Tạp văn

Mùi của mùa

TRẦN TUẤN 08/10/2024 14:45

(VHQN) - Mùi của mùa, nói như các thi sĩ là hương thời gian. “Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh” (Đoàn Phú Tứ).

muathu-hanoi-01-1663752532-1663753829.jpg
Mùa thu Hà Nội năm cũ. Ảnh: D.T

1. Hà Nội những ngày này đang mùa thu. Nhưng, đã không còn hương hoa sữa nồng nàn quen thuộc, mà bỗng đặc quánh mùi của hàng vạn cây xanh bị bão số 3 (Yagi) đánh gục, quật ngã tơi tả, nát nhừ. Mùi từ những thân cây tươi rói to mấy vòng tay ôm bị cưa cắt để giải tỏa ùn ứ giao thông, dọn dẹp hiện trường cứ xộc lên khắp mọi góc phố, công viên, thật gắt nồng và đau đớn.

Vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc mùa này. Đáng lẽ lúa sắp chín vàng khắp các bậc thang đồi nương, là mùa lang thang khám phá của những du khách, mùa săn ảnh của những nghệ sĩ bốn phương. Nhưng mùa vàng no ấm nơi ấy đột ngột chuyển sang mùa mưa bão, mùa lụt lội, mùa chia lìa với bao cảnh tang thương không kể xiết.

Mùi tanh của bùn lầy bám riết lấy từng cơ thể, cả người sống, người đã chết, và cả bao người còn đang bị vùi lấp đâu đó dưới lớp bùn sâu hun hút, mà vừa mới đó còn là những mái nhà, chái bếp với hơi lửa ấm áp, yên bình.

Sống giữa xứ sở miền Trung lắm bão nhiều dông này, bạn đã bao giờ thấy lưỡi bão chưa? Tôi đã thấy trong cơn bão Xangsane cũng vào tháng 9 này của 18 năm trước.

Tôi đã thấy những chiếc lưỡi bão vươn dài liếm láp những đống đổ nát, những xác người, những vành nôi gãy; chiếc lưỡi vô hình cứ mọc mãi vươn mãi lách luồn mãi trong miệng một nỗi sợ hãi, ngoài bão. Và tôi cũng đã thấy những chiếc lưỡi ghê sợ của bão Yagi trong mùa đổ nát này…

Sống ở miền Trung, bạn đã bao giờ thấy bên trong những hạt mưa mùa bão tố có những gì chưa? Tôi đã thấy đó là những hạt mưa rỗng mà bóng tối cũng không thể chạm vào.

Những hạt mưa rỗng trong những thân thể rỗng, không thời gian, không phương hướng, cứ thế rơi, vô hình, trong suốt. Nhưng từng giọt mưa ấy đủ sức công phá, cày xới lên bao nỗi đau nhức tâm can.

a322f723797fdf21866e.jpg
Mùa đi qua phố. Ảnh: T.T

2. Mùa mưa lũ lịch sử tháng 11 năm 1999 tàn phá các tỉnh miền Trung, tôi và đồng nghiệp ngồi trên con thuyền trôi dạt nơi đỉnh lũ, ở Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên xứ Quảng, với những bọc hàng cứu trợ chất đầy.

Chiều trên đỉnh lũ ấy, tôi đã nghe xộc lên mùi lúa mục, mùi của những hạt mầm vụ mùa đông xuân vừa gieo xuống, sẽ không bao giờ thành mùa được nữa.

Nhưng rồi, nói như thi hào Kahlil Gibran: “Và bạn sẽ chấp nhận các mùa trong trái tim mình/ cũng như bạn luôn chấp nhận các mùa trôi qua trên cánh đồng của mình”. Dẫu đó là có là mùa đau thương, mất mát.

Bởi tôi biết vẫn còn bao nhiêu Mùa - Khác trên đời sống này, đủ sức cho nhân loại vin vào đứng dậy, sinh tồn và vượt qua bão dông thử thách suốt ngàn vạn năm qua.

