cai cho biết: “Quanh ngọn núi chính có nhiều gò đất lớn nằm xen kẽ giữa các bãi đá lớn nhỏ - trong đó có các khối đá tảng rất lớn là đá Bàn, đá ông Tịch, đá ông Nuôi ở phía bắc; đá Dài, đá Voi, đá Lan ở phía nam.
Qua nhiều ảnh hưởng của thiên tai, chiến tranh và nhu cầu lấy đất đá xây dựng trong nhiều thời kỳ, bãi đá và các gò đất quanh núi đã không còn...”. Hiện tại, theo ông Thống, chỉ còn di tích miếu Trà Cai đã nhỏ hơn rất nhiều so với cũ.
Đến nay, quanh chân núi Trà Cai, các bãi đá tảng và các gò đất đã nhường chỗ cho nhiều mặt bằng phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển cơ sở sản xuất. Nhìn từ xa vẫn thấy dáng hình ngọn núi chính nhưng quang cảnh hùng vĩ chung quanh đã không còn nguyên vẹn như mô tả của hơn trăm năm trước.
Ba ngọn núi này không chỉ thể hiện bản sắc phong thủy - văn hóa - lịch sử của đất Tam Kỳ xưa. Bây giờ, bên cạnh các dòng sông Tam Kỳ, Bàn Thạch - Quảng Phú, Trường Giang, ba ngọn núi Quảng Phú, An Hà, Trà Cai trở thành những biểu tượng vững bền trong lòng phố Tam Kỳ.