Dịch bệnh dại diễn biến phức tạp, Quảng Nam tập trung phòng chống
Dịch bệnh dại trên địa bàn Quảng Nam đang diễn biến phức tạp và gia tăng đáng báo động. Điều này đặt ra vấn đề về quản lý việc tiêm vắc xin cho chó, mèo để phòng bệnh dại.
Tăng số người bị chó, mèo cắn
Thông tin từ Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam có 10 ổ dịch dại động vật tại các địa phương Hội An, Điện Bàn, Đông Giang, Hiệp Đức, Quế Sơn; trong đó thị xã Điện Bàn ghi nhận đến 4 ổ dịch; và chỉ riêng tháng 9, toàn tỉnh xảy ra 8 ổ dịch.
Ngoài ra, thống kê từ Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam có 1 người tử vong do mắc bệnh dại lâm sàng. Chưa kể, trong 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 5.083 người bị chó, mèo cắn, cào, phải đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị dự phòng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Đáng kể, trong số này có 667 trường hợp chó, mèo có biểu hiện bệnh, lên cơn dại hoặc chạy mất tích sau khi cắn người.
Cơ quan chức năng nhận định, dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và gia tăng đáng báo động. Các nguyên nhân được chỉ ra, bao gồm: vi rút dại lưu hành rộng rãi ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, hầu hết chó chưa tiêm phòng, lên cơn cắn người sau đó bị chết được lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm đều dương tính với vi rút dại.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh còn quá thấp, chỉ đạt 32,51%. Các địa phương hiện không quản lý, thống kê đàn chó, mèo nuôi; không thực hiện nghiêm chế tài xử lý vi phạm về quản lý chó nuôi, cũng như quản lý lỏng lẻo việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi theo quy định.
Nhiều chủ vật nuôi không thực hiện kê khai chăn nuôi, không xích, nhốt giữ chó trong khuôn viên gia đình, không đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng. Vẫn còn tình trạng đem chôn hoặc vứt xác chó, mèo chết ra môi trường, không báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để kiểm tra.
Siết quản lý việc Tiêm vắc xin
Sở Y tế cho biết, từ ngày 25/7 - 24/9, kết quả xét nghiệm 10 mẫu bệnh phẩm của người bị chó, mèo cắn đều dương tính với vi rút dại. Trong khi đó, số liệu tiêm phòng đến ngày 25/9, chỉ một số địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin cho chó, mèo từ 70% trở lên như Tiên Phước, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Tây Giang, Đại Lộc và Hội An đạt cao nhất với hơn 85%. Các địa phương khác có tỷ lệ tiêm rất thấp, cá biệt tại Phước Sơn là 0%, Phú Ninh 2,22%, Thăng Bình 7,36%, Núi Thành 9,87%...
UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Phước Sơn giải trình về nguyên nhân tiếp tục không tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn trong năm 2024, mặc dù trước đó đã có báo cáo kiểm điểm trách nhiệm.
Trước tình trạng bệnh dại đang có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp phòng chống bệnh dại.
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo phải đạt từ 70% của tổng đàn. Đối với các vùng phát hiện ổ dịch và địa phương thuộc vùng uy hiếp, phải đạt tỷ lệ 100% tổng đàn được tiêm phòng.
Mới nhất, ngày 1/10, UBND tỉnh có công điện yêu cầu các địa phương thành lập ngay đoàn công tác do lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh dại.
Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống dịch bệnh và nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng.
Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi. Trường hợp vật nuôi gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ nuôi hoặc người đang quản lý phải bồi thường về mặt dân sự cho người bị thiệt hại.
Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 và yêu cầu các địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại để bảo đảm đạt tỷ lệ phòng bệnh theo quy định, nhằm đáp ứng miễn dịch bảo hộ cho đàn chó, mèo ở địa phương