Sau những mùa chinh chiến, mùa bão dông, mùa gió chướng, mùa chia ly, là những mùa sinh nở, mùa gieo trồng, gặt hái, mùa lễ hội, mùa tựu trường, mùa thi, mùa tri ân, mùa hoa, mùa cưới, mùa đoàn viên, mùa yêu thương… mang mật chú thiêng liêng của trời đất.

Tôi có thói quen, đã từ lâu rồi, đó là thường tìm về phố cổ Hội An để nghe mùa chuyển. Nghe mùi nắng nồng nã chói chang nhạt dần nhẹ dần trên bức tường loang lổ thời gian phút chia tay mùa hè, để chuyển sang mùi nắng dịu bâng khuâng xao xuyến thời khắc chớm sang thu.

Ngồi nhìn những sợi rêu li ti trên mái ngói khô cong dần chuyển màu xám sang phớt xanh, rồi xanh thẫm, rồi khẽ vươn dậy thành những thảm rêu dày mịn, loang ra, loang ra, để biết mùa mưa mùa đông mùa gió bão đã về.

3. Còn có một mùa văn chương, thi ca của những người con xứ Quảng…

Những phút giây ấy, nhìn bóng lá hoa phủ hờ mái rêu, lại nhớ về Thạch Lam nhà văn quê gốc Cẩm Phô ngay lòng phố cổ này. Văn Thạch Lam là văn của những phút chuyển mùa dịu nhẹ và đầy trắc ẩn.

Nhớ thiên truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” với: “Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm ròn khô những chiếc lá rơi… Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt...”.

Một năm nào đó, tôi lên Sa Pa, tìm về trạm khí tượng để theo dấu “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn sinh ra lớn lên bên bờ Thu Bồn - Nguyễn Thành Long. Sa Pa chưa được đô thị hóa của hơn 20 năm về trước vẫn còn đủ bốn mùa trong một ngày. Ngồi với người nữ trưởng trạm cùng các đồng nghiệp đã thầm lặng thực hiện hàng vạn kỳ quan trắc đầy gió sương, mưa tuyết. Để biết thêm những mùa nhân gian lặng lẽ.

Nhớ bọn trẻ con làng Đo Đo vùng cát Thăng Bình xứ Quảng trong thiên truyện “Ngồi khóc trên cây” của Nguyễn Nhật Ánh. “Một năm của bọn chúng có tới sáu mùa: Mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc lá, mùa thả diều, mùa chong chóng…”.
Và còn kỳ lạ hơn nữa, mà có lẽ chỉ chàng “hoàng tử bé” suốt đời mê đắm với tuổi thơ như Nguyễn Nhật Ánh mới có thể kể ra được về những mùa - không - mùa thế này.

“Mỗi mùa bắt đầu từ ngày nào và chấm dứt vào ngày nào thường do đứa lớn nhất trong bọn khởi xướng. Có khi thằng đầu lĩnh này do đã chán trò chơi cũ hoặc do thua sạch vốn liếng liền gian lận bằng cách tuyên bố kết thúc một mùa sớm hơn thường lệ khiến các loại tiền tệ như nắp keng hay bao thuốc lá trong chốc lát bỗng hóa thành vô dụng. Gặp trường hợp đó, những đứa bé hơn chỉ còn biết khóc lóc trong ấm ức, sau đó chùi nước mắt cất tiền vào hộc tủ để dành cho năm sau…”.

Mơ về một “Mùa sạch” của Trần Dần. “Anh vẫn tìm em qua thành phố sạch/Qua tinh mơ xe cộ sạch/Qua chiều sương tỏa lạnh sạch…/Anh vẫn tìm em qua chiều chủ nhật sạch/Qua công viên trong vắt sạch/Anh đã tìm em qua mưa tuần lễ sạch/… Em nhỉ kề đôi năm thì sạch tháng thì giêng”.

Và rồi, vẫn hy vọng với mùa xuân miên viễn “Xin chào nhau giữa con đường/Mùa xuân phía trước miên trường phía sau” của Trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Cả với “hương thời gian mùi thạch thảo” của một “mùa thu đã chết”, thì với Bùi thi nhân, thu vẫn “trở về làm vĩnh viễn thu xuân”…

TRẦN TUẤN